Ngày 24/10, phụ huynh Nguyễn Thị Thủy có con đang học lớp 2 tại trường tiểu học Nam Thành Công đã đăng tải lên mạng xã hội đoạn chia sẻ thể hiện sự bức xúc về việc giáo viên chủ nhiệm thiếu trách nhiệm, có những hành động làm tổn thương con mình: quát mắng con trước bạn bè trong lớp, đình chỉ học con nhưng không thông báo về gia đình mà dặn học sinh về... tự nói với bố mẹ.
Chiều ngày 26/10, các bên liên quan đã có những thông tin chia sẻ với báo chí. Bà Phan Kim Anh, hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Việc dọa dẫm đuổi học học sinh chỉ là sự hiểu lầm giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Khi giáo viên chủ nhiệm không liên lạc trực tiếp với phụ huynh hoặc thông qua sổ liên lạc điện tử, phụ huynh cũng không đến trao đổi trực tiếp với cô chủ nhiệm về vấn đề của con mình.
Lỗi sai của cô giáo Lan Anh là không trao đổi qua sổ liên lạc điện tử với phụ huynh về vấn đề của học sinh mà muốn gặp trực tiếp phụ huynh, đồng thời khi dọa nạt học sinh cũng không có sự phối hợp với phụ huynh.
Nhà trường nghiêm khắc trong việc giáo dục học sinh có nề nếp nhưng không có nghĩa là đánh phạt học sinh. Hành động của cô giáo Lan Anh là sai và nhà trường cũng đã yêu cầu cô nghỉ việc chiều ngày hôm qua để viết bản tường trình".
Bà Phan Kim Anh, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi thông tin về sự việc. Ảnh T.Huyền |
Liên hệ trực tiếp với phụ huynh Nguyễn Thị Thủy, chị cũng chia sẻ thêm những quan điểm của mình liên quan đến câu chuyện trên, đồng thời thể hiện thái độ bức xúc trước sự phản ứng khó hiểu của cư dân mạng.
“Sau sự việc trên tôi nhận được nhiều quan điểm từ cư dân mạng, chỉ trích theo kiểu tôi chiều con, tôi làm quá chuyện, làm như thế thì giáo viên không dám xử phạt học sinh. Thậm chí có những quan điểm nặng nề, quá đáng nói rằng ‘con của tôi sau này rồi sẽ… vào tù vì có bà mẹ bênh con”.
Tôi khẳng định, tôi không bênh con, không dung túng cho con nhưng mong mọi người hãy nhìn nhận lại vấn đề. Sở dĩ tại sao tôi lại phải bức xúc và đưa chuyện này lên mạng.
Thứ nhất, cô không trao đổi kịp thời với phụ huynh khi con phạm lỗi, rồi dồn tội cho học sinh. Thứ hai, cô dùng từ “hư” để đánh giá một học sinh có học lực tốt, chưa từng đánh nhau, chưa từng một lần đi học muộn, chưa từng một lần mặc sai quy định đồng phục, chưa từng một lần vô lễ với thầy cô giáo, chưa từng một lần ăn trộm ăn cắp đồ của bạn... Chỉ vì mỗi một cái lỗi “nói chuyện” trong lớp mà bị mang tiếng “hư”, bị phạt đứng cả tiết viết bài, bị bêu rếu trước toàn lớp.
Thứ ba, cách phạt đứng suốt cả tiết học để làm bài, cách phạt “doạ” đuổi học thì cũng là quá nặng nề vì trẻ con sẽ nghĩ đó là thật. Con tôi hôm qua đi học về vẫn kể bị bạn bè trên lớp trêu và phải khóc cả buổi trên lớp, các bạn còn viết giấy chuyền xuống bàn con ngồi.
Chị Thủy bị cư dân mạng chỉ trích và nói nặng lời Ảnh T.Huyền |
Thử hỏi, nếu tôi không làm như thế thì liệu có rút được bài học kinh nghiệm cho toàn bộ giáo viên khác không? Cái vấn đề ở đây là cách xử phạt với một đứa trẻ 7 tuổi, những năm đầu đời đến trường mà đã bị ám ảnh như thế thì sau lớn có phát triển được không?
Ở góc độ giáo viên, đã học qua môn tâm lý sư phạm lứa tuổi thì khi đưa ra bất kỳ hình thức kỷ luật, cũng phải hiểu tâm lý từng lứa tuổi và có phương pháp giáo dục phù hợp.
Tôi chỉ nghĩ, đưa lên mạng là để trưng cầu ý kiến, không có mục đích bêu rếu hoặc hạ uy tín cá nhân, tập thể. Sai ở đâu thì sửa ở đó, trẻ con bị tổn thương còn người lớn thì rút được bài học. Bài học không chỉ riêng cho một giáo viên mà cho cả các ông bố bà mẹ khác. Thế nên phải biết lỗi nào cần mạnh tay, lỗi nào cần nhẹ.
Với lỗi nói chuyện của học sinh, trước tiên giáo viên nên nhìn lại mình, bài giảng của mình đã hay, đã thu hút được sự chú ý của học sinh chưa. Đồng thời có phương pháp đối với những học sinh thường nói chuyện trong giờ thì phải thường xuyên gọi học sinh phát biểu bài để thu hút sự chú ý, học sinh trả lời đúng thì cần tuyên dương để con có động lực, tạo cảm hứng dần cho con để con giảm đi tính hiếu động và nói chuyện”, chị Thủy thẳng thắn.