'Hiệp sĩ' say mê nghề bắt tội phạm

“Hiệp sĩ”, họ là những người làm công việc chẳng ai thuê, cũng chẳng có đồng lương nào nhưng lại đối mặt với đủ thứ nguy hiểm. Có khi phải trả giá bằng mạng sống, thế nhưng họ vẫn quyết bám “nghề” để góp một phần vào việc giữ gìn an ninh, trật tự trên mọi nẻo đường.

Những người chúng tôi muốn nói đến là nhóm hiệp sĩ đường phố do ông Trần Văn Hoàng (SN 1971, quê ở Hoài Nhơn, Bình Định, trú tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) làm Trưởng nhóm, đã hơn 20 năm săn bắt cướp trên phố và từng bị nhóm cướp đâm nhiều nhát khiến 2 người trong nhóm mất mạng, 3 người bị thương và ông may mắn thoát chết.

“Nghề” lành ít dữ nhiều

Sau nhiều lần hẹn để “xin” được một lần theo chân nhóm hiệp sĩ đi săn bắt cướp trên phố, ông Trần Văn Hoàng (Trưởng nhóm Phòng chống tội phạm đường phố quận Tân Bình) vẫn ngần ngại, không muốn cho chúng tôi tham gia bởi theo ông, người không có “nghề” mà đi sẽ rất nguy hiểm. Cuối cùng, trước nhiều lý giải thuyết phục của chúng tôi, ông cũng đồng ý.

Gặp lại ông sau biến cố cách đây nửa năm, khi nhóm hiệp sĩ do ông làm Trưởng nhóm bị một toán cướp đâm khiến 2 người chết, ông thì bị tổn thương sức khỏe đến 68%, những tưởng sau lần “thập tử nhất sinh” ấy, ông đã bỏ “nghề”, nhưng sau khi ra viện, ông Hoàng lại cùng anh em “đồng nghiệp” rong ruổi trên khắp nẻo đường ở TP HCM để “săn cướp”.

hiep si say me nghe bat toi pham
“Hiệp sĩ “Trần Văn Hoàng trao đổi với PV.

Gặp chúng tôi, ông cười bảo: “Các chú đến sớm thế, khuya thường mới có cướp, giờ đó chúng mới “đi ăn hàng”. Sau “lời chào” đầy tính hiệp sĩ, ông mời chúng tôi vào nhà. Ông bắt đầu câu chuyện: “Không phải “nghề” của tôi là bắt cướp đâu, hàng ngày tôi vẫn chạy xe ôm, phụ vợ bán hàng rong trên phố. Khi đêm xuống thì cùng mấy anh em chạy vòng vòng ở một số con hẻm hoặc đường phố kiểm tra, phát hiện cướp thì truy bắt”.

Tiếp câu chuyện, ông bảo với chúng tôi rằng, chẳng ai muốn “dính” vào hai chữ “hiệp sĩ”, chúng tôi làm chỉ vì muốn giữ bình an cho phố phường và cả người thân trong gia đình. Nói đến đây, ông không thể nào quên cái đêm định mệnh kinh hoàng cách đây hơn nửa năm trước, khi cả 2 người đồng đội của mình bị đâm chết, 3 người khác bị thương.

Ông nhớ lại, lúc đó vào khoảng 19h ngày 13/5/2018, nhóm của ông phát hiện 2 người đi xe máy Exciter 150 trên đường Út Tịch (quận Tân Bình) có biểu hiện khả nghi nên cả nhóm bám theo. Ông Hoàng dẫn đầu nhóm 5 anh em bám theo 2 người nói trên lòng vòng qua nhiều tuyến đường, đến cư xá Bắc Hải, ra Cách mạng Tháng 8 hướng về quận 3. “Khi hai đối tượng này phát hiện 1 xe SH dựng bên lề trái, người ngồi sau bước xuống xe. Ngay lập tức, anh em hiệp sĩ mật phục 2 đầu”, ông Hoàng kể lại.

Lúc này, một đối tượng dùng khoá chữ T bẻ khóa và dắt chiếc SH xuống đường thì ông Hoàng chạy xe tông thẳng vào và la “cướp, cướp, cướp”… Những thành viên khác cũng đâm xe vào để chặn nhóm cướp. Đối tượng quăng xe bỏ chạy và rút dao khiến ông Hoàng không kịp trở tay.

“Tôi là người bị đâm đầu tiên. Sau đó, đối tượng tiếp tục đâm nhiều người khác. Tôi thấy mấy anh em bị chảy máu như tôi. Sau đó, tôi được đưa đi cấp cứu và không còn biết gì nữa. Tỉnh lại, tôi mới biết mình bị đâm 1 nhát ở ngực dài khoảng 10cm, cơ hoành bị thủng, màng tim, màng phổi và gan đều bị rách, hôn mê nhiều ngày liền. Người thân trong gia đình cứ tưởng “tử thần” đã lấy mạng tôi nhưng không ngờ tôi vẫn sống”, ông cười khảng khái.

Sau khi nhóm “hiệp sĩ” của ông Hoàng bị cướp tấn công, nhiều người đã bày tỏ sự ngưỡng mộ về lòng dũng cảm, dám xả thân vì nghĩa của các “hiệp sĩ” và tiếc thương, đau đớn đối với người đã khuất. Và cũng sau biến cố ấy, những tưởng các “hiệp sĩ” sẽ bỏ “nghề” nhưng rồi nhóm hiệp sĩ vẫn tiếp tục trở lại và “lợi hại hơn xưa”, đã bắt được nhiều đối tượng trộm, cướp, giao lực lượng chức năng xử lý.

Vì sự bình yên của phố, phường

Sau cuộc trò chuyện dài, đến khoảng 22 giờ đêm, ông ra hiệu với chúng tôi đã đến giờ lên đường săn bắt cướp.

Ông Hoàng cùng với một người khác, mỗi người một xe, nhóm chúng tôi hai người cùng trên chiếc xe honda bám theo sau ông Hoàng đi dọc con đường Cách mạng Tháng 8 từ quận Tân Bình qua quận 3 rồi vòng lên quận 1, TP HCM và quay trở lại. Ông Hoàng chạy chậm rãi, đi theo con đường lớn rồi vòng vào những con hẻm vòng vo…, chúng tôi cứ thế bám theo. Đi khoảng hơn 1 tiếng không phát hiện điều gì bất thường, ông Hoàng dừng xe nói với chúng tôi: “Hôm nay yên bình, không có chuyện gì, thôi chúng ta quay về”.

Trên đường quay trở về, ông Hoàng ghé vào một quán nước rồi bảo: “Vào đây uống nước rồi theo dõi”. Ông chia sẻ kinh nghiệm, có khi đi kiểm tra liên tục lại khó phát hiện, ngồi một chỗ quan sát lại hiệu quả hơn, cứ thấy đối tượng nào khả nghi thì mình bám theo…. Rồi ông kể: “Cách đây không lâu, khi phát hiện 2 tên khả nghi thì nhóm anh em đã đuổi theo chúng. Trong quá trình truy bắt, tôi bị thương ở chân vì các đối tượng chống trả quyết liệt và manh động”.

hiep si say me nghe bat toi pham
Ông Trần Văn Hoàng trong một lần tham gia bắt cướp tại TP HCM. (Ảnh: PV).

Hỏi về việc những ngày lễ, Tết nhóm của ông có đi “săn cướp” không? Ông cười bảo: “Những ngày lễ thường hay xuất hiện cướp, bởi những ngày này, lượng người đi chơi đông kèm theo đó là tài sản, túi xách, tiền bạc… được “phơi” ra nhiều hơn, trở thành miếng mồi ngon cho các đối tượng trộm, cướp. Do vậy, anh em chúng tôi phải ứng trực để “chiến đấu” với các đối tượng này, góp phần đem lại bình yên cho người dân”.

Nhớ lại cơ duyên đưa ông đến cái danh “hiệp sĩ” đường phố vốn lành ít dữ nhiều, ông kể: “Hồi đó vào thập niên 90, trong một buổi tôi đạp xe trên phố thì thấy người dân truy hô bị cướp giật. Vốn là dân Bình Định, trong người cũng có ít món võ nghệ nên chẳng thể làm ngơ. Tôi quăng xe vào lề đường, đuổi theo tên cướp cả trăm mét mới hạ được. Lần đầu làm được việc nghĩa khiến tôi cảm thấy rất vui. Dù chiếc xe đạp bị hư hỏng, phải dắt bộ về nhà, mất mớ tiền đi sửa lại… Vậy mà vui. Rồi mình đến với cái nghiệp đi bắt trộm, cướp từ khi nào không hay”, ông Hoàng vui vẻ chia sẻ.

Ngồi uống nước được khoảng nửa tiếng, ông Hoàng nói vui với chúng tôi: “Chắc hôm nay thấy mấy chú đi, tụi nó không dám “ăn hàng”. Với lại bọn cướp này hoạt động thất thường lắm, có khi cả tháng chẳng thấy bóng vía chúng đâu nhưng có lúc một ngày xảy ra mấy vụ liền”.

Chẳng thế trước khi về, ông còn động viên cả nhóm “rà” một vòng nữa mới thôi…

Ông nói với chúng tôi khi từ biệt: “Chẳng vì cái danh hay lợi ích, thậm chí “nghề” này còn ảnh hưởng đến vợ, con, gia đình… nhưng nghĩ lại, mình không thể sống cho riêng mình, vô cảm… Nên dù có nguy hiểm hay thậm chí là phải hy sinh cả tính mạng chúng tôi vẫn “say” công việc này. Tôi mong rằng việc làm của chúng tôi sẽ được lan tỏa, nhân rộng để mọi góc phố, con đường đều được bình yên…”, ông Hoàng bày tỏ.

Ghi nhận tinh thần dũng cảm của các “hiệp sĩ” đã truy bắt đối tượng trộm cướp xe máy vào tối ngày 13/5/2018 trên địa bàn quận 3, TP HCM, ngày 15/5, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có quyết định trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho hai “hiệp sĩ” đang điều trị tại bệnh viện; trao tặng Bằng khen cho “hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng; truy tặng Bằng khen cho các “hiệp sĩ” đã tử vong.

“Hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng cũng là người được tuyên dương 2 lần trong chương trình “Gương sáng phố phường” của TP HCM vào các năm 2014 và 2018. Đây là chương trình tuyên dương những người có đóng góp tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

hiep si say me nghe bat toi pham Bộ xương thứ hai dưới ngôi mộ

Khi chuyển mộ cho bố, người đàn ông Trung Quốc bỗng thấy có một thi thể nữa ở đây.

hiep si say me nghe bat toi pham Vén màn bí ẩn vụ án vợ sát hại chồng

Dùng xà beng đánh chồng tử vong, sau đó Vui phi tang hung khí dưới suối và dựng chuyện chồng có biểu hiện tâm thần.

chọn