Chủ tịch Tân Hoàng Minh được VKS đề nghị giảm thêm một năm tù

Hà NộiVKS đánh giá lại tình tiết giảm nhẹ và đã thay đổi một số quan điểm luận tội, đề nghị giảm án tù giam cho cha con chủ tịch Tân Hoàng Minh và 11 bị cáo.

Chiều 22/3, sau lượt bào chữa đầu tiên của luật sư và những người tham dự phiên tòa, VKS cho biết "có điều chỉnh mức án đề nghị với các bị cáo". Theo đó Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và con trai Đỗ Hoàng Việt được VKS đề nghị giảm mỗi người một năm tù, lần lượt xuống còn 8-9 năm và 4-5 năm.

13 bị cáo còn lại cũng được VKS đề nghị giảm 6 tháng hoặc chuyển từ án tù có thời hạn sang án treo.

VKS đánh giá đây là vụ án đầu tiên xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc gian dối phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Sai phạm lãnh đạo Tân Hoàng Minh được cho rằng "xuất phát từ mục đích, nhu cầu huy động vốn trả nợ đến hạn", doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, có phần nguyên nhân từ đại dịch Covid.

Theo VKS, các bị cáo, đặc biệt là cha con ông Dũng đã phối hợp cơ quan điều tra, nộp tiền khắc phục hậu quả cho nhà đầu tư ngay giai đoạn điều tra. Việc này "kịp thời giải tỏa bức xúc lo lắng của người dân".

"Rất nhiều bị hại" có đơn xin khoan hồng cho các bị cáo, nhiều tình tiết giảm nhẹ mới được cung cấp. Công ty phát hành trái phiếu Ngôi Sao Việt (thuộc Tân Hoàng Minh) nộp khắc phục thêm 2 tỷ đồng. Đây được VKS đánh giá là những tình tiết giảm nhẹ mới, cần thiết, phù hợp để giảm nhẹ thêm hình phạt, "góp phần khích lệ" các bị cáo tiếp tục khắc phục hậu quả vụ án.

Nói lời sau cùng, trong hơn 15 phút, ông Dũng cúi rạp người xin lỗi các nhà đầu tư, tái khẳng định chưa bao giờ có ý định lừa gạt. Ông cảm ơn gia đình và những người bạn chân chính khi lúc khó khăn đã góp tiền giúp ông và Tân Hoàng Minh gom đủ số tiền hàng nghìn tỷ đồng, khắc phục hậu quả vụ án. Ông xin giảm nhẹ cho con trai và 13 bị cáo còn lại, xin "nếu có thể mong được lĩnh án thay" để họ được sớm về với xã hội.

Luật sư: Tiền khắc phục hậu quả "lớn nhất từ trước tới nay"

Tranh tụng trước đó, bào chữa cho ông Dũng, luật sư Giang Hồng Thanh thay mặt thân chủ cảm ơn sự bao dung của nhiều bị hại khi đánh giá "trong hoàn cảnh khó khăn đó, ông Đỗ Anh Dũng không có ý định lừa đảo". Trích dẫn bút lục lời khai của thân chủ tại cơ quan điều tra, luật sư nêu khi phát hành trái phiếu, ông Dũng xác định "không có những nhà đầu tư chiến lược này thì phương án kinh doanh khó có thể thành công, do vậy không có suy nghĩ sẽ lừa người dân".

Theo luật sư, thời điểm đó Tân Hoàng Minh đang phát triển rất nhiều dự án, sau khi bị khởi tố, ông Dũng đã khắc phục đầy đủ hơn 8.600 tỷ đồng để giảm thiệt hại đến mức tối đa cho các nhà đầu tư.

Số tiền khắc phục này được luật sư cho rằng "lớn nhất từ trước đến nay trong các vụ án" liên quan tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nói sau hai năm vướng lao lý, từ tập đoàn kinh tế hơn 2.000 nhân viên, Tân Hoàng Minh chỉ còn hơn 100 nhân sự, luật sư mong HĐXX khoan hồng để các bị cáo sớm trở về khôi phục hoạt động doanh nghiệp.

Luật sư Giang Hồng Thanh, bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng. (Ảnh: Ngọc Thành). 

Luật sư Nguyễn Văn Tú khi bảo vệ bị cáo Đỗ Hoàng Việt nói dù số bị hại lớn, tiền thiệt hại nhiều nhưng ngay từ đầu bị cáo và bị hại đã rất hợp tác. "Ít có vụ án nào có được việc khắc phục nhanh như vậy", luật sư nêu quan điểm.

Luật sư bào chữa rằng "bị cáo chỉ muốn tạo thêm việc làm, làm giàu cho doanh nghiệp, cho xã hội nhưng do thiếu nhận thức pháp luật mà vi phạm".

Đại diện cho các nhóm bị hại, các luật sư đại diện cho hay thân chủ "rất đồng cảm" và ghi nhận việc Tân Hoàng Minh tích cực nộp lại số tiền chiếm đoạt. Các bị hại mong sau phiên tòa sẽ sớm được nhận lại số tiền này.

Trong phiên luận tội chiều qua, 21/3, VKS xác định toàn bộ thiệt hại vụ án đã được các bị cáo khắc phục đầy đủ. Do đó, về dân sự, với yêu cầu của các bị hại về việc trả lại tiền gốc mua trái phiếu, VKS đánh giá là có căn cứ, đề nghị tòa chấp thuận.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh, Đỗ Anh Dũng. (Ảnh: Ngọc Thành).

Với yêu cầu trả lãi đến hạn, trả lãi chậm trả của nhiều bị hại, bản luận tội phân tích: Hành vi phát hành trái phiếu được xác định là vi phạm pháp luật, các hợp đồng đầu tư mua trái phiếu của bị hại với Tân Hoàng Minh do đó không hợp pháp, tức vô hiệu. Vì vậy, VKS cho rằng cần giải quyết theo quy định pháp luật về giao dịch vô hiệu.

Bào chữa cho nhóm hơn 30 bị hại, luật sư Nguyễn Văn Chiến hôm nay đề nghị HĐXX tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường ngoài hợp đồng cho thân chủ, bồi thường tổn thất tinh thần trong hai năm qua họ mua trái phiếu nhưng không được hưởng lãi suất. Theo luật sư, do bị hại đông, nhiều hoàn cảnh khác biệt nên đề xuất tính theo mặt bằng lãi ngân hàng.

Các bị hại cũng chia hai luồng ý kiến về việc nhận lại tiền, chỉ cần gốc hay yêu cầu trả cả lãi, xin giảm nhẹ và không xin giảm nhẹ cho các bị cáo.

Nói "rất chia sẻ với những thiệt hại kinh tế mà các bị hại gánh chịu", song VKS xác định họ tham gia mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh là hình thức hoạt động hợp tác kinh doanh. Các bị cáo ký hợp đồng mua bán trái phiếu với Tân Hoàng Minh được xác định là giao dịch dân sự. Việc này vì thế phải thỏa mãn các điều kiện của giao dịch dân sự quy định tại điều 1117 Bộ luật Dân sự. Một trong những điều kiện của hợp đồng dân sự là mục đích, nội dung giao dịch "không vi phạm các điều cấm của pháp luật".

Nhưng trong giao dịch này, việc Tân Hoàng Minh phát hành các gói trái phiếu trái phép là một trong các yếu tố xác định đã vi phạm điều cấm của luật. Đây là điều kiện để xác định hợp đồng mua bán trái phiếu của các bị hại và Tân Hoàng Minh là giao dịch vô hiệu. "Đề nghị tòa tuyên giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả theo điều 131 Bộ luật Dân sự", kiểm sát viên nêu quan điểm.

Do có nhiều ý kiến của bị hại về "trả lãi hay không trả lãi", HĐXX đề nghị VKS làm rõ và trả lời thẳng vấn đề này. Kiểm sát viên phân tích, theo điều 131 Bộ luật Dân sự, khi xác định hợp đồng vô hiệu thì các điều khoản trong đó không có giá trị, không có hiệu lực. Vì thế, vấn đề thỏa thuận lãi của hợp đồng không có hiệu lực. "Về các yêu cầu trả lãi, VKS đề nghị HĐXX tuyên không chấp nhận" kiểm sát viên nói.

Phiên tòa đang tiếp tục làm việc.

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Luật mới sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản, vụ Tập đoàn Thuận An không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chủ tịch Đạt Phương cho biết, doanh nghiệp có liên danh với Tập đoàn Thuận An và nhiều nhà thầu khác tại hai dự án xây dựng. Về bản chất, mỗi nhà thầu độc lập với nhau, Đạt Phương ký hợp đồng độc lập với chủ đầu tư và khẳng định không liên quan gì đến Thuận An.