Hoà Phát sẽ xây dựng dự án Dung Quất 2 với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng

Về dự án Dung Quất 2, Chủ tịch HĐQT Hoà Phát Trần Đình Long cho biết, kế hoạch phát triển 10 năm của Hòa Phát đã có dự án này.

Sáng 22/4, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Tại đại hội, tập đoàn này đã "chốt" thực hiện dự án sản xuất Gang thép Hoà Phát Dung Quất 2, với mức vốn dự kiến khoảng 85.000 tỷ đồng; trong đó, vốn cố định 70.000 tỷ đồng, vốn lưu động dự kiến 15.000 tỷ đồng.

Về dự án Dung Quất 2, Chủ tịch HĐQT Hoà Phát Trần Đình Long cho biết, kế hoạch phát triển 10 năm của Hòa Phát đã có dự án này. "Dự án Dung Quất 2 làm tương đối thuận lợi. Hiện mỗi tháng Hòa Phát sản xuất 200.000-250.000 tấn thép cuộn cán nóng HRC nhưng nếu có sản xuất 1 triệu tấn HRC thì hiện nay cũng bán hết và đây là nhu cầu lâu dài", ông Long nhấn mạnh.

Nhiều khả năng dự án này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024. Nguồn vốn cho dự án này đang được ban lãnh đạo chuẩn bị và sẽ không huy động thêm vốn từ cổ đông.

"70.000 tỷ đồng chưa chắc đã đủ để chúng ta làm dự án này. Sở dĩ tổng đầu tư của dự án hiện nay thấp hơn bình thường là bởi tận dụng được nhiều hạng mục từ dự án Dung Quất 1", ông Long thông tin.

Doanh thu Hòa Phát hiện đạt từ 120.000-140.000 tỷ đồng doanh thu. Sau khi hoàn thành, dự án Dung Quất 2 có thể đạt trên 200.000 tỷ đồng doanh thu. 

Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, có diện tích dự kiến 283,73 ha tại xã Bình Đông và xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Công suất dự án dự kiến là 5,6 triệu tấn/năm; trong đó, thép cuộn cán nóng (HRC) dự kiến 4,6 triệu tấn/năm (tăng so với mức dự kiến 3 triệu tấn/năm trước đây); thép thanh, thép dây chất lượng cao dự kiến 1 triệu tấn/năm.

Dự án được kỳ vọng sẽ xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng.

Chủ tịch HĐQT Hoà Phát Trần Đình Long cho biết, quý I/2020, Hòa Phát đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu và 7.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; trong đó bán công ty nội thất được 500 tỷ đồng. Quý II thậm chí còn có triển vọng kinh doanh tốt hơn. 

Theo tài liệu đại hội, năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,15% và 33,27% so với thực hiện năm 2020.

Bên cạnh đó, Hòa Phát dự kiến trích lập 5% phần vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2020 vào quỹ khen thưởng ban điều hành, tương đương 225 tỷ đồng; trích lập 0,6% lợi nhuận sau thuế thù lao hội đồng quản trị, tương đương 81 tỷ đồng.

Trong năm vừa qua, Hòa Phát ghi nhận 90.118 tỷ đồng doanh thu, tăng 41,5%; lãi sau thuế 13.545 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ nhờ mảng kinh doanh thép và nông nghiệp khởi sắc.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc vì sao Hòa Phát tham gia mảng container trong khi tập đoàn không nằm trong chuỗi giá trị vận tải biển, ông Long cho biết, hiện Trung Quốc chiếm 90% nguồn cung trên thế giới về container và 5, 6 hãng lớn trong số đó hoàn toàn không nằm trong chuỗi giá trị vận tải biển.

Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát có 3 yếu tố thuận lợi khi sản xuất container. Thứ nhất, từ 60-70% giá thành đến từ thép đặc biệt kháng thời tiết và Hòa Phát sản xuất được loại thép này, đã thử nghiệm thành công. "Nếu nhập khẩu loại thép này về làm container thì coi như thua", ông Long nêu quan điểm.

Thứ hai, hiện nay đang có quá trình chuyển dịch sản xuất rất lớn từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ "hứng" được sự chuyển dịch này. Việt Nam có ưu thế về chi phí sản xuất hơn những nước sản xuất container trên thế giới, như nhân công, cơ khí... Thứ ba, nhu cầu container cũng tăng trưởng rất mạnh trên thế giới.

Chia sẻ về kế hoạch mua mỏ quặng, ông Long cho hay, việc mua mỏ hiện rất thuận lợi cho Hòa Phát vì có thể hoàn thiện thêm hệ sinh thái trong ngành thép. Tuy nhiên, quan điểm của tập đoàn là chỉ mua mỏ khi có thể kinh doanh độc lập chứ không phải cứ sản xuất thép là phải có mỏ quặng, hoàn thiện hệ sinh thái.

Về kế hoạch mở rộng các mảng kinh doanh khác, ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết bằng các giải pháp đầu tư chiều sâu, tập đoàn đã tăng được công suất sản xuất ống thép ở các nhà máy hiện tại và trong kế hoạch 4 năm tới sẽ tiếp tục xây thêm nhà máy.

Với mảng nông nghiệp, trong vòng 5 năm tới sẽ tăng gấp 2 lần doanh thu lên 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận mỗi năm từ 1.700-1.800 tỷ đồng...

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.