Hòa Phát đề xuất hai dự án bất động sản gần trăm ha ở Cần Thơ

Tập đoàn Hòa Phát mở rộng đầu tư bất động sản bằng việc đề xuất đầu tư hai dự án khu đô thị thương mại – dịch vụ ở TP Cần Thơ.
Hòa Phát đề xuất hai dự án bất động sản gần trăm ha ở Cần Thơ - Ảnh 1.

Trụ sở Tập đoàn Hòa Phát trên phố Nguyễn Du, Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Ngày 13/4 năm nay, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã có văn bản về việc đề xuất đầu tư một số dự án tại TP Cần Thơ. 

Đến ngày 6/5 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố đã có công văn chấp thuận việc Hòa Phát khảo sát, nghiên cứu, đề xuất hai dự án tại các quận Cái Răng, Ninh Kiều, cụ thể là:

* Khu đô thị thương mại – dịch vụ quy mô 88,2 ha tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, gồm khu nhà ở 58,2 ha và trung tâm hội chợ triển lãm 30 ha.

* Khu đô thị thương mại – dịch vụ quy mô 6,24 ha tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.

Thời gian khảo sát, nghiên cứu là 6 tháng kể từ ngày 6/5/2021. Mọi chi phí liên quan đến việc khảo sát, nghiên cứu đều do Tập đoàn Hòa Phát tự chi trả. Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, Hòa Phát không được làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực khảo sát.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Ninh Kiều, UBND quận Cái Răng nhiệm vụ hỗ trợ, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để Hòa Phát khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các dự án nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Mảng bất động sản còn khiêm tốn trong hoạt động của Hòa Phát

Cuối năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát cơ cấu lại mô hình tổ chức với 4 nhóm ngành thuộc 4 tổng công ty chuyên trách bao gồm: Tổng Công ty Gang thép (dùng nguyên liệu thô để luyện gang, thép), Tổng Công ty Sản phẩm thép (cho ra các sản phẩm thép hạ nguồn như tôn mạ, ống thép, container, điện lạnh, …), Tổng Công ty Nông nghiệp (chăn nuôi heo, gia cầm, sản xuất thức ăn chăn nuôi, …) và Tổng Công ty Bất động sản.

Tổng Công ty Bất động sản Hòa Phát được thành lập ngày 8/12/2020 với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản và các hoạt động phụ trợ. 

Hiện nay, Tổng công ty này có ba công ty con trực thuộc là CTCP Xây dựng & Phát triển Đô thị Hòa Phát, CTCP Bất động sản Hòa Phát Hà Nội và CTCP Bất động sản Hòa Phát Sài Gòn.

Hai lĩnh vực bất động sản chính mà Hòa Phát đầu tư là khu công nghiệp (KCN) và khu đô thị. Hiện tại, Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật 3 KCN bao gồm: KCN Phố Nối A (600 ha) và KCN Yên Mỹ II (giai đoạn 1 diện tích 97,5ha) đều ở Hưng Yên; KCN Hòa Mạc (131 ha) ở Hà Nam.

Hòa Phát cho biết KCN Hòa Mạc đã nâng tỷ lệ lấp đầy lên 75% diện tích, trong khi KCN Phố Nối A, Yên Mỹ II đạt 100% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Vì vậy, KCN Phố Nối A đang thực hiện thủ tục đầu tư mở rộng về phía Đông, KCN Yên Mỹ II cũng sẽ được mở rộng giai đoạn 2 thêm hơn 200 ha. Dự kiến, các KCN sẽ hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng phần mở rộng để có thể cho thuê đất từ năm 2021.

Hòa Phát đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển các dự án bất động sản nhà ở, tập trung vào những thị trường có tính thanh khoản cao như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Dự kiến, trong năm 2021, Hòa Phát sẽ thực hiện M&A một đến hai dự án tại các thị trường này.

Hòa Phát đề xuất hai dự án bất động sản gần trăm ha ở Cần Thơ - Ảnh 3.

Bất động sản đóng góp 6% lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát năm 2020.

Năm 2020, mảng bất động sản đóng góp 4% doanh thu và 6% lãi sau thuế hợp nhất của Hòa Phát. Tập đoàn mong muốn tiếp tục đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, nâng cao tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của các mảng ngoài thép.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.