Theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp; phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân.
Để lấy ý kiến đóng góp nhằm xây dựng cơ chế chính sách, Bộ Xây dựng đã gợi ý một số giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp như: Dự án nhà chung cư cao tầng; căn hộ có có diện tích không quá 70 m2; có giá bán căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2; chủ đầu tư dự án được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án (trường hợp chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất, thì được hoàn trả 50% tiền sử dụng đất); được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày được giao thuê đất; được vay lãi suất ưu đãi, với mức lãi suất có thể ở mức 7-8%/năm.
Trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng và UBND TP HCM đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp, HoREA đã đưa ra 5 vướng mắc cần được tháo gỡ liên quan tới các giải pháp khuyến khích của Bộ Xây dựng.
Cụ thể, khoản (1.a) Điều 110 Luật Đất đai qui định miễn, giảm tiền sử dụng đất trong một số trường hợp, nhưng lại "trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại". HoREA nêu, trên thực tế, phân khúc dự án nhà ở thương mại có rất nhiều cấp độ như nhà ở thương mại cao cấp, hạng sang, siêu sang; nhà ở thương mại trung-cao cấp; nhà ở thương mại trung cấp; nhà ở thương mại giá thấp. Và Hiệp hội cho rằng lẽ ra nhà ở thương mại giá thấp cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển.
Thứ hai, Điều 16 Luật Đầu tư cũng chưa có cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án nhà ở thương mại giá thấp và kể cả dự án nhà ở xã hội.
Thứ ba, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa có chính sách miễn thuế đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp (kể cả chưa có ưu đãi thuế đối với dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê).
Thứ tư, trong các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, bao gồm chương trình cho vay 5 nhóm, lĩnh vực ưu tiên, chưa có chương trình tín dụng cho nhà ở thương mại giá thấp.
Thứ năm, trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 2 đô thị đặc biệt và 22 đô thị loại 1, nên cần có cơ chế chính sách đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thực tiễn của các nhóm đô thị.
Ngoài ra, để làm được nhà giá thấp, Hiệp hội nêu thêm một số ý kiến bổ sung.
Về giá bán căn hộ (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), thống nhất về mức giá trần không vượt quá 20 triệu đồng/m2. Riêng, đối với các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1, có thể mức giá trần trên 20 triệu đồng/m2, nhưng không vượt quá 25 triệu đồng/m2.
Về tiền sử dụng đất, mặc dù tại Khoản (1.a) Điều 110 Luật Đất đai qui định không miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với "dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại", nhưng HOREA chỉ ra tại Khoản 2 Điều 110 Luật Đất đai, có qui định "Chính phủ qui định chi tiết Điều này".
Hiệp hội nhận thấy đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp, có thể coi là trường hợp đặc biệt và khác với các dự án nhà ở thương mại thông thường khác, được đầu tư kinh doanh thuần túy vì mục tiêu lợi nhuận.
Do vậy, Hiệp hội thống nhất với đề xuất của Bộ Xây dựng về việc Chính phủ có thể qui định giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án (trường hợp chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất, thì được hoàn trả 50% tiền sử dụng đất); được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày được giao thuê đất.
Về ưu đãi thuế, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách ưu đãi thuế.
Cụ thể, với dự án nhà ở thương mại giá thấp được giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê (100% căn hộ dùng để cho thuê) được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.