Nắm trong tay 46 doanh nghiệp, vì sao Tân Hoàng Minh chọn Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung điện Mùa Đông để phát hành trái phiếu?

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Đỗ Hoàng Việt giải thích lý do Tân Hoàng Minh lựa chọn các công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung điện Mùa Đông để phát hành trái phiếu mà không phải doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái 45 đơn vị.

Tuần qua, TAND TP Hà Nội đã bắt đầu đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt xảy ra tại tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Hồ sơ vụ án cho thấy, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh) được thành lập năm 1993, ở TP Hồ Chí Minh. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 10.000 tỷ đồng, trong đó ông Đỗ Anh Dũng góp 51,48% và 5 công ty liên quan. Ông Đỗ Anh Dũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

Ngoài ra, để mở rộng lĩnh vực kinh doanh, ông Dũng đã thành lập thêm 45 công ty, trong đó có Công ty TNHH Đầu tư Bất Động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông.

Các công ty này được ông Dũng thành lập mới hoặc mua lại cổ phần, vốn góp tại các công ty khác, rồi chỉ định người nhà hoặc các cá nhân, pháp nhân liên quan đến Công ty Tân Hoàng Minh đứng tên góp vốn, sở hữu cổ phần.

Về mặt pháp lý, các công ty trên hạch toán tài chính kế toán, kê khai báo cáo thuế độc lập, nhưng bản chất đều thuộc sở hữu và chịu sự chỉ đạo, điều hành của ông Đỗ Anh Dũng.

Kết quả, tình hình hoạt động kinh doanh của các công ty này đều được báo cáo về Trung tâm Tài chính - Kế toán của Tân Hoàng Minh để tổng hợp, báo cáo ông Dũng. Do đó, Công ty Tân Hoàng Minh còn được gọi là Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra tuần qua, bị cáo Đỗ Hoàng Việt, con trai ông Đỗ Anh Dũng, đồng thời là Phó tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh đã trả lời các vấn đề được đặt ra từ phía HĐXX như: Công ty Tân Hoàng Minh có đủ điều kiện để phát hành trái phiếu hay không? Tại sao lại chọn ba công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông để phát hành mà không phải doanh nghiệp khác? Nếu không hợp thức thì ba công ty này có đủ điều kiện hay không?…

 Bị cáo Đỗ Hoàng Việt tại phiên tòa. (Ảnh: VnExpress/Ngọc Thành).

Nội dung trả lời của ông Đỗ Hoàng Việt cho thấy, thời điểm năm 2021, Tân Hoàng Minh gặp khó khăn về dòng tiền. Tân Hoàng Minh đã quyết định lựa chọn phương án phát hành trái phiếu để huy động vốn cho tập đoàn.

Tuy nhiên, Công ty Tân Hoàng Minh không đủ điều kiện phát hành trái phiếu. Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông cũng không đủ điều kiện để phát hành. Tuy nhiên, nhóm ông Dũng, ông Việt sau đó đã chọn các công ty này để phát hành trái phiếu bởi vì đây là “ba công ty khả quan nhất” trong hệ sinh thái Tân Hoàng Minh.

Hồ sơ vụ án cho thấy, để có thể phát hành trái phiếu, Tân Hoàng Minh đã tiến hành chỉnh sửa báo cáo tài chính của ba công ty nói trên theo hướng không đúng với thực tế. Các báo cáo tài chính đã được chỉnh sửa về các chỉ tiêu tài chính, khoản nợ, ghi nhận lãi khống, loại bỏ các công ty con và công ty liên kết để đủ điều kiện phát hành theo quy định của pháp luật.

Sau đó, nhóm Tân Hoàng Minh kết nối với hai công ty kiểm toán để đưa ra ý kiến "chấp nhận toàn phần” giúp cho Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Ngoài việc “làm đẹp” báo cáo tài chính, theo đề xuất của ông Đỗ Hoàng Việt, ông Đỗ Anh Dũng còn lựa chọn một thức trái phiếu có tài sản bảo đảm để người mua trái phiếu tin rằng mục đích phát hành là để đầu tư vào những dự án có thật.

Quá trình thực hiện, đại diện Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông đã ký hợp đồng với các công ty thẩm định giá để ban hành các chứng thư, báo cáo thẩm định giá đối với các tài sản tại các gói trái phiếu do ba công ty phát hành.

Các tài sản này gồm ba dạng: Quyền tài sản phát sinh và hình thành trong tương lai từ các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh; quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và cổ phần.

Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ,  đại diện Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông đã ký văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để công bố thông tin chào bán 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành là 10.030 tỷ đồng.

Sau khâu chào bán, bước kế tiếp, nhóm ông Đỗng Anh Dũng sử dụng pháp nhân Công ty Tân Hoàng Minh tiến hành mua lại 9 lô trái phiếu do ba doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình vừa phát hành bằng các hợp đồng giả cách.

Để thanh toán cho 9 lô trái phiếu, Tân Hoàng Minh không bỏ ra toàn bộ hơn 10.000 tỷ đồng mà sử dụng cách cho vài trăm tỷ đồng chạy lòng vòng cho tới khi hợp thức mua hết các lô trái phiếu này.

Sau khi hợp thức thành trái chủ sơ cấp, bước kế tiếp là Tân Hoàng Minh bán các lô trái phiếu cho các trái chủ thứ cấp.

Kết quả, Tân Hoàng Minh đã thu được gần 14.000 tỷ đồng, cao hơn giá trị phát hành là do Tân Hoàng Minh chia nhỏ kỳ hạn so với kỳ hạn gốc, mua đi bán lại nhiều lần cao hơn giá trị phát hành.

Tại thời điểm khởi tố vụ án, tội phạm bị phát hiện, ngăn chặn, cơ quan điều tra xác định toàn bộ số dư nợ gốc còn lại 8.644 đồng của 6.630 nhà đầu tư, là số tiền chiếm đoạt đối với các bị can.

Trong vụ án này, cơ quan chức năng xác định, ông Đỗ Anh Dũng là người điều hành, chỉ đạo, quyết định cao nhất đối với các hoạt động kinh tế tại Tân Hoàng Minh và hệ thống các công ty thuộc tập đoàn này.

Ông Dũng đã chỉ đạo ông Đô Hoàng Việt tìm nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh, đầu tư của tập đoàn thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn.

Ông cũng đồng ý, phê duyệt cho triển khai thực hiện những nội dung như: Lựa chọn công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành giá trị dự kiến phát hành tài sản đảm bảo, lãi suất, sử dụng Cong ty Tân Hoàng Minh mua trái phiếu sơ cấp để lấy uy tín thương hiệu Tân Hoàng Minh bán trái phiếu ra cho nhà đầu tư; thành lập Trung tâm Kinh doanh trái phiếu thuộc Tân Hoàng Minh và giao cho ông Việt chỉ đạo, điều hành việc bán trái phiếu; ủy quyền cho Lê Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc và 21 cá nhân tại Tân Hoang Minh ký hợp đồng, thủ tục bán trái phiếu, huy động tiền của người mua trái phiếu.

Hàng ngày số liệu thu - chi từ việc phát hành trái phiếu đều được báo cáo cho ông Dũng qua Trung tâm Tài chính kê toán và Văn phòng Chủ tịch, Tổng Giám đốc để biết, chỉ đạo điều hành.

Ông cũng chỉ đạo các bị can, cá nhân liên quan tại Tân Hoàng Minh sử dụng số tiền thu được từ bán trái phiếu vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng với phương án phát hành trái phiêu; chiếm đoạt của 6.630 bị hại số tiền là 8.644 tỷ đồng thông qua phát hành 9 gói trái phiếu.

Ông Đỗ Hoàng Việt được xác định là người đê xuất chủ trương phát hành trái phiếu để huy động tiền cho Tân Hoàng Minh.

Ông Việt thực hiện sự chỉ đạo của ông Dũng, trực tiếp điều hành, chỉ đạo Trung tâm Tài chính - Kế toán lập “khống” hồ sơ phát hành trái phiếu, thống nhất với Công ty Kiểm toán Nam Việt và Công ty CPA Hà Nội hợp thức báo cáo tài chính của ba Công ty phát hành để đủ điều kiện phát hành trái phiếu; chỉ đạo ký hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống” cho Công ty Tân Hoàng Minh trở thành trái chủ sơ cấp để bán trái phiếu, huy động, chiếm đoạt tiền của người mua thứ cấp.

Ông Việt báo cáo kết quả bán trái phiếu và bàn bạc, thống nhất với ông Đỗ Anh Dũng về việc sử dụng toàn bộ số tiền huy động được trái mục đích, phương án phát hành, giúp sức cho ông Dũng chiếm đoạt số tiền 8.644 tỷ đồng của bị hại.

Tại phiên xét xử diễn ra ngày 22/3, sau khi nghe luật sư bào chữa cho các bị cáo, VKS đã có điều chỉnh mức án đối với các bị cao. Theo đó, ông Đỗ Anh Dũng bị đề nghị 8-9 năm tù, ông Đỗ Hoàng Việt 4 - 5 năm tù. Khung hình phạt này giảm 1 nằm tù so với thời điểm đưa ra bản luận tội vào ngày 21/3. 13 bị cáo còn lại trong vụ án cũng được đề nghị giảm từ 6 tháng tù, hoặc chuyển từ án tù giam sang án treo.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.