"Nhiều người thích vẻ đẹp đỉnh cao, còn tôi chỉ muốn làm một mắt xích giữa quá khứ và hiện tại để lưu giữ cho muôn đời sau" - nhiếp ảnh gia Tam Thái thổ lộ.
Tại Hội Nhiếp ảnh TP HCM, chiều 3-11, nhiếp ảnh gia Tam Thái đã khai mạc triển lãm ảnh Sài Gòn qua miền ký ức, giới thiệu gần 300 bức ảnh tư liệu đặc biệt mà ông đã miệt mài chụp về Sài Gòn trong gần nửa thế kỷ, trong đó có nhiều tác phẩm lần đầu tiên công bố.
Cây gòn cuối cùng của Sài Gòn
Tam Thái mê nhiếp ảnh từ thời trung học nhưng tới khi đặt chân vào Sài Gòn học ĐH Y Dược năm 1973, ở lại trong khu tập thể ở Phú Thọ, cứ tới thứ bảy, chủ nhật ông lại đi lang thang chụp ảnh dạo. Hồi trước giải phóng, trong giới trẻ Sài Gòn hay có câu nói cửa miệng: "Ăn bò bía, uống nước mía, mặc áo vía, chơi Bạch Đằng", thể hiện "đẳng cấp" và…ao ước của sinh viên thời đó nên cuối tuần là ông hay ra bến Bạch Đằng hành nghề. Nhờ vậy mà giai đoạn này, ông chụp được nhiều bức ảnh quý. Hai tấm ảnh "Đôi bờ Ông Lãnh" và "Kênh Tàu Hủ" trưng bày trong triển lãm lần này được ông bấm máy năm 1973, với một Sài Gòn hoang sơ trên bến dưới thuyền, cuộc sống nơi phố cũ thềm xưa cổ kính cứ lâng lâng cảm xúc tràn về trong miền ký ức cho người xem.
"Đôi bờ Ông Lãnh" (năm 1973) và "Xe thổ mộ Sài Gòn" (ảnh dưới, chụp những năm 1980) - hai trong bộ ảnh quý về Sài Gòn của nhiếp ảnh gia Tam Thái
Mặc dù có nhiều giả thuyết khác nhau vẫn còn tranh cãi về tên gọi Sài Gòn nhưng với Tam Thái, Sài (củi rừng) và Sài Gòn cũng có thể là mảnh đất của… rừng gòn nên đi đến đâu ông cũng hay để ý tìm… cây gòn để chụp ảnh.
May quá, trên đường từ Bến Chương Dương (quận 1) qua Bến Mễ Cốc (quận 8), ông phát hiện ra một cây gòn đại lão Sài Gòn cuối cùng còn sót lại bên vệ đường ở cầu Quới Đước, vươn cao cành lá mà mừng như bắt được vàng.
Nhiếp ảnh gia Tam Thái kể: "Năm 1995, mỗi lần đi ngang qua đây thấy cây gòn kỳ vĩ quá nên tôi rất chú ý. Tôi lo sợ một ngày kia khi quá trình đô thị hóa tiến tới đây, cây gòn này nhất định sẽ không còn nữa nên liên tục… bấm máy. Lâu lâu tôi lại lấy xe máy chạy qua xem "thân phận" cây gòn như thế nào và đúng như dự đoán, nó đã biến mất vào năm 2008.
Ở những nơi tôi đã đi qua ở nước ngoài, các loại cây vào loại di sản họ ghi thông tin cụ thể và được lưu giữ, bảo tồn rất cẩn trọng. Cũng mừng là hình ảnh của một trong những cây gòn cuối cùng của Sài Gòn, tôi đã kịp giữ lại được".
Lưu giữ hình ảnh cho đời sau
Mặc dù chụp một kiểu phim khi đó, tiền chi phí tráng rửa ảnh mất một bữa ăn sáng, như ông nói, nhưng với ý thức và tình yêu mãnh liệt Sài Gòn, Tam Thái vẫn quyết định… nhịn đói để có thật nhiều ảnh tư liệu về thành phố mà ông đang sống. Bằng chiếc xe máy Vélo Solex cũ kỹ, từ sáng sớm đến tối mịt, ông rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm, ra tận vùng ngoại thành để chụp ảnh.
Nhiều tác phẩm đẹp ông ghi lại khung cảnh trước chợ Bến Thành, tượng Trần Nguyên Hãn vào những năm 1984 - 1985 khi chưa có một ngôi nhà cao tầng nào. Hay mặt tiền đường Hồ Tùng Mậu thời kỳ kinh tế mới mở cửa, nhiều khu phố ở chợ Bình Tây với lối kiến trúc chóp cao vượng khí độc đáo, đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) rợp bóng cây xanh trong buổi sáng sớm sương giăng kín lối đi năm 1982...
"Cầu Khâm Sai, hai cây cột vắp. Đã dặn rồi, chớ đắp bờ ngang. Cầu đó nằm ở đâu, có lẽ đa số người Sài Gòn hôm nay không rõ. Một nghệ sĩ ảnh tên tuổi, sống ở Sài Gòn từ nhỏ, từng đi khắp đất nước và đến trời Tây để chụp hình mà không biết cầu Mống 130 tuổi là cây cầu nào? Qua cầu ngả nón trông cầu, cầu bao nhiêu ... lún, dạ tôi sầu bấy nhiêu" - nhiếp ảnh gia Tam Thái chua chát.
Vì lẽ đó, công việc lưu giữ hình ảnh cho đời sau là vô cùng bức thiết nhưng thật buồn là mỗi khi chỉ vào bức hình của mình, ông hay nói thòng thêm: "Cái này mất rồi, còn cái này đang bị xuống cấp nặng hoặc sắp bị đập", rồi tiếc nuối thở dài.
Mắt xích nối quá khứ và hiện tại
Tha hương vào phương Nam lập nghiệp nên nền nếp gia tộc, sự hoài cổ của người miền Trung trở thành bản tính nên cứ những gì… xưa xưa là ông khoái. Chuyện đóng móng cho ngựa thì bình thường nhưng đóng móng cho bò ở Bà Điểm, xem ảnh ông chụp năm cách nay 32 năm mới biết từng có chuyện này ở… Sài Gòn.
Bức ảnh "Toàn cảnh Thủ Thiêm" được Tam Thái chụp năm 1997 từ trên cao, khi chưa có flycam như bây giờ, trở thành tư liệu hiếm ít ai có. Nhiều biệt thự cổ với màu sơn nguyên thủy, các đình chùa, chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, phố trung tâm của người Hoa… được bấm máy lúc còn nguyên trạng rất bổ ích trong công tác bảo tồn, bảo tàng các giá trị di tích.
"Trong nhiếp ảnh, nhiều người thích vẻ đẹp đỉnh cao, còn tôi chỉ muốn làm một mắt xích giữa quá khứ và hiện tại để lưu giữ những tư liệu cho muôn đời sau. Làm được công việc tâm huyết này, thế hệ trẻ sẽ thêm hiểu hơn và yêu hơn về Sài Gòn - TP HCM cổ kính, hào sảng và hiếu khách của chúng ta" - nhiếp ảnh gia Tam Thái nói.
Nguồn tư liệu quý giá Các bộ ảnh: Xe thổ mộ Sài Gòn (1980), Tuổi thơ vùng Bà Điểm (1987), Thị trấn Tàu Hủ, Bến xe lam Chợ Lớn (1989), Cầu Thảo Kiều (1983), Xích lô Sài Gòn (1990), Rạch Chông quận 4 (1995), Út Tài - xà ích thổ mộ cuối cùng Sài Gòn (1999), Bến phà Thủ Thiêm chuyến cuối cùng (31-12-2011), Nhà nghèo ven kênh Lò Gốm (2005)... của Tam Thái trở thành vô giá khi tất cả những dấu tích, nhân chứng ấy bây giờ chỉ còn là dĩ vãng. |