Hôn nhân sợ nhất chữ gì? |
Hôn nhân sợ nhất chữ “phải”
“Anh phải về nhà trước 6h tối”, “Em phải biết cách chăm con chứ!”, “Anh phải có trách nhiệm với gia đình”, “Em phải biết cách làm vừa lòng mẹ anh...”. Mỗi ngày, chúng ta vô thức phát ra không biết bao nhiêu từ “phải” trong gia đình, những mệnh lệnh tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại là “liều thuốc độc” trong hôn nhân. Nếu yêu và thương đủ lớn, đối phương sẽ tự nguyện làm tất cả những việc mà đương nhiên họ nên làm: Chăm sóc gia đình, con cái, đối nội đối ngoại, cư xử đúng mực và lo lắng cho tương lai của gia đình nhỏ, gia đình lớn... Nhưng nếu yêu thương chưa đủ nặng, thì chữ “phải” bỗng dưng như một chiếc “gông cùm” bắt buộc đối phương phải coi nghĩa vụ và trách nhiệm lên hàng đầu. “Anh phải thế này, em phải thế kia...”, mâu thuẫn gia đình luôn bắt nguồn từ chữ “phải”. Vì sao? Vì đối phương đã cư xử “không phải” với gia đình? Không! Căn nguyên của chữ “phải” bắt nguồn từ tình yêu chưa đủ lớn hoặc chúng ta thực sự chưa biết cách để yêu một người.
Hôn nhân sợ nhất chữ “tin”
Nền tảng của hôn nhân ngoài tình yêu ra chính là sự tin tưởng. Nhưng chúng ta đã bao giờ nghe câu nói hài hước mà thấm thía của các cụ thời chiến: “Tin thì tin nhưng phần nghìn cảnh giác” chưa? Lòng tin được xác lập khi bạn và đối phương đi qua nhiều năm tháng của tuổi trẻ, đi qua khó khăn, đi qua cả gian dối để tìm lại chữ “tin” cuối cùng. Nhưng tin yêu không có nghĩa là mù quáng, bịt mắt che tai để giữ lấy một thứ hạnh phúc không có nền móng, đã có quá nhiều những câu chuyện nhãn tiền về niềm tin bị phản bội trong hôn nhân. Chồng ngoại tình, vợ ngoại tình, cả hai cùng ngoại tình, cả hai cùng lừa dối chữ tin mà khi khởi đầu hôn nhân họ trao nhau. Bởi thế, chữ “tin” là cần thiết nhưng cũng đáng sợ vô cùng!
Hôn nhân là câu chuyện học cách yêu lại từ đầu của hai người trưởng thành... |
Hôn nhân sợ nhất chữ “nhạt”
“Tôi thấy vợ tôi dạo này nhạt nhẽo quá ông ạ, từ lúc lấy vợ về chả còn gì để khám phá nữa”, “Tớ thấy chồng tớ với tớ như hai thằng bạn ý, ông ý chả còn giữ ý tứ gì như hồi mới yêu nữa, không ngờ hôn nhân lại nhạt nhẽo, phô phang, thô thiển đến thế”. Chúng ta nhiều khi vẫn lầm tưởng sự thân quen là “cảnh giới” của tình yêu. Sau khi cưới, chúng ta tự cho phép mình được cởi trần mặc quần đùi ở nhà, ngoáy mũi, xì hơi, đi vệ sinh, tắm táp không thèm đóng cửa, chúng ta tự cho phép mình đầu bù tóc rối, mặc cả quần áo ngủ ra đường, cả năm không thèm ra tiệm làm tóc, ra đường không thèm thoa một chút son... Trước hôn nhân, cuộc sống của chúng ta màu hường, bước vào hôn nhân, chúng ta tô nó nguệch ngoạc và vẽ thêm nhiều màu xám xịt, rồi tự thân chúng ta chẳng nhìn lại bức tranh mình vẽ, bắt đầu kêu than “hôn nhân thật nhạt nhẽo, ngày đi làm, tối về xem ti vi, cơm ba bữa quần áo mặc cả ngày...”. Thử hỏi, ai đã đưa “chữ” nhạt vào hôn nhân?
Hôn nhân còn sợ chữ gì nữa?
Hôn nhân hiện đại trở nên mong manh đến nỗi chỉ cần một vài chữ “phải”, chữ “tin”, chữ “nhạt”... là gia đình đã đứng nguy cơ tan vỡ. Hôn nhân còn sợ chữ gì nữa? Hôn nhân sẽ chẳng sợ chữ gì nếu như chúng ta yêu nhau như cách của những người trưởng thành và thương nhau như thể ta đang thương chính bản thân mình. Hôn nhân chỉ cần thế thôi...