Hòa Phát đề xuất đầu tư dự án hơn 21.000 tỷ tại huyện Bình Sơn

Dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép Hòa Phát Dung Quất được đề xuất đầu tư mới ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, vốn đầu tư 21.215 tỷ đồng. Dự án có công đoạn tẩy gỉ làm sạch bề mặt bằng hóa chất, thuộc Danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

UBND huyện Bình Sơn mới đây nhận được công văn của Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi về việc tham gia ý kiến đối với đề xuất đầu tư Dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép Hòa Phát Dung Quất của CTCP ống thép Hòa Phát Dung Quất.

Công văn phản hồi của UBND huyện Bình Sơn cho biết, theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Bình Sơn đến năm 2020 thì vị trí dự kiến đầu tư dự án là đất nông nghiệp.

Theo quy hoạch nông thôn mới xã Bình Phước, huyện Bình Sơn thì vị trí đầu tư thuộc quy hoạch đất lúa, đất trồng cây, đất giao thông và đất ở nông thôn. UBND huyện Bình Sơn đề nghị nhà đầu tư cần bổ sung vào hồ sơ đề xuất đầu tư nội dung liên quan đến phương án tái định cư, di dời dân, giải quyết việc làm đảm bảo đời sống người dân. Ngoài ra, đối với các hộ dân lân cận, khi thực hiện dự án phải đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường.

Dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép Hòa Phát Dung Quất có công đoạn tẩy gỉ làm sạch bề mặt bằng hóa chất, thuộc Danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. UBND huyện Bình Sơn đề nghị nhà đầu tư cam kết lựa chọn và sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay để tránh gây ô nhiễm môi trường,...

Đối với nguồn nước phục vụ dự án, nhà đầu tư giải trình, đề xuất sử dụng nguồn nước từ kênh B7 thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham hoặc từ nhà máy nước Vinaconex Dung Quất.

Theo UBND huyện Bình Sơn, việc sử dụng nguồn nước từ kênh B7 thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham dễ gây thiếu hụt nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực. Do đó, huyện đề nghị nhà đầu tư chọn giải pháp tối ưu nhất về sử dụng nguồn nước cung cấp cho xây dựng nhà máy và phục vụ cho nhà máy hoạt động, đảm bảo tuân thủ quy định, bảo vệ môi trường và không làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép Hòa Phát Dung Quất có vốn đầu tư là 21.215 tỷ đồng. Theo UBND huyện Bình Sơn, nhà đầu tư có hồ sơ chứng minh khả năng huy động vốn và nguồn vốn tự có, tiến độ thực hiện là 36 tháng cho thấy năng lực tài chính đảm bảo thực hiện dự án.

Tag:
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.