Thầy giáo Lô Văn Lan dạy chữ cho học trò bản Huồi Máy.
Con đường vào Huồi Máy (xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, Nghệ An) xa vời vợi. Mùa hè 1985, thầy giáo trẻ Lô Văn Lan (SN 1962) mang ba lô vào đây ươm mầm những con chữ đầu tiên trên mảnh đất “sơn cùng thủy tận” này. Trước đó, Lô Văn Lan liên tục cắm bản tại các vùng khó khăn như Đồng Văn, Nậm Nhóong... cùng sự nhiệt huyết cháy bỏng của tuổi trẻ đã tôi luyện bản lĩnh kiên cường cho thầy Lô Văn Lan thuở ban đầu bước vào nghề giáo.
Thời điểm vào bản Huồi Máy, xã Cắm Muộn, chàng trai trẻ Lô Văn Lan chưa đầy 30 tuổi. Sáng sớm, mang ba lô theo chân những người kéo gỗ để lập trường, dựng lớp. Lưng dắt con dao, bộ chài bắt cá vắt vai, quần áo cùng dụng cụ dạy học, thầy Lan phát cây mở đường vào bản. Khi ánh nắng trong ngày dần vụt tắt mới tới điểm, đứng trên sườn đồi nhìn về những ngôi nhà sàn thưa thớt của đồng bào Khơ Mú, tâm huyết muốn đổi thay nơi này lại trỗi dậy trong tiềm thức người giáo viên trẻ.
Những ngày đầu vô cùng khó khăn, theo lời già làng Vi Văn Quế thì dân bản đã ưng bụng để cho con ở nhà đi học. Nhưng tập tục di canh, di cư của người Khơ Mú còn tồn tại, con trẻ phải theo bố mẹ vào rẫy làm việc, chăm em. Thầy giáo Lan đến từng nhà, vào tận nương rẫy vận động, dẫn học trò vượt rừng về lớp học. Căn nhà tranh tềnh toàng, tạm bợ lại vang tiếng trẻ đánh vần. Sau giờ học, thầy trò xuống suối bắt cá, hái rau cải thiện bữa ăn. Mùa măng trên rừng, mùa lúa dưới ruộng cũng qua đi theo năm tháng, những người học trò đầu tiên của thầy giờ đã trưởng thành, con cháu đề huề.
Mỗi dịp cuối tuần, thầy giáo Lan lại vượt 20km đường rừng ra điểm trường chính để lấy nhu yếu phẩm gạo, muối, mì tôm, nhiều lúc là gói bánh, kẹo cho học trò. Mới tới con suối đầu bản, đám trẻ nhem nhuốc đã chạy ra đón. Chúng ùa vào lòng thầy như những đứa con đón cha mẹ đi rẫy về.
Đứa lớn mang đồ, đứa nhỏ vắt vẻo sau lưng, đám con của thầy vui sướng đọc lại bài hôm trước để thầy kiểm tra. Năm học 2009 - 2010, thấy có giáo viên khác về, người dân Huồi Máy là tập trung kéo nhau lên xã hỏi cho rõ ngọn ngành. Mặc dù được cán bộ giải thích, nhưng mọi người đều nhất quyết giữ ông giáo Lan ở lại. Ông Ốc Văn Kiền, bản Huồi Máy nói: “Cả nhà ta đều học chữ từ thầy Lan, 3 đứa con ta, giờ là cháu ta cũng học chữ thầy. Giờ ta biết làm ăn cho no đủ, biết sản xuất thế nào cho nhiều gạo là cũng nhờ thầy”.
Nhiều lần cán bộ xã Cắm Muộn vào triển khai chính sách cho người dân gặp khó khăn, đành nhờ đến thầy giáo Lan giúp đỡ. “Khi cán bộ đến thống kê số liệu, hỏi ngày tháng năm sinh của các cháu, dân bản đều lắc đầu, nhưng cứ tìm đến thầy giáo Lan là có hết. Ông ghi để có cái mà làm giấy khai sinh cho các cháu đi học. Người dân trong bản cái gì không biết, không tường, họ đều tìm đến để hỏi. Cũng vì thế mà dân bản nghe thầy Lan không còn sinh con thứ 3, không nhốt trâu, bò dưới sàn nhà, đêm ngủ phải có màn, uống nước đun sôi. Dân ở đây kính trọng thầy Lan lắm”, già làng Vi Văn Quế nói. Cái đói, cái rét vẫn còn hiện hữu, người dân Huồi Máy thiếu thốn đủ bề nhưng giờ đây họ không còn thiếu chữ, đó chính là hành trang cho bản làng đổi thay.