Hàng nghìn bị hại đến tòa, đòi tiền mua trái phiếu Tân Hoàng Minh

Hàng nghìn bị hại từ nhiều nơi đội mưa đổ về phiên tòa xét xử cha con ông Đỗ Anh Dũng với hy vọng lấy lại được tiền mua trái phiếu của tập đoàn Tân Hoàng Minh.

 

Sáng 19/3, hơn 6.630 bị hại là các nhà đầu tư đã mua, góp vốn đầu tư trái phiếu trong vụ án được TAND Hà Nội triệu tập đến phiên tòa xét xử cha con chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng 13 bị cáo đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự.

Lúc 7h, khi bắt đầu làm thủ tục danh sách bị hại, các bàn đón tiếp tại rạp ngoài trời luôn chật kín người và xảy ra tình trạng chen lấn.

 

Trời mưa rào và trở lạnh nhưng nhiều bị hại mặc áo mưa, che ô song có mặt tại cổng trụ sở TAND Hà Nội từ sớm.

 

Nhiều người ở Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hải Dương... lỉnh kỉnh mang theo valy quần áo, đồ dùng cá nhân.

 

Tại rạp ngoài trời, TAND Hà Nội bố trí rạp cùng màn hình lớn để các bị hại xem phiên xét xử. Danh sách họ tên, số tiền của các bị hại được chiếu trên màn hình lớn.

Các bị hại mua trái phiếu Tân Hoàng Minh người ít vài chục triệu đồng, người nhiều lên đến hàng chục tỷ đồng. Bốn mức lãi suất được hứa hẹn là 11% 11,5%, 11,75% và 12%.

 

Nữ bị hại quê Phú Thọ, bắt xe xuống Hà Nội từ 5h. Bà kể được người thân trong gia đình giới thiệu nên rút 500 triệu đồng tiết kiệm dự định dành cho con để mua trái phiếu Tân Hoàng Minh.

Nhà bà còn có hai người khác cũng mua trái phiếu Tân Hoàng Minh. Bà không hy vọng lấy được lãi mà chỉ mong sẽ lấy lại được số tiền gốc đã đầu tư.

 

Khoảng 7h30, cán bộ TAND Hà Nội thông báo các bị hại di chuyển từ khu làm thủ tục ngoài trời vào phòng xét xử dự trực tiếp. Hàng dài người nối tiếp nhau đi từ sân tòa vào phòng xử án.

 

Ông lão bị hại là người khiếm thị, phải nhờ người thân dẫn đến phiên tòa.

 

Chị Hạnh, 40 tuổi, bế con từ Nghệ An ra Hà Nội dự phiên tòa. Chị mua 150 triệu đồng trái phiếu Tân Hoàng Minh để giúp bạn "chạy chỉ số". Nhưng ngay hôm sau, cha con ông Dũng bị bắt, chị chưa kịp lấy chứng từ.

 

VKS xác định, phần lớn các bị hại trong vụ án là nhà đầu tư không chuyên. Theo ghi nhận của phóng viên tại tòa, phần lớn là người cao tuổi, hưu trí sống tại Hà Nội. Một số ít là người trẻ tuổi, đầu tư số tiền nhỏ 100 đến 200 triệu đồng, chủ yếu do có bạn bè thân, người quen, họ hàng giới thiệu.

Dù cha con ông Dũng đã nộp khắc phục toàn bộ hậu quả nhưng chưa bị hại nào được nhận lại tiền mua trái phiếu của tập đoàn này.

Cũng như chị Hạnh, anh Minh (33 tuổi, trú quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay mua 100 triệu đồng trái phiếu do muốn giúp bạn làm tại Tân Hoàng Minh hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn, không quan tâm lãi. Anh mua buổi sáng 5/4/2022, cha con ông Dũng bị bắt ngay chiều đó.

"Số tiền của tôi không lớn so với những bác đổ cả chục tỷ đồng. Nhưng tôi muốn dù một đồng đầu tư vào đâu cũng phải đúng mục đích, rõ ràng, hợp pháp", anh nói và cho hay không nằm trong số hơn 1.400 bị hại xin giảm án cho các bị cáo.

 

Sau phần kiểm tra nhân thân bị cáo, HĐXX nhắc các bị hại kiểm tra thông tin trên giấy triệu tập, đặc biệt về số tiền thiệt hại, nếu có sai sót báo ngay cho thư ký tòa.

Nếu thấy danh sách bị hại không có tên mình nhưng có căn cứ chứng minh có mua bán trái phiếu, bị hại có thể khai báo bổ sung.

Bị hại có quyền đưa ra chứng cứ, đưa ra đề nghị về mức hình phạt, bồi thường, hình thức bồi thường, được tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa. Trong 6.630 bị hại, tòa thông báo 61 người có luật sư bảo vệ quyền lợi.

 

Bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh.

Vụ án được xác định khởi nguồn từ những khó khăn tài chính của Tân Hoàng Minh từ đầu năm 2022, khi nợ ngân hàng lên tới 20.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ. Từ đây, ông Dũng chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu.

Cha con ông Dũng bị cáo buộc không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh do số liệu tài chính phức tạp, không đủ điều kiện, do đó đã lựa chọn các công ty trực thuộc tập đoàn để phát hành.