Hơn 40 năm làm 'nghiệp' vớt xác

Nghe tiếng kêu cứu của người dân đứng trên cầu Bính rằng có người tự tử, ông liền vứt bỏ lưới bắt cá, chèo thuyền vội về phía cầu và lao xuống sông. Nhưng khi đưa được thiếu nữ tội nghiệp lên thì cũng là lúc cô gái ấy trút hơi thở cuối cùng...

Đó là kỷ niệm buồn trong cuộc đời gần 40 năm làm “nghề vớt xác”, cứu người trên sông của ông Lê Văn Giang (55 tuổi, trú tại làng chài Lạc Long, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng).

hon 40 nam lam nghiep vot xac
Ông Lê Văn Giang gắn bó với nghề vớt xác gần 40 năm qua (Ảnh: Lã Tiến)

Vớt xác từ năm 16 tuổi

Xóm chài Lạc Long nằm giữa trung tâm thành phố Cảng Hải Phòng, ngay cửa sông Tam Bạc thơ mộng.

Đến đây, hỏi thăm nhà ông Lê Văn Giang làm nghề trục vớt tàu thuyền, vớt xác, chúng tôi đều nhận được những cái nhìn ái ngại, lo lắng của người dân xung quanh, bởi từ lâu, bất cứ ai đến đây hỏi người đàn ông này tức là người thân của họ đang gặp chuyện không may.

Gặp ông Giang chiếc thuyền bê tông được gia cố, sửa chữa nhiều lần - cũng là căn nhà nhỏ của ông, ông hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đưa đẩy ông đến với nghiệp vớt xác cứu người trên các con sông, mà gần 40 năm qua ông đã theo vì ân nghĩa ở đời.

hon 40 nam lam nghiep vot xac
Chiếc thuyền nhỏ là nơi trú ngụ của gia đình ông Giang (Ảnh: Lã Tiến)

Ông Giang sinh ra cùng dòng sông, lớn lên cùng sóng nước. Bởi vậy, ngay từ nhỏ, đã tận mắt chứng kiến biết bao nhiêu cảnh chia ly sinh tử vì "Hà Bá". Nhất là tại khu vực cầu Bính (khu vực này được coi là "điểm đen tự tử" tại địa phương").

Ông Giang vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên ông tham gia cùng người lớn tuổi trong xóm chài đi vớt xác, lúc đó ông mới 16 tuổi.

“Sáng hôm đó, thấy có người gọi nhờ mấy chú đi vớt người tự tử ở khu vực huyện Thủy Nguyên.

Vì trời mưa phùn, không đi đánh cá được, tôi cũng đi theo xem thế nào. Sang đến nơi, được người thân của nạn nhân chỉ khu vực người này tự tử, cả nhóm 5 người nhảy xuống ngụp lặn mò tìm.

Đến gần 4h chiều hôm đó, mọi người tìm kiếm cả một khúc sông dài mà không thấy xác thanh niên đâu. Ngồi trên bờ buồn chân, buồn tay, tôi cũng xuống giúp mọi người một tay.

Ai ngờ sau khi lặn được một vài hơi, tôi giật mình, sởn gai ốc khi tay vơ phải cái áo của thanh niên đó. Tôi hét toáng lên, mọi người liền chạy đến giúp sức, đưa xác người xấu số đó lên.

Về nhà tôi không ăn cơm, mất ngủ mấy đêm liền vì bị ám ảnh. Nhưng sau đó, bố mẹ động viên và nghĩ những lời cảm ơn chân tình của người nhà nạn nhân, tôi lại có thêm động lực để theo chân người lớn trong xóm chài theo cái nghiệp này”, ông Giang chia sẻ.

hon 40 nam lam nghiep vot xac
"Căn nhà" thuyền nhỏ gắn bó cùng ông Giang trong nhiều năm liền hành nghề "vớt xác" (Ảnh: Lã Tiến)

Kể từ hôm đó, hễ có người chết đuối, người ta lại tìm đến xóm chài Lạc Long, tìm ông để thông báo và ông lại cùng mấy người trong xóm làm việc ghê rợn nhưng đầy ân nghĩa ấy.

Trường hợp gần đây nhất vào khoảng tháng 3/2018, trong lúc đang sửa soạn đồ nghề để cùng vợ đi đánh bắt cá, có người tìm đến nhà ông nhờ tìm kiếm nạn nhân say rượu bị ngã xuống sông.

Thấy vậy, ông mặc vội bộ quần áo cũ đi cùng tới cống Tảo Quan (bên huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Khu vực này sâu hơn 4 m, sau khi nhảy xuống, lặn ngụp trong tiết trời se lạnh sau Tết và tìm kiếm khoảng 30 phút, ông cũng tìm thấy người đàn ông xấu số đã mãi mãi ra đi dưới dòng nước lạnh.

Không chỉ "làm việc với người chết", ông Giang còn "cướp cơm của Hà Bá" biết bao lần.

Nhớ lại cách đây không lâu, vợ chồng ông đang thả lưới khu vực gần cầu Bính thì thấy bên trên người xúm đen, xúm đỏ. Biết có người nhảy cầu tự tử, ông Giang giục vợ tăng hết tốc lực cho thuyền chạy về chân cầu.

Phát hiện một người phụ đang lóp ngóp trên mặt nước, ông Giang tiến lại gần kéo lên thuyền đưa vào đơn vị Hải quân gần đó kịp thời cứu sống.

Không vì tiền, giúp người mới là vui

Gần 40 năm qua, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, ông Giang làm công việc đó một cách vô tư, không tính toán, không mong được đáp đền. Chưa lần nào ông để ý đến tiền công xá, ai cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu.

hon 40 nam lam nghiep vot xac
Vớt xác, cứu người vì lương tâm, còn nghề đánh bắt cá mới là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Giang. (Ảnh: Lã Tiến)

Vân vo những sợi thuốc lào, hít một hơi thật dài như để có thời gian ngẫm lại việc mình làm, ông trầm ngâm kể:

“Cách đây vài năm, có người cho tôi 30 triệu để trả ơn vì cứu được con gái của họ. Tôi trả lại và nói rằng, nếu bán mạng của con gái anh với giá 30 triệu tôi không bán. Anh ta rút tiền lại và không dám nói gì đến tiền nong nữa”.

“Tôi và mấy người ở đây làm việc này chỉ xuất phát từ cái tâm mà thôi. Có ai giàu được nhờ cái nghề này đâu. Thế mà nhiều người ác khẩu vẫn dè bỉu chúng tôi là kiếm tiền trên xác chết.

Phải nghe những điều ấy, bản thân tôi cũng tự ái lắm, nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề nhưng rồi chẳng hiểu sao cứ có người đến cầu cứu là lại không nghĩ gì nữa, xách đồ nghề lên đường ngay”, ông Giang nói.

hon 40 nam lam nghiep vot xac
Ông Giang gắn bó với dòng sông Tam Bạc hơn nửa thập kỷ. (Ảnh: Lã Tiến)

Khi chúng tôi hỏi một câu máy móc rằng tính ra đến nay, ông đã từng cứu được bao nhiêu người, vớt được bao nhiêu thi thể thì ông Giang chỉ trả lời vỏn vẹn: “Chúng tôi không đếm, mà đếm để làm gì?”.

Câu hỏi lại của ông khiến chúng tôi ngại ngần, bởi với ông chuyện hộ phúc có cân đong đo đếm bao giờ.

“Tôi không nhớ đã vớt xác của bao nhiêu người, nhưng tôi chưa bao giờ gọi đó là “nghề”.

Đó là nghiệp thì đúng hơn. Nghề nghĩa là làm việc để kiếm sống, để làm giàu, nhưng tôi làm việc đó chỉ là do lương tâm mách bảo”, ông Giang nói, giọng cương nghị.

Mặc cho nghi kỵ của người đời, ông Giang cũng như nhiều người dân xóm chài Lạc Long vẫn âm thầm làm công việc vớt xác như thể là đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của những con người đó khi sống với sống nước khu vực này,

"Có lần đi thuyền trên sông vô tình nhìn thấy xác chết, tôi lại hoay hoay tìm cách đưa thi thể người ta lên bờ. Dù là người sống hay đã chết thì vẫn cứ là con người. Nhìn thấy vậy sao mà ngoảnh mặt đi cho được" - ông Giang nhớ lại.

Gần 40 năm làm nghề này nhưng ông Giang vẫn chưa từng nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi việc nghĩa. Bây giờ ở nơi đâu có người nhà nạn nhân đuối nước tìm đến, ông lại lên đường không kể nắng mưa.

Theo ông, sống ở đời phải làm việc gì có ích cho xã hội, càng giúp được nhiều người, ông càng cảm thấy vui.

hon 40 nam lam nghiep vot xac Xóm chài nghèo mang nghiệp 'cướp cơm' Hà Bá

Xóm chài nhỏ bé Lạc Long (thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) nằm khiêm nhường bên cửa sông Tam Bạc có ...

hon 40 nam lam nghiep vot xac Đắk Lắk: Khắc tinh của hà bá trên dòng Sêrêpốk

Hơn 30 năm sinh sống trên dòng sông Sêrêpốk, ông Hiệu được mọi người biết đến với biệt danh “khắc tinh của hà bá”. Chẳng ...

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.