‘Hiệp sĩ’ trên sông Sài Gòn

​Hơn 40 năm lênh đênh trên sông nước, ông Ba Chúc đã hàng trăm lần cứu sống, vớt thi thể của người xấu số trên sông Sài Gòn. Không ít lần ông giành giật với thủy thần lúc nửa đêm để giữ sinh mạng cho người gặp nạn.
hiep si tren song sai gon
Trong nhiều năm cứu người trên sông ông Ba Chúc đã được trao huy hiệu Hiệp sĩ Giao thông.

Theo hướng dẫn của người dân địa phương sống cạnh chân cầu Bình Lợi P.13, Q.Bình Thạnh, chúng tôi men theo con đường nhỏ dưới chân cầu ra tận mép sông Sài Gòn. Phía trước, vài chiếc ghe ọp ẹp, cũ kỹ nằm sát nhau, nhà của lão ngư Ba Chúc là chiếc ghe nằm giữa rộng khoảng 7m2. Cây cầu nhỏ nối từ bờ ra ghe xiêu vẹo, phát ra tiếng kêu răng rắc khi chúng tôi lỡ bước mạnh chân. Thấy có khách, ông Ba Chúc ngừng tay đang sửa dở lốc máy để bắt đầu kể về chuyện nghề của mình.

Vào năm 1954, ông theo gia đình rời quê Vĩnh Phúc để đến vùng Xóm Mới – Gò Vấp định cư. Năm 16 tuổi, chàng thanh niên Ba Chúc quyết định bỏ cầu Bến Phân để tiến về cầu Bình Lợi lập nghiệp và đó cũng chính là biến cố lớn nhất đã thay đổi cuộc đời ông. Xoay xoay tách trà trong tay, lão ngư có khuôn mặt nhiều nếp nhăn nhớ lại: “Ngày đó, tôm cá ở cầu Bến Phân tuy nhiều nhưng người chài lưới cũng nhiều nên làm mấy cũng chỉ đủ ăn. Theo con nước tôi thử vận may ở khúc sông này (dưới chân cầu Bình Lợi) và giờ đã gắn bó với nó gần 45 năm với biết bao vui buồn”.

Ngay những ngày đầu, ông đã cảm nhận dòng nước nơi đây rất sâu với dòng chảy xiết lại biến đổi thất thường nên vô cùng nguy hiểm, dù người bơi giỏi cũng khó xoay trở. Nghĩ vậy nhưng vào một đêm, ông Ba Chúc nghe tiếng người dân tri hô “cứu cứu”, nhìn ra dòng nước chảy xiết thấy một người đàn ông đang chới với và chìm dần. Không một chút do dự, ông nổ máy, phóng ghe về phía người gặp nạn.

Gần đến nơi, người đàn ông đã chìm dần trong dòng nước, ông Ba Chúc lao thẳng từ ghe xuống nước, lặn ngụp giành giật mạng sống đó với thủy thần. “Dân sông nước rất kỵ chuyện cứu người chết đuối và trôi sông, nhưng tôi không nghĩ đến chuyện đó. Với lại, thấy người ta sắp chết làm sao có thể đứng nhìn được”, mắt nhìn xa xăm ông nhớ lại.

hiep si tren song sai gon
Chiếc ghe nhỏ của ông được treo rất nhiều bằng khen.

Sau lần cứu người đó, gần như cuộc đời buộc ông trở thành “đối thủ” của thủy thần. Dù là người cố tình tự tử, hay người vô tình rớt sông nếu ở gần đó là y như rằng ông Ba Chúc với tất cả khả năng gắng giành giật với thủy thần sinh mạng đó. Ngoài chuyện cứu người, ông còn thường xuyên vớt xác chết trôi vào bờ để chính quyền giải quyết và giúp thân nhân người chết có cơ hội an táng người nhà. Trung bình, mỗi năm lão ngư Ba Chúc cứu khoảng 6 mạng người và vớt cũng từng đó xác chết.

“Năm nay không hiểu sao người ta nhảy sông nhiều. Đầu năm đến giờ tôi vớt 7 xác rồi, hỏi người thân nhân của họ thì biết do nợ nần là nhiều. Nghĩ buồn thật”, ông trầm ngâm. Nhưng rồi ánh mắt ông sáng lên, giọng khấp khởi mừng vui: “Nhưng mà năm nay cũng cứu được nhiều người hơn. Cách đây vài tuần có anh nhảy cầu, bám được đám lục bình tôi vớt được rồi gọi gia đình đón về, ai nấy mừng vui”.

Nhìn lại đời mình ông kể, thời con cái còn nhỏ đi đâu cả nhà cũng cùng nhau trên ghe, tối ngủ phải cột chân tụi nhỏ vào chân mình lỡ đứa nào ngủ say lăn lộn lọt sông còn biết đường vớt lên. Ngày cá còn nhiều thì giá rẻ như bèo, đem ra chợ bán cũng chẳng ai mua. Đến hôm nay, con cá có giá thì đánh bắt vô cùng khó khan, cuộc sống vì thế cứ chạy ăn từng bữa. Mấy năm nay, vợ ông Chúc lại dính bệnh tiểu đường làm sức khỏe suy giảm, gánh nặng trên vai ông thêm chồng chất.

hiep si tren song sai gon
Cuộc sống còn khó khăn nhưng vợ chồng ông không nhận thù lao khi vớt người chết trôi và cứu người trên sông.

Dù cuộc sống khó khăn nhưng khi cứu người hay vớt xác ông không nhận thù lao. “Làm sao nhận được, người ta vào đường cụt mới tìm đến cái chết mà đòi thù lao thì nói làm gì”, ông Ba Chúc khẳng khái. Bà Hinh, vợ ông Ba Chúc ngồi gần đó, cũng là người cầm lái lúc ông lao vào dòng nước dữ cứu người, góp thêm vào câu chuyện: “Vợ chồng tui nghèo thiệt, nhưng cứu người là vì cái tâm nên không mong được trả ơn. Chỉ mong sau những giây phút thập tử nhất sinh họ biết quý trọng mạng sống để làm lại cuộc đời”.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.