Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc trục ngang, Dự án thành phần 3 (Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, giai đoạn 1), tỉnh Hậu Giang tập trung các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khối lượng thực hiện.
Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đường bộ Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, dài gần 37km đi qua huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Tổng mức đầu tư trên 9.600 tỷ đồng. Đây là cao tốc trục ngang đi qua tỉnh Hậu Giang với 3 nút giao liên thông kết nối với mạng lưới hạ tầng giao thông của tỉnh gồm: nút giao với Quốc lộ 61C tại (xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A) nút giao với cao tốc Cần thơ – Cà Mau (tại xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp) và nút giao với Đường tỉnh 927 tại (thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp).
Theo chủ đầu tư, hiện nay, đơn vị thi công đang tăng cường nhân lực, thiết bị, để tập trung triển khai phần tuyến chính và phần cầu. Trên gói thầu xây lắp số 1, nhà thầu đã triển khai khoảng 30 mũi thi công để đắp cát tuyến chính và thi công cầu Đông Pháp, cầu KH9, cầu Kênh Dậy, cầu Xà No, cầu vượt Quốc lộ 61C, cầu Thới An, cầu Đường Láng, cầu Nàng Mau 2, cầu vượt Quốc lộ 61 và nút giao cao tốc. Riêng mỏ cát phục vụ thi công gói thầu xây lắp số 1 bắt đầu khai thác đầu tháng 5/2024, nhà thầu đang ưu tiên đắp cát cho các đường công vụ và đắp cát thi công tuyến chính.
Đại diện đơn vị thi công gói thầu xây lắp số 1, ông Dương Đình Tuấn, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 10, Binh đoàn 12, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho rằng, 2 vấn đề chính quyết định đến tiến độ hiện nay là giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu cát thi công cao tốc. Ngay từ khi khởi công gói thầu xây lắp số 1, UBND tỉnh Hậu Giang, Sở Giao thông Vận tải và các địa phương đã vào cuộc rất chặt chẽ. Tại gói thầu số 1, mặt bằng đã bàn giao khoảng 99%; chỉ còn một số trường hợp vướng tại vị trí các cầu, đề nghị địa phương và các đơn vị liên quan xúc tiến giải quyết trong tháng 6 để giúp nhà thầu tăng khối lượng thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2024.
Trên gói thầu xây lắp số 2 Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam đảm nhiệm, nhà thầu bố trí 12 mũi thi công, đang triển khai phần đường công vụ và các Cầu Nàng Mau, Cầu Hòa Mỹ, Cầu Lái Hiếu, Cầu Hậu Giang 3. Theo đánh giá của chủ đầu tư, sản lượng thi công gói thầu này chưa đạt yêu cầu, nhà thầu chưa hoàn chỉnh việc đắp cát các tuyến đường công vụ, một số cầu tạm vẫn chưa được lắp đặt.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang, Dự án thành phần 3 có 2 gói thầu xây lắp. Tính đến ngày 6/6, tổng giá trị thực hiện 2 gói thầu này đạt khoảng 540 tỷ đồng; trong đó, gói thầu xây lắp số 1 thực hiện đạt khoảng 460 tỷ đồng, đạt khoảng 15% giá trị hợp đồng; gói thầu số 2 đạt khoảng 80 tỷ đồng, đạt khoảng 4% giá trị hợp đồng.
* Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Thông tin về nguồn vật liệu cát phục vụ cho dự án, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang cho biết, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền cho Dự án thành phần 3 khoảng 6 triệu m3; trong đó, gói thầu xây lắp số 1 được tỉnh An Giang cấp phép khai thác mỏ cát với trữ lượng khoảng 2,6 triệu m3, công suất 3.750 m3/ngày.
Hiện nay, Dự án thành phần 3 còn thiếu khoảng 3,4 triệu m3 cát, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm kiếm nguồn vật liệu cát cho dự án. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Sở Giao thông Vận tải đề xuất các địa phương khẩn trương vận động, đối thoại, sớm giải quyết dứt điểm các trường hợp còn lại.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang, đến đầu tháng 6/2024 có 1.128/1.150 hộ dân đã bàn giao mặt bằng đất sạch cho Dự án thành phần 3 với diện tích là 256,64/260,34ha. Còn lại 22 hộ chưa bàn giao mặt bằng đất sạch, diện tích 3,7/260,34ha (tương đương 1,42% diện tích); trong đó, 11 hộ cần phải bố trí tái định cư.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh, Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là dự án trọng điểm của quốc gia, của vùng đồng bằng sông Cửu Long đi qua tỉnh Hậu Giang. Việc hoàn thành dự án sẽ mở ra không gian lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Hậu Giang nói riêng. Do vậy, cấp ủy, chính quyền, các đơn vị thi công phải xác định việc triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng là trách nhiệm chính trị.
Thời gian qua UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương có dự án đi qua đã rất trách nhiệm trong quá trình triển khai Dự án thành phần 3. Trên gói thầu xây lắp số 1, dù những tháng đầu năm thiếu vật liệu cát để thi công, nhưng trong quý 2/2024, nhà thầu đã nỗ lực triển khai, bù đắp tiến độ; qua đây cho thấy quyết tâm của nhà thầu đối với dự án. Riêng gói thầu xây lắp số 02, tiến độ thi công còn chậm. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị các nhà thầu cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của dự án, bám sát tiến độ và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực thi công. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc phát sinh, đề nghị các nhà thầu kiến nghị kịp thời về UBND tỉnh để tháo gỡ, giải quyết.
Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các trường hợp còn lại. Trong tháng 6, bố trí tái định cư cho người dân; đến đầu tháng 7, bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công dự án. Song song đó, giải quyết kịp thời các khó khăn thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư; phối hợp, làm việc với các địa phương có nguồn vật liệu cát để đề xuất ưu tiên cung cấp nguồn cát cho dự án trọng điểm của tỉnh.
Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dài hơn 188 km đi qua tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Thành phố Cần Thơ. Tổng mức đầu tư toàn dự án hơn 44.000 tỷ đồng. Đoạn qua tỉnh Hậu Giang là Dự án thành phần 3 dài gần 37 km, tổng mức đầu tư trên 9.600 tỷ đồng; tuyến đi qua huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp với diện tích đất thu hồi trên 260 ha. Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sau khi hoàn thành, cùng với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông cho tỉnh Hậu Giang, gia tăng kết nối giữa tỉnh Hậu Giang với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.