Ngày 7/6, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên đã phát thông báo tìm chủ cho khu nhà ở tại xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ.
Dự án này được thực hiện trên diện tích khoảng 9,7 ha, hiện trạng chưa đền bù giải phóng mặt bằng. Tại đây sẽ xây dựng 393 căn nhà liền kề cao 4 tầng; 19 căn biệt thự cao 3 tầng; công trình hỗn hợp chung cư - thương mại dịch vụ cao 15 tầng với 298 căn hộ; ngoài ra có một công trình kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp hơn 14.000 m2...
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 1.325 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 2,5 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm; tiến độ đầu tư 48 tháng kể từ ngày chấp thuận nhà đầu tư.
Bên cạnh khu nhà ở Nghĩa Hiệp nói trên, từ giữa tháng 4 đến nay, Hưng Yên liên tục mời gọi đầu tư vào các dự án nhà ở, hầu hết có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Ngày 21/4, tỉnh mời đầu tư khu đô thị Minh Hải - Phan Đình Phùng trên địa bàn xã Minh Hải, huyện Văn Lâm và phường Phan Đình Phùng, thị xã Mỹ Hào.
Dự án này có diện tích khoảng 33,2 ha, hiện trạng chưa thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, hoàn thành dự án trong 72 tháng kể từ ngày chấp thuận nhà đầu tư dự án.
Tổng mức đầu tư của KĐT Minh Hải - Phan Đình Phùng có tổng chi phí thực hiện sơ bộ 3.229 tỷ đồng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án là 143 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của người viết, vị trí thực hiện dự án này nằm giữa quốc lộ 5 và ĐT385. Khu vực này gần KCN Phố Nối A và KCN Phố Nối B, nằm gần Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên và Bệnh viện Đa khoa Phố Nối.
Đến ngày 24/4, một dự án khác phát thông báo tìm chủ là khu nhà ở thương mại, nhà ở đô thị tại phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào và xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ.
Dự án này có sơ bộ tổng chi phí thực hiện là 2.096 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là hơn 91 tỷ đồng. Tổng diện tích khu đất thực hiện dự án là hơn 24 ha. Quy mô sử dụng đất của dự án khoảng 24,09 ha với mục đích sử dụng đất là đất ở đô thị.
Quy mô dân số tại đây khoảng 3.900 người; các hạng mục chính bao gồm nhà ở liền kề 530 căn (diện tích mỗi căn 65 - 205 m2); nhà ở biệt thự 57 căn (200 – 300 m2); xây dựng khu dịch vụ thương mại có dịch tích khoảng 2.232 m2; xây dựng khu nhà ở xã hội với diện tích khoảng 14.140 m2, tổng số căn hộ là 900 căn; xây dựng nhà văn hóa với diện tích khoảng 1.264 m2; xây dựng trường mầm non với diện tích khoảng 3.248 m2.
Cuối tháng 5 vừa qua, tỉnh tiếp tục mời đầu tư khu nhà ở thông minh Yên Mỹ tại huyện Yên Mỹ.
Dự án này được xây dựng trên diện tích hơn 7,2 ha, quy mô dân số khoảng 1.120 người. Sau khi được đưa vào hoạt động, dự án sẽ cung cấp 240 căn nhà ở liền kề (diện tích mỗi căn từ 75 m2 - 151 m2); 32 căn nhà ở biệt thự (diện tích mỗi căn từ 198 m2 - 287,4 m2). Ngoài ra còn có công trình công cộng (nhà văn hóa) và công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cây xanh, bãi đỗ xe.
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 740 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư chiếm khoảng 50 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Tiến độ hoàn thành là 4 năm kể từ ngày được chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án.
Mới đây nhất, vào 1/6 là dự án đầu tư xây dựng Công viên trung tâm và khu đô thị mới Đông Khoái Châu. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu.
Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 34 ha; quy mô dân số khoảng 4.500 người. Sau khi hoàn thành sẽ cung cấp 989 căn nhà ở thương mại liền kề và 124 căn nhà ở thương mại biệt thự. Ngoài ra còn có các công trình thương mại dịch vụ, công trình cao tầng hỗn hợp đa chức năng (bãi đỗ xe ngầm, văn phòng, thương mại dịch vụ và căn hộ chung cư thương mại), nhà văn hóa, trường học…
Tổng vốn đầu tư dự án ước tính 3.100 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 137 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động là 50 năm, tiến độ đầu tư là 6 năm kể từ ngày được chấp thuận lựa chọn là nhà đầu tư.
Trong giai đoạn đến 2030, Hưng Yên dự kiến sẽ đấu thầu hàng chục dự án bất động sản, nhiều dự án tỷ USD.
Theo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong hồ sơ dự thảo Quy hoạch tỉnh để lấy ý kiến góp ý, Hưng Yên dự kiến ưu tiên thu hút đầu tư 4 dự án lĩnh vực thương mại, dịch vụ và 59 dự án lĩnh vực nhà ở, đô thị.
Với lĩnh vực nhà ở, đô thị, ưu tiên khu đô thị hiện đại, khu đô thị sinh thái, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị dịch vụ, khu nhà ở - thương mại. Một số dự án có quy mô lớn lớn như: Khu đô thị Mik xã Hoàn Long, Đồng Than, huyện Yên Mỹ (500 ha, 36.000 tỷ đồng); dự án xây dựng khu đô thị dịch vụ và sân golf xã Phú Cường, TP Hưng Yên (316 ha, 22.810 tỷ đồng); dự án khu đô thị Văn Giang, huyện Văn Giang tại xã Mễ Sở, Liên Nghĩa, Thắng Lợi, huyện Văn Giang (466 ha, 42.021 tỷ đồng);...
Ngay sau khi phát thông báo tìm chủ, một số dự án tại Hưng Yên đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn.
Đơn cử tại Khu đô thị Minh Hải - Phan Đình Phùng, nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án là CTCP Phát triển Đô thị Mỹ Hào. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 10/2022, có trụ sở tại thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên.
Ông Lê Hoàng Đức, đại diện Đô thị Mỹ Hào hiện đang đồng thời đứng tên tại một số công ty khác như CTCP Xây dựng Long Việt; CTCP Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Hoà Phát Bắc Giang; CTCP Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Phúc...
Đô thị Mỹ Hào là công ty con của CTCP Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán: HPG). Tính đến 31/12/2022, Hoà Phát nắm giữ 99,8% tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này.
Còn tại khu nhà ở thương mại, nhà ở đô thị tại phường Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào và xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, đơn vị duy nhất đăng ký thực hiện dự án là Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Đô thị T&T.
Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 3/2023, có trụ sở tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, do ông Lâm Hồng Điệp làm người đại diện pháp luật. Đây là công ty thành viên của CTCP Tập đoàn T&T (T&T Group).
Cũng tại Hưng Yên, Công ty Đô thị T&T trước đó còn đầu tư một số dự án khác như Khu đô thị T&T Phố Nối hay Khu hỗn hợp văn phòng, thương mại và nhà ở phường Bần Yên Nhân.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài cũng có kế hoạch mở rộng quỹ đất tại Hưng Yên.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo địa phương mới đây, đại diện Tập đoàn COT (Singapore) cho biết, sau một thời gian khảo sát, Tập đoàn đã chọn Hưng Yên là địa điểm mở rộng đầu tư.
Trong giai đoạn đầu, Tập đoàn COT sẽ thuê 6,6 ha đất tại KCN Thăng Long II để đầu tư xây dựng dự án. Trong 5 - 8 năm tới, tập đoàn dự kiến mở rộng quy mô đầu tư với nhu cầu sử dụng đất khoảng 20 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 500 - 800 triệu USD.
Trước đó vào tháng 4, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn KBI (Hàn Quốc). Tại buổi làm việc, Tập đoàn KBI cho biết đã cùng 4 nhà đầu tư khác hợp tác thành lập Công ty TNHH đầu tư và phát triển khu công nghiệp VTK Hưng Yên để triển khai thực hiện khu công nghiệp sạch tại xã Hồng Tiến (Khoái Châu) và xã Xuân Trúc (Ân Thi).
Hiện nay, chủ đầu tư đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và đã tiếp nhận được 7 dự án đầu tư (tất cả đều là dự án có vốn đầu tư từ Hàn Quốc), trong đó, Tập đoàn KBI thực hiện dự án KBI logis Vina. Tập đoàn KBI mong muốn sẽ tìm kiếm thêm vị trí và cơ hội đầu tư khác tại Hưng Yên.
Nguồn cầu nhà ở có xu hướng tăng tại Hưng Yên. Lý giải điều này, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội cho rằng có ba yếu tố.
Yếu tố thứ nhất đến từ việc mức giá nhà ở tại Thủ đô vẫn ở mức cao, đặc biệt là phân khúc thấp tầng, khiến việc sở hữu nhà ở tại Hà Nội trở nên khó khăn hơn trước. Trong khi đó, mức giá bán sơ cấp trung bình của căn hộ và biệt thự liền kề tại Hưng Yên đều thấp hơn Hà Nội lần lượt là 14% và 17%, từ đó thúc đẩy nguồn cầu hướng tới thị trường này.
Thứ hai, nhu cầu giãn dân khỏi khu vực trung tâm Hà Nội đang gia tăng khi mật độ dân cư khá đông đúc. Các đối tượng khách hàng cao tuổi không có nhu cầu đi lại nhiều đang dần quan tâm tới các dự án nhà ở tại Hưng Yên.
Cuối cùng, với vị trí địa lý tiếp giáp với Hà Nội, Hưng Yên có thể trở thành cầu nối giữa các tỉnh thành khác vào Thủ đô khi cơ sở hạ tầng phát triển. Ngoài ra, Hưng Yên cũng đang thu hút đầu tư vào các đại đô thị và chung cư, do đó có thể thu hút được nguồn cầu của người dân ở miền bắc muốn tìm nhà gần Hà Nội.
Bên cạnh nguồn cầu, Hưng Yên cũng đang san sẻ gánh nặng về nguồn cung bất động sản cho Hà Nội.
Báo cáo công bố hồi tháng 3 vừa qua của Savills cho thấy, nguồn cung căn hộ của Hưng Yên đạt 18.600 căn hộ đến từ 30 dự án. Con số này tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 14% so với Bắc Ninh và cao hơn 11% so với Hà Nội.
Tương tự, nguồn cung biệt thự, nhà liền kề của Hưng Yên trong năm 2022 đã tăng 40% so với cùng kỳ, cao hơn 31% so với tốc độ tăng trưởng của Bắc Ninh và cao hơn 37% so với Hà Nội.
Nguồn cung dồi dào song giá bất động sản tại Hưng Yên lại tương đối hấp dẫn. Giá bán sơ cấp trung bình của căn hộ tại Hưng Yên đạt 41 triệu đồng/m2 và của biệt thự, liền kề là 149 triệu đồng/m2, lần lượt thấp hơn 14% và 17% so với Hà Nội.
Nói thêm về công nghiệp, sự phát triển của công nghiệp tại Hưng Yên cũng gia tăng nhu cầu nhà ở từ các chuyên gia, công nhân và các nhà đầu tư. Nhờ vậy, phân khúc nhà ở xã hội tại địa phương này cũng được hưởng lợi. Dự kiến đến 2025, toàn tỉnh sẽ có 17.000 căn nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu cho công nhân các KCN.