Hoàn trả mặt bằng trên nhà ga ngầm Bến Thành metro số 1 cuối năm 2021

Sau khi phá dỡ đỉnh tường vây bao quanh nhà ga, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM thi công tái lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực trung tâm TP, phấn đấu hoàn trả mặt bằng trước 31/12.
Hoàn trả mặt bằng trên nhà ga ngầm Bến Thành metro số 1 cuối năm 2021 - Ảnh 1.

Thi công san lấp, tái lập hoàn trả mặt bằng nhà ga trung tâm Bến Thành. (Ảnh: TTXVN).

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) cho biết hiện tiến độ gói thầu CP1a dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đang đạt tiến độ khả quan. Dự kiến mặt bằng phía trên nhà ga ngầm Bến Thành sẽ được hoàn trả cuối năm 2021.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị, sau khi hoàn tất việc thi công đổ bêtông toàn bộ sàn đỉnh nhà ga trung tâm Bến Thành dịp 30/4, nhà thầu đã triển khai thi công san lấp, nhằm tái lập hoàn trả mặt bằng nhà ga; trong đó khoan cắt tường vây bao quanh nhà ga đã triển khai từ ngày 4/6, dự kiến kéo dài trong hai tháng.

Khi phá dỡ đỉnh tường vây hoàn thành, Ban Quan lý sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên ngành triển khai thi công tái lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực trung tâm TP, phấn đấu hoàn trả mặt bằng trước 31/12.

Gói thầu CP1a từ ga Bến Thành-ga Nhà hát TP, bao gồm nhà ga ngầm Bến Thành và đoạn hầm metro dài 515m, hiện đạt tổng tiến độ khoảng 89,75%. Nhà ga ngầm Bến Thành dài 236m, rộng 60m, sâu khoảng 32m, quy mô 4 tầng, bao gồm sảnh chờ, sảnh đã thu phí, lối lên xuống, văn phòng, phòng nghỉ của nhân viên, phòng cơ học, phòng điện, phòng quạt thông gió.

Tầng một là nơi tích hợp trung tâm thương mại ngầm với diện tích khoảng 45.000 m2, gồm khu vực cửa hàng thương mại rộng 18.100m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500m2.

Điểm nhấn tầng này là kết nối với mặt bằng đường phía trên với khoảng hở hình tròn nằm giữa trung tâm nhà ga, có chức năng đưa ánh sáng tự nhiên xuống ga ngầm. Công trình sau khi hoàn thành sẽ được lắp kính trong suốt để che mưa, nắng.

Tại tầng hai, hệ thống cầu thang đang được công nhân khẩn trương thi công. Khu vực này có sân ga - nơi tàu đón và trả khách, văn phòng kiểm soát, phòng thiết bị phòng cháy chữa cháy - bơm cấp nước, phòng thiết bị hút, thông gió.

Tầng hầm ba gồm phòng xử lý không khí, phòng cấp điện, phòng nghỉ của nhân viên... với các hạng mục đang dần hình thành. Trong khi đó, tầng hầm 4 là sân ga, nơi tàu đón và trả khách, với các công trình phụ như hệ thống điện, thông gió, hàng rào... đang trong giai đoạn thi công.

Được khởi công từ năm 2016, ga trung tâm Bến Thành quận 1 giống như một khu phố ngầm, trải dài đến ga Nhà hát TP theo trục đường Lê Lợi xuống mặt đất.

Theo thiết kế, Nhà ga Bến Thành có 6 lối lên xuống tại các khu vực Công viên 23/9, Công trường Quách Thị Trang, đường Phan Chu Trinh, lối vào tầng hầm của dự án khu tứ giác Bến Thành, giao lộ Lê Lai-Huỳnh Thúc Kháng-Hàm Nghi.

Nhà ga Bến Thành là ga ngầm chính phục vụ lượng lớn hành khách của tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên và là điểm trung chuyển kết nối các tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương, metro số 3a Bến Thành-Tân Kiên và tuyến metro số 4 Thạnh Xuân-Khu đô thị Hiệp Phước.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.