Chuyển nhượng dự án là một trong các biện pháp giúp khôi phục, khởi công xây dựng lại đối với các dự án đang gặp khó khăn, phải tạm ngưng thi công. Công trình sau khi được hoàn thiện có thể cung cấp sản phẩm ra thị trường, giải quyết được lượng lớn hàng tồn kho.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố chỉ có một dự án được xem xét đủ điều kiện chuyển nhượng. Tình hình chuyển nhượng dự án nhà ở giảm mạnh trong thời gian qua do thiếu hụt nguồn cung quỹ đất dẫn đến thiếu hụt nguồn cung dự án mới, đặc biệt là những dự án phân khúc nhà ở bình dân. Bên cạnh đó, nhiều dự án khó thực hiện chuyển nhượng do chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng hoạt động chuyển nhượng dự án nhà ở thương mại đang bị “ách tắc” do điểm b khoản 1 Điều 194 Luật Đất đai 2013 và khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định bên chuyển nhượng phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hiệp hội kiến nghị sửa đổi quy định này theo hướng áp dụng thống nhất với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội khoá XIV cho phép doanh nghiệp được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020, đồng thời tăng nguồn cung nhà ở.
Nói thêm về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, việc cho phép doanh nghiệp được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án thông thoáng không phải là nguyên nhân làm tăng giá nhà.
Theo cơ chế thị trường, “giá cả" trong đó có “giá nhà” được hình thành trên cơ sở các quy luật kinh tế khách quan là quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, đồng thời chịu tác động trực tiếp của tâm thế thị trường như tâm lý đám đông và do nhu cầu cần bán hoặc nhu cầu cần mua của các bên tại thời điểm giao dịch.