Hơn 20 năm đầu tư của Coca Cola Việt Nam và những lùm xùm

Ngoài những lùm xùm về truyền thông, quảng cáo, trong hơn 20 năm 'đại náo' thị trường đồ uống Việt Nam, tập đoàn nước giải khát hàng đầu thế giới Coca Cola còn dính nghi án tránh thuế, và đặt ra những nghi ngờ về chất lượng đối với người tiêu dùng.

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) vừa ban hành 3 văn bản yêu cầu các địa phương chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của Coca Cola. Cục nêu rõ, hiện nay, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam".

Theo Cục Văn hóa cơ sở, việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.

Hơn 20 năm đầu tư của Coca Cola Việt Nam và những lùm xùm - Ảnh 1.

Mẫu quáng cáo của Caca Cola Việt Nam.

Trả lời báo chí, bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng: "Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... Từ "lon Việt Nam "có rất nhiều vấn đề".

Hành động trên của cơ quan quản lý ngay lập tức châm ngòi cho một làn sóng chỉ trích trong công luận khi cho rằng từ “lon” hoàn toàn không có lỗi như suy luận của quý cục. Tuy nhiên, dù chê hay khen thì những ngày qua thương hiệu Coca Cola đã lan tỏa đến mọi ngóc ngách đời sống mà hãng đồ uống này không mất một xu chi phí quảng cáo. Nhiều ý kiến vì vậy cho rằng, cả cơ quan quản lí và cộng đồng mạng đã “trúng kế”.

Trên website, Tập đoàn nước giải khát lớn nhất toàn cầu Coca Cola cho biết, Coca Cola truyền thống hiện đang có mặt tại hơn 200 quốc gia trên toàn thế giới.

Coca Cola bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 1994. Kể từ khoản đầu tư ban đầu là 163 triệu USD, sau đó nâng lên 200 triệu USD, thời gian qua, Coca Cola đã không ngừng tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Đi đầu trong lĩnh vực đồ uống, nước giải khát, nhưng Coca Cola vẫn không tránh được tai tiếng trong hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam.

Nghi án tránh thuế

Trước vụ lùm xùm quảng cáo của Coca Cola nói trên, tập đoàn đồ uống hàng đầu thế giới dính nghi án tránh thuế tại Việt Nam. Với doanh thu tăng theo từng năm, hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng, nhưng Coca Cola lại nhiều năm liên tục báo lỗ và chưa đóng thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo các số liệu từng công bố, từ khi được thành lập tại Việt Nam vào tháng 2/1994, lỗ lũy kế của Coca Cola tính đến 30/9/2011 của công ty lên tới 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng. 

Về mặt kĩ thuật thì lẽ ra Coca Cola Việt Nam đã phải phá sản. Thay vì đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động, giai đoạn 2013-2015, Coca Cola dốc thêm 300 triệu USD vào Việt Nam và 4 năm sau tập đoàn này tiếp tục rót thêm 285 triệu USD nữa. 

Hiện, Coca Cola đang có 3 nhà máy tại Việt Nam.

Vì lỗ liên tục nên doanh nghiệp này không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30% mỗi năm.

Tuy nhiên, đến năm 2015 - sau 20 năm hiện diện, Coca Cola mới lần đầu báo lãi và đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hai năm 2015 và 2016, doanh thu của Coca Cola Việt Nam đều đạt gần 7.000 tỉ đồng, với lợi nhuận sau thuế khoảng 500 tỉ đồng mỗi năm. Hai năm này, mỗi năm Coca Cola Việt Nam đóng thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 120 tỉ đồng.

Có lãi năm 2015, 2016 nhưng do liên tục báo lỗ nhiều năm trước, lũy kế đến cuối năm 2016, Coca Cola vẫn lỗ gần 2.700 tỉ đồng.

Chiêu PR khắc tên lên lon Coca Cola 

Hãng nước ngọt Coca Cola từng bị lên án nhiều lần vì những chiến dịch quảng bá thương hiệu của mình, từ việc phải thu hồi hàng triệu tờ rơi và hàng nghìn áp phích vì có chứa hình ảnh khiêu dâm tại Úc, cách phiên âm tên thương hiệu khiếm nhã khi chuyển sang tiếng Trung Quốc, cho đến cuộc chiến dai dẳng giữa Coca Cola và Pepsi tại quê nhà, "trò lố" về "công thức tuyệt mật và bảo tàng lưu giữ công thức tuyệt mật" cho đến Chiến dịch "H2NO" bị người Mỹ chỉ trích nặng nề.

Đến năm 2014, hãng đồ uống này lại gây sốt với người tiêu dùng nhờ chiến dịch in tên lên lon Coca Cola. 

Theo tờ The Guardian, "lượng tiêu thụ của tầng lớp thanh niên đã tăng lên đáng kể, cụ thể 7-8%. Chiến dịch cũng thu được tổng cộng 18.300.000 cộng với nhiều ấn phẩm truyền thông, và lượng truy cập trên trang web Coke Facebook tăng 870%, với lượng Like tăng 39%.

"Tuy nhiên, nhiều chuyên gia coi chiến dịch quảng cáo rầm rộ này của Coca Cola là một ví dụ điển hình cho những chiêu trò quảng cáo mới của các công ty trong ngành thực phẩm, đang lợi dụng sự cảm tính của người tiêu dùng để tăng doanh thu nhưng lại gây ra mối nguy hại đến sức khoẻ của thế hệ trẻ.

Trước khi xảy ra vụ lùm xùm quảng cáo "Mở lon Việt Nam", chiến dịch truyền thông in tên khách hàng lên vỏ lon Coca Cola cũng từng được người tiêu dùng Việt, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ hưởng ứng nhiệt liệt.

Hơn 20 năm đầu tư của Coca Cola Việt Nam và những lùm xùm - Ảnh 2.

Tuy nhiên, hình ảnh được chia sẻ nhiều lại là những chiếc lon với dòng chữ "Coca Cola hãy đóng thuế", "Coca-Cola chuyển giá", "Coca Cola trốn thuế"… hay thậm chí là "Pepsi" – đối thủ không đội trời chung với Coca Cola".

Nghi ngờ chất lượng Coca Cola 

Nhiều sản phẩm của công ty Coca-Cola đang lưu hành tại thị trường Việt Nam xuất hiện dòng chữ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không được xuất khẩu" khiến người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng, nghi ngờ tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm bán trong nước.

Trong khi đó, nhiều sản phẩm của các thương hiệu nước giải khát khác đang cạnh tranh với Coca-Cola hay chính dòng sản phẩm nước đóng chai Dasani, nước tăng lực Aquarius của công ty này không hề xuất hiện thông tin "không được xuất khẩu".

Đặc biệt, giá bán các lon Coca trong nước được nhiều người so sánh có giá bán thấp hơn tương đối nhiều với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài.

Chẳng hạn một lon Coca với thể tích 500 ml nhập khẩu từ Nhật Bản được bán tại Việt Nam với giá 49.000 đồng. Trong khi đó, một lon Coca Cola được sản xuất trong nước với thể tích 330 ml nhưng bán với giá chỉ có 9.000 đồng.

Đại diện Coca Cola Việt Nam từng khẳng định dòng chữ "sản phẩm Coca Cola được sản xuất tại Việt Nam chỉ được dùng riêng cho thị trường Việt Nam" không thể hiện sự chênh lệch về chất lượng của các dòng sản phẩm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa hề lên tiếng đánh giá chất lượng sản phẩm có vấn đề hay không?

Trước đó, vào năm 2016, Công ty TNHH nước giải khát Coca cola Việt Nam đã bị thanh tra Bộ Y tế xử phạt trên 443 triệu đồng do nhiều lỗi vi phạm, đồng thời bị buộc thu hồi lô sản phẩm vì chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.