Sản lượng cà phê toàn cầu trong năm 2019 - 2020 ước tính đạt 168,01 triệu bao, giảm 2,9% so với năm 2018 - 2019.
Sản lượng cà phê arabica dự kiến giảm 5,4% xuống 95,37 triệu bao do sản lượng của 7 trong số 10 nhà sản xuất arabica lớn nhất thấp hơn trong khi sản lượng cà phê robusta ước tính tăng 0,5% lên 72,63 triệu bao.
Dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng 0,3% lên 168,49 triệu bao, thấp hơn tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 2,2% trong hai thập kỉ qua. Tăng trưởng mạnh mẽ vào đầu mùa dự kiến sẽ bị cản trở bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu.
Trong tháng 6, xuất khẩu cà phê thế giới giảm 5,3% xuống 10,57 triệu bao so với cùng kì năm 2019, một phần do sản lượng thấp hơn. Trong đó xuất khẩu cà phê arabica giảm 10% xuống 6,42 triệu bao nhưng xuất khẩu cà phê robusta tăng 3% lên 4,15 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 9 tháng đầu năm 2019 - 2020 giảm 5,1% xuống 95,36 triệu bao. Các lô hàng cà phê arabica tại Colombia, Brazil và các quốc gia khác giảm lần lượt 7,2%, 7,8% và 8.2% xuống còn 10,53 triệu bao, 28,84 triệu bao và 19,11 triệu bao trong 9 tháng đầu năm.
Trong khi đó xuất khẩu cà phê robusta đạt 36,88 triệu bao, thấp hơn 0,4% so với 9 tháng đầu năm năm 2018 - 2019.
Trong 9 tháng đầu năm cà phê 2019 - 2020, xuất khẩu cà phê xanh chiếm 90,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt tới 86,2 triệu bao. Sự gia này này chỉ thấp hơn một chút so với mức kỉ lục trong 3 thập kỉ trước khi xuất khẩu cà phê xanh chiếm khoảng 95% tổng kim ngạch xuất khẩu, cho thấy phần lớn giá trị gia tăng vẫn còn ở các nước nhập khẩu.
Xuất khẩu cà phê hòa tan chiếm 9,1% trong tổng số, tăng 1 điểm phần trăm so với năm trước trong khi các lô hàng cà phê rang chỉ chiếm 0,5%. Tổng xuất khẩu cà phê hòa tan đạt 8,64 triệu bao và xuất khẩu cà phê rang đạt 509.000 bao trong 9 tháng đầu năm 2019 - 2020.
Xuất khẩu cà phê xanh của Brazil trong 9 tháng đầu năm đạt 26,48 triệu bao, thấp hơn 9,5% so với cùng kì năm ngoái và chiếm khoảng 30,7% tổng xuất khẩu cà phê xanh toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê xanh lớn thứ hai thế giới trong 9 tháng đầu năm với 20,22 triệu bao, chiếm 23,5% tổng số.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê xanh từ Colombia giảm 7,4% xuống 8,72 triệu bao và từ Honduras giảm 14,1% xuống 4,81 triệu bao. Tuy nhiên, xuất khẩu xanh từ cả Uganda và Indonesia đều tăng, tăng lần lượt 20,6% lên 3,79 triệu bao và 30,2% lên 3,37 triệu bao.
Các thị trường nhập khẩu cà phê xanh chính là Mỹ, Đức, Italia, Bỉ và Nhật Bản.
Mexico, Colombia, Việt Nam, Indonesia và Brazil đại diện cho 5 quốc gia xuất khẩu cà phê rang xay lớn nhất thế giới, chiếm 93,1% tổng xuất khẩu cà phê rang toàn cầu trong 9 tháng đầu năm. Trong đó Mexico và Colombia đã xuất khẩu 161.000 bao và 152.000 bao.
Xuất khẩu cà phê rang từ Việt Nam giảm 52,3% xuống còn 119.000 bao và từ Brazil giảm 25,4% xuống còn 14.200 bao. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê rang của Indonesia tăng gấp 3 lần lên 28.600 bao.
Mỹ là thị trường chính của cà phê rang xuất khẩu, chiếm khoảng 45,7% tổng số trong 9 tháng đầu năm.
Đối với cà phê hoà tan, Brazil là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới trong 9 tháng đầu năm với các lô hàng đạt 2,94 triệu bao, thấp hơn 1,8% so với cùng kì. Ấn Độ đã xuất khẩu 1,36 triệu bao, giảm 5,3% so với cùng kì.
Xuất khẩu cà phê hòa tan từ Indonesia tăng 47,3% lên 1,23 triệu bao và từ Việt Nam tăng 11% lên 1,09 triệu bao. Xuất khẩu của Mexico và Colombia tăng lần lượt 11,8% lên 670,00 bao và 2,4% lên 630.000 bao.
6 quốc gia này chiếm 91,7% tổng xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu trong 9 tháng đầu năm cà phê trong khi Mỹ, Philippines, Liên bang Nga, Ba Lan và Malaysia là những thị trường nhập khẩu chính.