Trao đổi với Zing.vn, Đại tá Nguyễn Ngọc Thanh (Cục trưởng Cục Tham mưu Tác chiến, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động) nói hàng nghìn chiến sĩ cơ động tại Đà Nẵng và các chiến sĩ được trung ương điều động thêm đến thành phố này đã sẵn sàng ứng phó và xử lý các tình huống an ninh trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Lực lượng cảnh sát cơ động tham gia bảo vệ an ninh hội nghị APEC tại Đà Nẵng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Sẵn sàng xử lý tình huống như khủng bố, bắt cóc
- Thưa ông, nhiệm vụ chính của lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ) tại Tuần lễ Cấp cao APEC là gì, bên cạnh những lực lượng an ninh khác tham gia bảo vệ sự kiện này?
- Nhiệm vụ của chúng tôi là một phần trong kế hoạch an ninh tổng thể để bảo vệ hội nghị APEC. Chúng tôi ứng trực để sẵn sàng xử lý những tình huống nghiêm trọng như biểu tình lớn, khủng bố hoặc bắt cóc con tin, bảo vệ sân bay và các mục tiêu, cụ thể là nơi sự kiện diễn ra hoặc nơi đại biểu lưu trú khi đến tham dự APEC.
Đại tá Nguyễn Ngọc Thanh, Cục trưởng Cục Tham mưu Tác chiến, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động. Ảnh: PT. |
Chúng tôi đã triển khai các nhóm trực chiến ở 3 sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và sân bay tại Đà Nẵng.
Mỗi sân bay do một nhóm chiến sĩ đặc nhiệm đảm nhận. Bộ Tư lệnh CSCĐ cũng triển khai lực lượng lưu động bảo vệ, trực chiến sẵn sàng ứng phó tại các nơi tổ chức hội nghị trong khuôn khổ APEC, và những khách sạn mà đại biểu lưu lại.
Bên cạnh lực lượng cơ động tại Đà Nẵng, chúng tôi cũng điều động chiến sĩ từ những tỉnh lân cận như Huế, Bình Định, Khánh Hòa...
Nhiệm vụ chính của cảnh sát cơ động là xây dựng phương án, diễn tập phương án, ứng trực và sẵn sàng xử lý các tình huống lớn theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Nếu các tình huống này vượt quá khả năng xử lý của công an tại các địa phương xét về quy mô nhân lực và phương tiện đặc chủng, thì họ sẽ đề nghị hỗ trợ từ Bộ Công an.
Khi đó bộ sẽ chỉ đạo cảnh sát cơ động xử lý chính vụ việc.
Vũ khí và chiến sĩ được điều động thêm từ trung ương đến Đà Nẵng để tham gia bảo vệ an ninh Tuần lễ Cấp cao APEC. Ảnh: Tiến Tuấn. |
- Việc tiền trạm tại Đà Nẵng diễn ra như thế nào?
- Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2006 diễn ra ở thủ đô Hà Nội nên việc thực hiện kế hoạch an ninh cũng thuận lợi hơn, từ cơ sở hạ tầng đến phương tiện, cơ sở kỹ thuật... cũng được tập trung hơn. Với Đà Nẵng là địa phương xa thủ đô, thì những lực lượng hỗ trợ khi được cử vào đây công tác đều phải thông qua Công an TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các lực lượng đến nay vẫn diễn ra nhịp nhàng và thuận lợi. Tất cả các đơn vị đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng ra quân.
- CSCĐ tham gia diễn tập những phương án nào?
- Chúng tôi đã diễn tập tình huống bắt cóc con tin trên nhà cao tầng và trên địa bàn sông nước. Đây là 2 tình huống phải huy động lớn về lực lượng, phương tiện. Chúng tôi chỉ chọn ra những phương án điển hình vì thực tế có hàng nghìn phương án khác nhau. Chúng tôi diễn tập để cán bộ chiến sĩ làm quen với kỹ năng xử lý tình huống, kiểm tra công tác phối hợp chỉ huy điều hành của lãnh đạo, chỉ huy khác cấp.
Tất nhiên, khi tình huống xảy ra thì không giống với giả định, nhưng nếu đã có diễn tập chúng ta sẽ quen với phương án đó, cơ chế chỉ huy điều hành, phối hợp giữa các lực lượng, kỹ năng thao tác chỉ huy điều hành đã thành thục.
Cảnh sát cơ động diễn tập tình huống chống bắt cóc con tin trước theo kịch bản xây dựng cho Tuần lễ Cấp cao APEC. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Hiện nay, lực lượng CSCĐ của Bộ Công an đóng quân trên toàn quốc, đặc biệt là ở Đà Nẵng nơi diễn ra tuần lễ cấp cao, cả nhân lực và vũ khí thiết bị đã sẵn sàng. Nếu xảy ra bất kỳ tình huống nào, khi có mệnh lệnh của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh sẽ đủ sức tăng cường xử lý các tình huống.
- Bảo vệ an ninh tại sự kiện quốc tế lớn như APEC đặt ra thách thức nào với Bộ Tư lệnh?
- Chúng tôi đã tham gia bảo vệ an ninh tại rất nhiều sự kiện quốc tế lớn, nhỏ khác nhau từng diễn ra trong nước. Đây cũng là kỳ APEC thứ hai được tổ chức ở Việt Nam nên chúng tôi đã được tích lũy kinh nghiệm từ trước.
- Việc xây dựng kế hoạch an ninh bảo vệ quan khách cần phối hợp với các nước khác như thế nào?
- Theo nguyên tắc, sự kiện APEC tổ chức ở nước nào thì cơ quan an ninh tại quốc gia đó phải đảm nhiệm công tác bảo đảm an toàn, an ninh cho hội nghị và cho tất cả lãnh đạo, quan chức và đại biểu các nước đến tham dự. Một số nước lớn cử theo lực lượng an ninh để bảo vệ nguyên thủ thì đó là nguyên tắc an ninh của họ và chúng ta sẵn sàng phối hợp trong chừng mực.
Một số quốc gia đề xuất triển khai đặc vụ phối hợp với ta. Ví dụ đoàn Mỹ đề nghị đưa một số lượng lớn mật vụ, cũng như nhiều vũ khí vào Việt Nam để phối hợp trong công tác bảo vệ phái đoàn của họ.
Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ an ninh trong chức năng và nhiệm vụ. Do vậy, Việt Nam chỉ đồng ý một phần nào đó với những đề nghị của các nước chứ không thể tất cả, vì công tác bảo vệ chính thuộc về cơ quan an ninh Việt Nam.
Tương tự, khi đoàn lãnh đạo, quan chức Việt Nam đi công tác nước ngoài thì lực lượng cảnh vệ sẽ tháp tùng, nhưng công tác bảo vệ chủ yếu vẫn là do nước chủ nhà đảm nhận.
- Lần gần nhất CSCĐ phải xử lý tình huống trong các sự kiện lớn là gì?
- Các sự kiện lớn của Việt Nam trước nay, từ các cuộc họp ASEAN đến APEC hay các đại hội thể thao lớn thì CSCĐ chưa phải xử lý. Thứ nhất là do công tác chuẩn bị an ninh cho các sự kiện này rất nghiêm ngặt. Một lý do khác là đất nước Việt Nam rất bình yên. Những việc nhỏ như va quẹt giao thông hoặc gây rối trật tự công cộng từ những nhóm nhỏ thì cảnh sát trật tự và công an địa phương có thể xử lý được, nên chưa bao giờ phải huy động lực lượng cơ động của bộ.
Cảnh sát cơ động thường xuyên tập luyện, rèn luyện để sẵn sàng ứng trực, chiến đấu. Ảnh: Tiến Tuấn. |
- Một ngày của ông trong thời gian chuẩn bị APEC như thế nào?
- Tôi là thành viên của Ban Chỉ huy Tác chiến, Bộ Tư lệnh CSCĐ, một ngày của tôi bao gồm việc đi kiểm tra công tác ứng trực, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị. Tôi kiểm tra anh em ăn ở ứng trực, thậm chí có những đơn vị phải báo động xem anh em tập hợp quân số, khả năng sẵn sàng ra quân. Từ ngày 6/11, tôi phải ứng trực ở trung tâm chỉ huy của Bộ Công an.
Lực lượng CSCĐ xác định phải ăn ở tập trung như quân đội, một năm chỉ về phép một lần, vì vậy những dịp này họ cũng không gặp nhiều xáo trộn. Với những sự kiện quan trọng như APEC thì các chiến sĩ phải ứng trực 100% thời gian.
- Ông đề nghị gì với người dân để công việc của CSCĐ và các lực lượng an ninh trong thời gian APEC thuận lợi?
- CSCĐ là một phần trong phương án bảo vệ tổng thể của Tiểu ban An ninh Y tế APEC và Bộ Công an. Lực lượng chính người dân nhìn thấy thời gian gần đây trên đường là lực lượng tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, sẵn sàng xử lý các tình huống gây mất trật tự, chống đua xe.
Điều tôi muốn nhắn nhủ với người dân trong Tuần lễ Cấp cao APEC là nên chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của UBND thành phố, các lực lượng công an. Tôi hy vọng người dân hỗ trợ để lực lượng hoàn thành nhiệm vụ, như không tụ tập đông người, không gây vi phạm để phải xử lý.
Nếu xảy ra những trường hợp buộc lực lượng an ninh phải ra tay xử lý, tôi hy vọng người dân tạo điều kiện cho lực lượng. Một số người khi thấy CSCĐ xử lý tình huống cũng hiếu kỳ đứng xem, gây cản trở các chiến sĩ hoàn thành công vụ.