"Thay vì nai lưng ra trả vài trăm triệu một năm cho trường quốc tế, bạn hoàn toàn có thể cho con học trường công lập với giá bằng 1/5. Số tiền còn lại dùng để đưa con đi du lịch, cho con học đàn, học vẽ, học cảm thụ âm nhạc...", quan điểm của chị Nguyễn Hương Linh (SN 1988, hiện đang là quản lý ca sĩ, producer hình ảnh) đang khiến dư luận xã hội xôn xao và nổ ra những tranh cãi nhiều chiều trên mạng xã hội.
Chị Nguyễn Hương Linh (SN 1988), hiện đang là quản lý ca sĩ, producer hình ảnh. Ảnh: Công Tuấn. |
Chúng tôi xin được đăng tải nguyên văn quan điểm mạnh mẽ và thẳng thắn của chị Linh. Theo đó, chị Linh đưa ra rất nhiều "bằng chứng" để nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của mình: Học trường công rất tuyệt vời.
Ngược lại, trường công lập quá tuyệt vời và nhiều ưu điểm.
Tôi và chồng cũ của mình có thoả thuận sau 16 tuổi sẽ đưa con đi học ở nước ngoài, nhưng từ nay đến đó 2 cháu đều sẽ học trường công lập. Chúng tôi không gặp bất cứ vấn đề kinh tế nào, nhưng rõ ràng, trường công lập có quá nhiều ưu điểm trong việc giáo dục nên một đứa trẻ.
Khi con bạn học trường công, nó sẽ tập quen với áp lực từ bé: bài vở nhiều, thi đua lắm, tập thể lại đông... Để trở thành nhân tố đầu đàn trong đám tập thể đấy, con bạn chắc chắn phải tự trui rèn cực kì chăm chỉ, thông minh, kiên nhẫn. Thực tế, những đứa trẻ trong top đầu trường công lập đều là những đứa cực kì bản lĩnh và khôn ngoan.
Khi con bạn học trường công, tốc độ hoà nhập tốt tuyệt đối. Đầu óc trẻ con có năng lực tiếp thu và thích nghi tốt gấp trăm lần người lớn, càng nhỏ lại càng tiếp thu tốt. Chính vì vậy, bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ, tôi cho rằng cần cho con học hỏi, tiếp xúc đủ thứ trên đời. Trường công là một môi trường tuyệt vời để con bạn được lăn lộn mài giũa. Đống bài tập có thể nhiều, không sao, hãy dành thời gian làm toán với con, để con học cách suy nghĩ và thói quen kiên nhẫn hàng giờ liền với toán.
Trường công cũng là một nơi tuyệt vời để con bạn học được kỷ luật và nề nếp. Con bạn sẽ được học rằng nó cần nghiêm túc chỉn chu khi lên lớp, mặc áo dài vào thứ 2 để tôn vinh quốc phục, mặc đồ thoải mái vào tiết thể dục và chỉ được mặc áo hai dây khi ở nhà. Nó học được tôn ti trật tự giữa cấp trên cấp dưới, khoảng cách giữa quan hệ thầy trò... Những điều này vô cùng quan trọng cho con bạn bước ra ngoài xã hội.
Bạn cần đặt câu hỏi: Tại sao những đứa trẻ học trường công khi tới trường tư/quốc tế thường có biểu hiện xuất sắc, ngược lại, trẻ đang học trường tư/quốc tế chuyển sang học trường công liền bị stress, bị dội? Điều đó đủ thấy trường công lập như một lò luyện kim đan vậy, đứa trẻ vững vàng từ đó đi ra thì chẳng có trường lớp nào làm khó nó được nữa.
Những vấn đề trường công đang gặp phải gồm: thiếu hoạt động kĩ năng mềm, kém trong dạy ngoại ngữ. Nhưng hỡi các bậc bố mẹ, các anh chị định giao toàn bộ 100% việc nuôi dạy con mình cho nhà trường ư? Tại sao không phân công rõ ràng như thế này: nhà trường hãy dạy con tôi kiến thức, tôi sẽ dạy con tôi kĩ năng mềm. Kĩ năng mềm là đưa con đi chơi, đi leo núi, đi tắm biển, đi trại hè... Nếu anh chị không dạy được con mình, thì đừng đẻ.
Thay vì nai lưng ra trả vài trăm triệu một năm cho trường quốc tế (chưa chắc uy tín), bạn hoàn toàn có thể cho con học trường công lập với giá bằng 1/5. Số tiền còn lại dùng để đưa con đi du lịch, cho con học đàn, học vẽ, học cảm thụ âm nhạc... Đừng sính ngoại, đừng nuông chiều, đừng lười biếng!
Liên hệ trực tiếp với chị Nguyễn Hương Linh – bà mẹ trẻ cá tính và gai góc đã không ngần ngại đưa ra những quan điểm mạnh mẽ xoay quanh vấn đề trường công – trường tư.
Ảnh: NVCC. |
Chị Linh chia sẻ, con trai lớn của chị còn một năm nữa sẽ bắt đầu vào lớp 1, và chị đã bắt đầu cân nhắc và tìm hiểu về trường học cả năm qua nhằm chuẩn bị tốt nhất cho con mình. Xung quanh chị có rất nhiều bạn bè cũng bối rối xung đột giữa trường công, trường tư vì tình yêu con cái vô hạn, bố mẹ nào cũng muốn cho con được hưởng sự giáo dục tốt nhất.
"Chính tâm lý đó khiến các trường tư với những lời quảng cáo mỹ miều về một môi trường giáo dục kiểu mới đã thu hút và chiếm được lòng tin của các phụ huynh. Tôi làm trong nghề quảng cáo đã nhiều năm, và tôi nhận ra rằng nếu học trường tư, nhất là trường mác quốc tế thì phần nhiều số tiền bạn phải chi trả là dành cho quảng cáo", chị Linh thẳng thắn cho biết.
Theo đánh giá của chị Linh, chị không phủ nhận ưu điểm của trường tư như chương trình học linh hoạt hơn, nhiều hoạt động ngoại khoá, sĩ số ít, thầy cô trẻ... Chị đồng ý rằng con cái sẽ được chăm sóc gần như ở nhà nếu học trường tư.
Nhưng để học tập và rèn luyện thì trường công là một môi trường tuyệt vời. Ngoài những ưu điểm chị nêu trong bài viết, trường công còn có ưu thế về địa lí (phân bố khắp nơi, gần nhà), ưu thế về tài chính, ưu thế về truyền thống...
"Trường công tất nhiên có những nhược điểm, nhưng cả tôi và bạn đều thừa nhận rằng không có một hệ thống giáo dục nào hoàn hảo tuyệt đối. Thỉnh thoảng bạn sẽ nghe những thông tin tiêu cực về hệ thống trường công, nhưng đó chỉ là những điểm đen trên một tấm vải trắng rộng lớn.
Trong suốt 12 năm học trường công và những năm đại học, tôi và các bạn trong lớp chưa từng phải đút lót gì cho những thầy cô dạy học, dù là môn chính hay môn phụ. Ngày lễ Tết, chúng tôi đi đến những thầy cô để chúc Tết, nếu có quà mang theo cũng chỉ là cây giò, bánh chưng.... Mẹ tôi thích làm mứt tặng thầy cô. Đến nhà thầy cô, cả lũ học trò còn được lì xì. Sau này các em của tôi cũng thế, đều rất yêu quý những thầy cô của mình.
Ảnh: NVCC. |
Tôi biết là đâu đó trong hàng chục ngàn thầy cô trường công, sẽ lẫn người này người khác. Nhưng có phải là chúng ta nên tin vào sự tốt đẹp đa số hơn là sợ hãi sự tiêu cực thiểu số đúng không? Một điều quan trọng là, bạn lấy gì chắc chắn để biết trường tư không có tiêu cực? Với số tiền học phí đó, giáo viên trường tư có thể không đòi hỏi thêm, nhưng lại có những tiêu cực kiểu khác.
Chúng ta đang bị đội ngũ PR, marketing của khối trường tư nhồi nhét quá nhiều ảo tưởng về giáo dục tư, đến nỗi coi nó thần thánh và là biểu tượng của sự "sang trọng". Có một số người đem việc con học trường tư như một sự sĩ diện về khả năng tài chính. Nhiều người đang hy vọng một ngôi trường tư có thể dạy con mình cả kiến thức, cả ứng xử, cả văn hoá, cả kĩ năng.
Ở đâu ra một ngôi trường "toàn năng" như thế? Đối với con trẻ, gia đình mới là tấm gương đạo đức và ứng xử lớn nhất, theo dọc cuộc đời đứa trẻ. Bạn muốn con mình văn minh, muốn con mình ứng xử "như Tây", hãy trở thành người như vậy trước đã. Đừng lười biếng và lí lẽ suông, sau đó phó mặc con mình cho một ngôi trường giàu ngôn từ quảng cáo", là sự chia sẻ thẳng thắn của chị Linh.
ĐH Sư phạm Thái Nguyên đón tân sinh viên bằng ngày hội dân vũ 'cực ấn tượng' Hàng nghìn sinh viên của ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã cùng nhau hòa nhịp vào những giai điệu âm nhạc sôi động trong ngày ... |