Mức phạt được TAND Hà Nội công bố chiều 27/3, sau 5 ngày nghị án. Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị tuyên 8 năm tù, con trai ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt nhận 3 năm tù, cùng tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bản án đánh giá ông Dũng là chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt do đó cần bị phạt mức án cao nhất. Con trai ông, Đỗ Hoàng Việt, thực hiện theo lệnh cấp trên cũng là cha ruột, đóng vai trò giúp sức tích cực.
Theo tòa sơ thẩm, Tân Hoàng Minh là công ty gia đình, 9 cán bộ còn lại của tập đoàn chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của cha con ông Dũng nên được xét là đồng phạm giúp sức, có vai trò sau Việt.
Các bị cáo thuộc hai công ty kiểm toán đã thông đồng cùng Tân Hoàng Minh, chấp nhận toàn phần báo cáo kiểm toán đã được chỉnh sửa, là đồng phạm giúp sức nhưng chỉ đóng vai trò trong khâu điều kiện, vai trò thấp nhất, bản án phân tích.
Các bị cáo đều được đánh giá thành khẩn, ăn năn, được nhiều bị hại xin giảm nhẹ. Gia đình ông Dũng đã nộp hơn 5.600 tỷ đồng, 13 bị cáo còn lại hơn 900 triệu đồng.
Cùng với số tiền đã bị cơ quan điều tra thu giữ trước đó của Tân Hoàng Minh, tòa kết luận "toàn bộ thiệt hại đã được khắc phục đầy đủ". Đây là những tình tiết giảm nhẹ để HĐXX quyết định tuyên 15 bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Bị hại không được trả lãi
Trước ý kiến của các bị hại về việc trả lãi, tòa sơ thẩm thấy đây là vụ án hình sự, chỉ quyết định trách nhiệm bồi thường dân sự liên quan số tiền chiếm đoạn nên không có căn cứ tính các loại lãi như bị hại yêu cầu.
Yêu cầu này chỉ được xem xét giải quyết sau khi bản án xác định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo có hiệu lực pháp luật. Thiệt hại khác không liên quan số tiền chiếm đoạt cũng không có cơ sở xem xét.
Ý kiến của bị cáo Dũng về việc đồng ý trả lãi các trái phiếu mua trước thời điểm bị khởi tố là sự tự nguyện của bị cáo, không thuộc phạm vi xử lý vụ án này. Theo nguyên tắc bồi thường cần yêu cầu các bị cáo liên đới bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại. Nhưng số tiền các bị hại đã nộp đầy đủ cho Tân Hoàng Minh và thực tế việc sử dụng tiền này do ông Dũng quyết định, các bị cáo khác không được hưởng lợi và cũng không có vai trò quyết định. Do vậy, để đảm bảo sự công bằng cho các bị cáo, tòa cho rằng cần buộc bị cáo Dũng bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 8.600 tỷ đồng cho 6.630 bị hại.
Với hơn 900 triệu đồng do 13 bị cáo khác nộp, dù không có nghĩa vụ bồi thường nhưng được xét là yếu tố giảm nhẹ, tòa quyết định sung công quỹ.
Với những cá nhân tổ chức khác, từ khi cơ quan điều tra công khai kết luận điều tra đến khi xét xử, nếu không có tên trong danh sách bị hại nhưng cũng không khai báo xuất trình, sau này nếu có yêu cầu sẽ được giải quyết trong vụ án khác.
Bản án nêu khó khăn tài chính của Tân Hoàng Minh bộc lộ từ đầu năm 2022, ông Dũng chỉ đạo con trai tìm cách huy động vốn. Việt đề xuất và được cha chấp thuận phương án phát hành trái phiếu thông qua các công ty thuộc "hệ sinh thái" Tân Hoàng Minh.
Các báo cáo tài chính được Việt chỉ đạo cấp dưới chỉnh sửa để các công ty đủ điều kiện phát hành, sau đó ký các hợp đồng thực hiện dự án hợp tác không có thật để lấy lòng tin của nhà đầu tư.
Hơn 90 triệu trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, được bán lại cho Tân Hoàng Minh bằng cách "chạy dòng tiền khống", để tập đoàn này sau đó chia nhỏ kỳ hạn, bán lại cho dân, thu 14.000 tỷ đồng.
Trong số này, hơn 5.000 tỷ đồng được Tân Hoàng Minh lấy người mua sau trả cho người mua trước. Do đó, tòa xác định các bị cáo đã chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng, đã được nộp khắc phục toàn bộ trong quá trình truy tố.
Qua 4 ngày tòa làm việc, các bị cáo đều thừa nhận hành vi, cho rằng động cơ phạm tội là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không cố ý lừa đảo người mua trái phiếu, không ngờ hậu quả lớn đến vậy. Các cán bộ thuộc Tân Hoàng Minh thừa nhận làm theo chỉ đạo, không được hưởng lợi.
Hơn 1.000 bị hại có mặt trong ngày khai mạc phiên tòa, giảm dần trong các ngày tiếp theo. Theo màn hình điện tử TAND Hà Nội hiển thị danh sách bị hại ngoài khu vực phòng xử, số tiền các cá nhân đầu tư dao động 100 triệu đến gần 20 tỷ đồng.
Họ nói đầu tư do tin tưởng tập đoàn lớn, làm ăn minh bạch, nay đều có nguyện vọng được trả lại tiền, song chia hai luồng ý kiến, cần nhận lãi hoặc không.
Chủ tịch Tân Hoàng Minh do đó hứa trả lãi với các trái phiếu mua trước khi ông bị bắt, số còn lại, ông sẽ tuân theo phán quyết của tòa.
VKS cho rằng, việc mua trái phiếu với Tân Hoàng Minh là giao dịch dân sự, song việc phát hành trái phiếu là trái phép, do đó cần tuyên vô hiệu. Theo quy định xử lý hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu, các điều khoản trong hợp đồng không có giá trị, không có hiệu lực. Do đó, về việc các bị hại các yêu cầu trả lãi, VKS cho rằng không có cơ sở để chấp nhận.
Bào chữa cho cha con ông Dũng, các luật sư đánh giá việc Tân Hoàng Minh khắc phục đủ hơn 8.600 tỷ đồng trong giai đoạn truy tố là nỗ lực lớn, đây là số tiền khắc phục hậu quả "lớn nhất từ trước đến nay trong các vụ án" liên quan tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Do có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới, sau một ngày tranh tụng, VKS điều chỉnh lại mức án đề nghị, giảm cho cha con ông Dũng mỗi người một năm tù; giảm cho 10 bị cáo mỗi người 6 tháng; ba người còn lại được VKS đề nghị chuyển từ án tù có thời hạn thành án treo.
Trong lời sau cùng, ông Dũng nói đây là sự việc đau đớn trong đời khiến ông ăn năn sâu sắc. Chủ tịch Tân Hoàng Minh cảm ơn và xin lỗi các nhà đầu tư, hy vọng được sớm trở về tiếp tục kinh doanh.
Chủ đầu tư 18:32 | 23/09/2024
Chủ đầu tư 10:20 | 20/06/2024
Chủ đầu tư 11:44 | 29/03/2024
Chủ đầu tư 18:18 | 27/03/2024
Chủ đầu tư 08:00 | 24/03/2024
Chủ đầu tư 16:45 | 22/03/2024
Chủ đầu tư 15:25 | 21/03/2024
Chủ đầu tư 18:17 | 20/03/2024