Hành trình cho vài trăm tỷ chạy lòng vòng rồi thu về 14.000 tỷ của Tân Hoàng Minh

Với cách cho số tiền vài trăm tỷ đồng chạy lòng vòng, Tân Hoàng Minh đã mua hết lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng do ba công ty trong hệ sinh thái của mình hợp thức phát hành, sau đó bán lại cho hàng nghìn nhà đầu tư thứ cấp và thu về 14.000 tỷ đồng.

Chỉnh sửa, báo lãi khống trong báo cáo tài chính

TAND TP Hà Nội đang xét xử sơ thẩm vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Phiên tòa này có 15 bị cáo, trong đó 11 người là thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh, 4 người còn lại làm việc tại các công ty kiểm toán.

Hồ sơ vụ án cho thấy, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh) được thành lập năm 1993, ở TP Hồ Chí Minh. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 10.000 tỷ đồng, trong đó ông Đỗ Anh Dũng góp 51,48% và 5 công ty liên quan. Ông Đỗ Anh Dũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

Ngoài ra, để mở rộng lĩnh vực kinh doanh, ông Dũng đã thành lập thêm 45 công ty, trong đó có Công ty TNHH Đầu tư Bất Động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông.

Các công ty này được ông Dũng thành lập mới hoặc mua lại cổ phần, vốn góp tại các công ty khác, rồi chỉ định người nhà hoặc các cá nhân, pháp nhân liên quan đến Công ty Tân Hoàng Minh đứng tên góp vốn, sở hữu cổ phần.

 Ông Đỗ Anh Dũng được đưa đến tòa ngày 19/3. (Ảnh: VnExpress/Ngọc Thành).

Ngôi Sao Việt do ông Nguyễn Mạnh Hùng là Chủ tịch Hội đông thành viên, người đại diện pháp luật; Soleil do ông Trần Hồng Sơn là Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện pháp luật và Cung điện Mùa Đông do ông Nguyễn Khoa Đức là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc và người đại diện pháp luật.

Về mặt pháp lý, các công ty trên hạch toán tài chính kế toán, kê khai báo cáo thuế độc lập, nhưng bản chất đều thuộc sở hữu và chịu sự chỉ đạo, điều hành của ông Đỗ Anh Dũng. Kết quả, tình hình hoạt động kinh doanh của các công ty này đều được báo cáo về Trung tâm Tài chính - Kế toán của Tân Hoàng Minh để tổng hợp, báo cáo ông Dũng. Do đó, Công ty Tân Hoàng Minh còn được gọi là Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng đã chỉ đạo một số nhân viên thuộc tập đoàn thực hiện hành vi gian dối hợp thức phương án phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tạo dựng việc mua bán trái phiếu bằng các chạy dòng tiền khống, qua đó tạo lập giá trị trái phiếu ảo, hợp thức trái chủ sang cho Công ty Tân Hoàng Minh, sau đó bán trái phiếu, huy động và chiếm đoạt số tiền khoảng 8.644 tỷ đồng của 6.630 bị hại.

Sự việc bắt đầu nhen nhóm từ thời điểm đầu năm 2021, khi đó Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư. Để có tiền chi phí hoạt động bộ máy làm việc, hoạt động kinh doanh, đầu tư và thanh toán các khoản nợ của tập đoàn, ông Dũng đã chỉ đạo ông Đỗ Hoàng Việt, là Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính (đồng thời là con trai của ông Dũng), tìm phương án, cách thức huy động vốn cho tập đoàn.

Trên cơ sở đề xuất của ông Việt, ông Dũng thống nhất chủ trương, giao cho ông Việt chỉ đạo các lãnh đạo, nhân viên cấp dưới rà soát, lựa chọn pháp nhân thuộc tập đoàn để phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo để tạo niềm tin, thu hút được nhiều người mua. Sau đó hợp thức trái chủ, sử dụng pháp nhân, thương hiệu của Tân Hoàng Minh để bán cho nhà đầu tư thứ cấp, huy động tiền cho tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Việc phát hành trái phiếu không sử dụng pháp nhân Công ty Tân Hoàng Minh làm tổ chức phát hành mà lựa chọn sử dụng pháp nhân của Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung điện Mùa Đông nêu trên.

Trước mỗi lần phát hành trái phiếu, ông Đỗ Hoàng Việt đều báo cáo và được sự thống nhất của ông Đỗ Anh Dũng để: Chỉ đạo ông Phùng Thế Tính (Giám đốc Trung tâm Tài chính - Kế toán Công ty Tân Hoàng Minh, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế toán, Kế toán trưởng Công ty Soleil), ông Hoàng Quyết Chiến (từ tháng 9/2021, ông Chiến làm quyền Phó Giám đốc Trung tâm Tài chính - Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kể toán thay ông Tính) chịu trách nhiệm xem xét tình hình tài chính của các công ty được lựa chọn phát hành trái phiếu, phân công kế toán trưởng các công ty, nhân viên kế toán tại Trung tâm Tài chính kế toán làm việc với công ty kiểm toán để hợp thức báo cáo tài chính với ý kiến chấp nhận toàn phần, đủ điều kiện phát hành và tổ chức chạy dòng tiền khống để tạo lập giá trị ảo của trái phiếu, hợp thức thanh toán hợp đông chuyển nhượng trái phiếu sơ cấp và phương án phát hành trái phiếu; chỉ đạo bà Lê Thị Mai (Phó Giám đốc thường trực Ban Nguồn vốn, Trung tâm Tài chính - Kế toán) và bà Vũ Lê Vân Anh (Phó Giám đốc Ban Nguồn vốn, Trung tâm Tài chính- Kế toán) có trách nhiệm phân công lãnh đạo phòng, chuyên viên Phòng Huy động vốn, Ban Nguồn vốn tạo dựng hồ sơ, phương án phát hành khống giữa nội bộ các công ty, cá nhân trong Tập đoàn Tân Hoàng Minh, làm việc, thống nhất các thủ tục liên quan với các đơn vị cung cấp dịch vụ thẩm định giá, tư vấn phát hành, quản lý tài khoản và quản lý tài sản đảm bảo trái phiếu.

Về các bước cụ thể, do thời điểm đó kết quả kinh doanh của các công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung điện Mùa Đông không đủ điều kiện để phát hành, chào bán trái phiếu nên nhóm Tân Hoàng Minh đã chỉnh sửa báo cáo tài chính của ba công ty này theo hướng không đúng với thực tế.

Các báo cáo tài chính đã được chỉnh sửa về các chỉ tiêu tài chính, khoản nợ, ghi nhận lãi khống, loại bỏ các công ty con và công ty liên kết để đủ điều kiện phát hành theo quy định của pháp luật.

Sau đó, nhóm Tân Hoàng Minh kết nối với hai công ty kiểm toán để đưa ra ý kiến "chấp nhận toàn phần” trong thời gian nhanh nhất phục vụ mục đích phát hành trái phiếu.

Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn tài chính kế toán và Kiểm toán Nam Việt (Công ty Kiểm toán Nam Việt) Chi nhánh phía Bắc đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2020 của Ngôi Sao Việt và Soleil. Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (Công ty CPA Hà Nội) kiểm toán báo cáo tài chính năm 2020 và 2021 của Cung điện Mùa Đông.

Quá trình kiểm toán, các cá nhân tại hai công ty kiểm toán nêu trên đã không thực hiện đúng nhiệm vụ, hợp thức báo cáo kiểm toán giúp Tập đoàn Tân Hoàng Minh đủ điều kiện phát hành 9 gói trái phiếu.

Kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra do Bộ Tài chính chủ trì liên quan đến hoạt động kiểm toán này cho cho thấy, "kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán Báo cáo tài chính".

Ký các hợp đồng ảo để tăng sức hút với nhà đầu tư

Theo cáo trạng, ngoài việc “làm đẹp” báo cáo tài chính, theo đề xuất của ông Đỗ Hoàng Việt, ông Đỗ Anh Dũng còn lựa chọn một thức trái phiếu có tài sản bảo đảm để người mua trái phiếu tin rằng mục đích phát hành là để đầu tư vào những dự án có thật.

Quá trình thực hiện, ông Hùng, ông Sơn và ông Đức đại diện Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông đã ký hợp đồng với các công ty thẩm định giá để ban hành các chứng thư, báo cáo thẩm định giá đối với các tài sản tại các gói trái phiếu do ba công ty phát hành.

Các tài sản này gồm ba dạng: Quyền tài sản phát sinh và hình thành trong tương lai từ các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh; quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và cổ phần.

Tổng giá trị tài sản bảo đảm được thẩm định là hơn 13,3 nghìn tỷ đồng, trong đó: Công ty TNHH Thẩm định giá Ecomax thẩm định giá tài sản bảo đảm đối với 4 gói trái phiếu, Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá VAA 3 gói, Công ty CP Thẩm định giá Thành Đô và Công ty CPA Hà Nội mỗi công ty thẩm định một gói.

Kết quả điều tra xác định, mục đích, phương án phát hành 9 gói trái phiếu thể hiện tại các hợp đồng kinh tế được doanh nghiệp tạo dựng, lập khống về động kinh doanh. Các công ty thẩm định giá thực hiện chưa đúng quy định về các bước thẩm định giá.

Theo đánh giá của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính thì "các Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá do các Công ty Thẩm định giá ban hành chưa đảm bảo độ tin cậy”.

Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, các ông Hùng, Sơn và Đức đã ký văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để công bố thông tin chào bán 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành là 10.030 tỷ đồng.

Trong đó, Ngôi Sao Việt phát hành hai gói trái phiếu giá trị 2.700 tỷ, mục đích được công bố lần lượt là để mua 3.060.000 cổ phần (tương đương 51% vốn điều lệ) của Công ty CP Đầu tư phát triển và Thương mại Việt Tiến và góp vốn hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh “Dự án đầu tư xây dựng dải đất phía nam đường Đại Cồ Việt” (tương ứng tỷ lệ 47% tổng mức đầu tư) do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại cồ Việt làm chủ đầu tư.

Soleil phát hành 3 gói trái phiếu, tổng giá trị 1.750 tỷ đồng, với mục đích là hợp tác với công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc.

Cung Điện Mùa Đông phát hành 4 gói trái phiếu với tổng giá trị 5.580 tỷ, trong đó 3 lô mục đích cũng liên quan đến việc hợp tác, đầu tư với Hoàng Hải Phú Quốc và lô còn lại để đặt cọc mua 75% cổ phần (tương đương 54 triệu cổ phần) của Công ty CP Đầu tư bất động sản Ngọc Viễn Đông.

Cũng theo kết quả điều tra, toàn bộ 9 gói trái phiếu nói trên được các bị can tạo lập bằng hồ sơ khống, hành vi gian dối. Thực chất, không có việc sử dụng tiền trái phiếu để đầu tư như thông tin đã công bố. Bản chất các công ty ký kết hợp tác đầu tư, kinh doanh với các công ty phát hành trái phiếu nêu trên đều là các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Cho vài trăm tỷ chạy lòng vòng rồi thu về 14.000 tỷ đồng

Sau khâu chào bán, bước kế tiếp, nhóm ông Đỗng Anh Dũng sử dụng pháp nhân Công ty Tân Hoàng Minh tiến hành mua lại 9 lô trái phiếu do ba doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình vừa phát hành.

Để Công ty Tân Hoàng Minh hợp thức trở thành trái chủ sơ cấp, từ ngày 5/7/2021 đến 4/3/2022, ông Dũng đã ủy quyền cho các cá nhân dưới quyền ký các hợp đồng giả cách mua lại các gói trái phiếu đã phát hành, trong đó: Bị can Lê Văn Thịnh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt) ký 12 hợp đồng giả cách mua lại 6 gói trị giá 4.100 đồng; bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chánh văn phòng Hội đồng Chủ tịch Công ty Tân Hoàng Minh ký 3 hợp đồng mua lại 3 gói trái phiếu trị giá 5.930 tỷ đồng.

Để thanh toán cho 9 lô trái phiếu, Tân Hoàng Minh không bỏ ra toàn bộ hơn 10.000 tỷ đồng mà sử dụng cách cho vài trăm tỷ đồng chạy lòng vòng.

Cụ thể, để hợp thức thanh toán các hợp đồng giả cách, ông Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo ông Nguyễn Văn Khẩn, Phó Trưởng phòng Ngân sách thuộc Trung tâm Tài chính - Kế toán Tân Hoàng Minh thực hiện rà soát, cân đối số dư trên tài khoản các cá nhân, công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, lên phương án, cách thức quay vòng dòng tiền qua các tài khoản. Ông Khẩn đã báo cáo, được sự đồng ý của ông Phùng Thế Tính, và sau này là ông Hoàng Quyết Chiến, về phương án chạy dòng tiền khốn; đồng thời đưa thông tin lên nhóm Viber để các kế toán viên tại Trung tâm Tài chính - Kế toán và các công ty phát hành biết, phối hợp.

Trước mỗi đợt thanh toán tiền mua trái phiếu, trong tài khoản của Công ty Tân Hoàng Minh chỉ có những khoản tiền dao động từ khoảng 39,5 tỷ đồng đến trên 200 tỷ đồng.

Vòng 1, số tiền này được sử dụng nhiều lần thủ tục rút, nộp vào tài khoản của 3 công ty phát hành (Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông) tại các ngân hàng để thanh toán tiền mua trái phiếu cho Công ty Tân Hoàng Minh (đơn vị mua trái phiêu sơ cấp).

Vòng hai, dòng tiền trên được chuyển tiếp sang tài khoản của các công ty, cá nhân tại Tân Hoàng Minh theo đúng mục đích, phương án phát hành.

Các vòng tiếp theo, dòng tiền được chuyển khoản hoặc rút tiền, nộp tiền mặt qua một hoặc một số tài khoản các cá nhân, công ty trong Tân Hoàng Minh.

Cuối cùng, “khoản tiền này lại được chuyển khoản hoặc nộp vào tài khoản của Công ty Tân Hoàng Minh để quay lại vòng 1 và tiếp tục quay vòng cho đến khi hợp thức đủ giá trị của gói trái phiếu phát hành và hợp đồng mua trái phiếu sơ cấp. Từ đó, hợp thức phương án phát hành, hợp đồng mua trái phiếu, tạo giá trị ảo của 9 gói trái phiêu và tạo lập trái chủ sơ cấp cho Công ty Tân Hoàng Minh,” cáo trạng vụ án nêu.

Sau khi hợp thức thành trái chủ sơ cấp, bước kế tiếp là Tân Hoàng Minh bán các lô trái phiếu cho các trái chủ thứ cấp.

Để bán trái phiếu rộng rãi ra cho người dân (hầu hết không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp), tháng 7/2021, ông Đỗ Anh Dũng đã thành lập Trung tâm Kinh doanh trái phiếu thuộc Tân Hoàng Minh và giao cho ông Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, điều hành việc bán trái phiếu; ủy quyền cho ông Lê Văn Thịnh và 21 cá nhân tại các công ty trong Tập đoàn Tân Hoàng Minh ký các hợp đồng hợp tác đầu tư trái phiếu, thực chất là để bán trái phiếu cho các nhà đầu tư.

Kết quả, Tân Hoàng Minh đã thu được gần 14.000 tỷ đồng, cao hơn giá trị phát hành là do Tân Hoàng Minh chia nhỏ kỳ hạn so với kỳ hạn gốc, mua đi bán lại nhiều lần cao hơn giá trị phát hành.

“Do tin tưởng các gói trái phiếu được phát hành đúng quy định của pháp luật, có dòng tiền đầu tư thật vào dự án, báo cáo tài chính trung thực, Công ty Tân Hoàng Minh là công ty lớn, có thương hiệu nên người dân đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu (thực chất là mua trái phiếu) để trở thành chủ sở hữu 9 gói trái phiếu,” cáo trạng viết.

Số tiền đã huy động từ việc bán trái phiếu được ông Đỗ Anh Dũng chỉ đạo sử dụng không đúng với mục đích, phương án phát hành trái phiếu, như: Trả nợ ngân hàng; thanh toán tiền mua cổ phần, dự án, tạm dứng, đặt cọc; thanh toán tiền lãi và hoa hồng trái phiếu; trả cho người mua trái phiếu đến hạn…

Tại thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án, số dư còn lại trên tài khoản của Tân Hoàng Minh là khoảng 214,1 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, 9 gói trái phiếu phát hành có kỳ hạn từ 2 đến 5 năm nhưng các bị can thuộc Tân Hoàng Minh đã chia nhỏ kỳ hạn đến tuần, tháng để bán trái phiếu và sử dụng khoản tiền từ chính nguồn thu trái phiếu để chi trả (hơn 5.165 tỷ đồng là tiền của người mua trái phiếu sau để trả cho những người mua đến hạn trước) thực chất là thủ đoạn của các bị can để thu hút người mua các gói trái phiếu phát hành tiếp theo.

Vì vậy, tại thời điểm khởi tố vụ án, tội phạm bị phát hiện, ngăn chặn, cơ quan điều tra xác định toàn bộ số dư nợ gốc còn lại 8.644 đồng của 6.630 nhà đầu tư, là số tiền chiếm đoạt đối với các bị can.

Tại phiên xét xử sơ thẩm đang diễn ra, bước đầu ông Đỗ Anh Dũng thừa nhận cáo buộc chạy dòng tiền ảo, mua 10.000 tỷ trái phiếu dù tài khoản chỉ có vài trăm tỷ đồng. Ông "tôn trọng cáo trạng, kết luận điều tra" nhưng cho biết “chưa từng có ý nghĩ chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư”. Trước thời điểm phiên tòa diễn ra, nhóm ông Đỗ Anh Dũng đã nộp lại toàn bộ số tiền bị cáo buộc đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.