Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán: HAG), đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét, được thực hiện bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.
Thông tin trong báo cáo cho thấy trước kiểm toán, lỗ sau thuế của HAGL đã ở mức hơn 700 tỉ đồng, nhưng đơn vị kiểm toán cho rằng khoản lỗ của doanh nghiệp bầu Đức có thể lên đến hơn 1.000 tỉ đồng.
Đơn vị kiểm toán đã đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ về báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2019, do Hoàng Anh Gia Lai tự lập.
Sau kiểm toán, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức có thể phải lỗ sau thuế thêm 491 tỉ đồng. (Ảnh: VnExpress).
Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai đã ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng với tổng giá trị là 8.527 tỉ đồng, cuối năm ngoái là 7.594 tỉ. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng 2.549 tỉ đồng.
Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai đã ghi nhận một khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập số dư dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp cuối năm 2018, với tổng tiền là 335 tỉ đồng.
Việc trích lập này được thực hiện trong các năm trước, căn cứ vào quy định về quản lí thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tập đoàn cũng không ghi nhận khoản dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp tương tự cho kì kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2019 vừa qua, với số tiền 155 tỉ đồng.
Theo đơn vị kiểm toán, nếu Hoàng Anh Gia Lai thực hiện việc ước tính và ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn của Nghị định 20 cho kì kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2019, chỉ tiêu "thu nhập khác" sẽ giảm 335 tỉ đồng, chỉ tiêu "chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành" sẽ tăng 155 tỉ đồng.
"Lỗ trước thuế và lỗ sau thuế sẽ tăng lần lượt là 335 tỉ và 491 tỉ đồng. Đồng thời, chỉ tiêu lỗ lũy kế, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại ngày 30/6/2019 sẽ tăng cùng với số tiền là 491 tỉ đồng", kết luận của đơn vị kiểm toán cho biết.
Doanh thu quý II/2019 của HAGL đang thấp kỉ lục trong vài năm trở lại đây. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần chỉ đạt 923 tỉ đồng, giảm đến 1.992 tỉ đồng so với cùng kì năm ngoái.
Doanh thu giảm sâu khiến khoản lỗ trước thuế lên đến 684 tỉ đồng. Lỗ sau thuế do doanh nghiệp tự lập là 706 tỉ đồng.
Như vậy, sau kiểm toán, nếu hạch toán theo Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, khoản lỗ sau thuế của HAGL sẽ lên đến 1.197 tỉ, tăng thêm 491 tỉ so với trước đó.
Trước ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về việc đánh giá khả năng thu hồi các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn lớn, Hoàng Anh Gia Lai cho biết nguyên nhân chủ yếu là các bên liên quan đang vận hành nhiều dự án kinh doanh, như bất động sản, trồng trọt, chăn nuôi với khối tài sản đa dạng.
Đặc biệt, nhiều dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản, nên chưa tạo ra lợi nhuận và dòng tiền thặng dư, rất khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản và dòng tiền trả nợ cho tập đoàn.
Vườn cây ăn trái của bầu Đức đang kinh doanh kém hiệu quả so với kì vọng. (Ảnh: HAGL).
"Chúng tôi tin rằng khi các dự án kinh doanh của các bên liên quan này đi vào vận hành thương mại, và có lợi nhuận thì việc đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ tài chính phải thu sẽ trở nên dễ dàng hơn, và kiểm toán viên sẽ có đủ thông tin đưa ra ý kiến chấp nhận toàn bộ", đại diện Hoàng Anh Gia Lai cho biết.
Về ý kiến ngoại trừ ghi nhận một số khoản thu nhập khác từ hoàn nhập chi phí dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp đã được trích lập, liên quan đến Nghị định 20 của Chính phủ, HAGL cho biết nửa đầu năm nay không ghi nhận thêm chi phí dự phòng liên quan chi phí thuế ước tính, với số tiền là 95 tỉ đồng và áp dụng theo Nghị định 20.
"Theo đánh giá của Ban giám đốc tập đoàn, quy định Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 còn nhiều điểm bất hợp lí. Có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn và chưa đúng bản chất của nghị định là chống chuyển giá", Hoàng Anh Gia Lai cho biết thêm.
Đồng thời, doanh nghiệp của bầu Đức cũng cho hay đang kiến nghị với Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính… về việc xem xét điều chỉnh Nghị định 20.
Về việc lỗ nặng trong 2 quý đầu năm, trong khi cùng kì năm ngoái lãi đến 127 tỉ đồng, Hoàng Anh Gia Lai cho biết do chi phí lãi vay cao, phân bổ lợi thế thương mại trong kì và chi phí vận chuyển cũng tăng.
Riêng khoản lỗ khác hàng trăm tỉ đồng là do tập đoàn đánh giá lại các tài sản không hiệu quả, điều chỉnh chi phí chuyển đổi vườn cây ăn trái.
Hoàng Anh Gia Lai dồn hết cho trái cây nhưng mảng này đã sụt giảm nghiêm trọng nửa đầu năm 2019. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Tại Đại hội cổ đông hồi cuối tháng 4, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết doanh thu của vườn cây ăn trái sẽ giữ vai trò quyết định, chiếm hơn 85% cơ cấu doanh thu, dự định mang lại khoảng 4.400 tỉ đồng trong năm 2019. Trong đó, bầu Đức "đặt cược" vào vườn chuối với kì vọng doanh thu đến 3.545 tỉ đồng, đóng góp 69,2% trong cơ cấu doanh thu.
Tuy nhiên, tổng doanh thu từ trái cây 6 tháng đầu năm chỉ đóng góp 607 tỉ đồng, bằng 14% kế hoạch đề ra. Trong khi cùng kì năm ngoái, doanh thu từ cây ăn trái mang lại cho bầu Đức 1.419 tỉ đồng.
Khoản thu từ ớt cũng chỉ 39 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái lên đến 452 tỉ đồng. Và báo cáo thể hiện ớt không còn phát sinh doanh thu từ quý II.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm nay của Hoàng Anh Gia Lai cũng cho thấy các mảng kinh doanh từ chăn nuôi bò, bất động sản và dịch vụ cho thuê không còn tạo ra doanh thu. Vài năm qua, các khoản kinh doanh này không còn là chủ lực của Hoàng Anh Gia Lai, khi bầu Đức dồn toàn bộ cho mảng cây ăn trái.
Như vậy, kết quả kinh doanh này cũng cho thấy bầu Đức đã chính thức chia tay việc chăn nuôi bò và bất động sản.
Trong báo cáo thường niên được công bố đầu năm nay, Hoàng Anh Gia Lai xác định 2019 là năm bản lề quan trọng để công ty đi vào giai đoạn 2020-2025, phát triển bền vững, làm đòn bẩy thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á.