Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận đối với ngành da giày, Hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU.
Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào 2025; và tổng xuất khẩu giày da ước tăng khoảng 34%; sản lượng của toàn ngành tăng 31,8%.
Theo Hiệp định EVFTA, nhóm sản phẩm giày dép được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là những sản phẩm mà Việt Nam ít gia công hoặc xuất khẩu vào EU. Do vậy, Việt Nam dự kiến sẽ ít được hưởng lợi từ nhóm cam kết này ngay từ khi EVFTA có hiệu lực.
Nhóm sản phẩm EU cam kết loại bỏ thuế theo lộ trình từ 3 - 7 năm gồm phần lớn sản phẩm giày dép mà Việt Nam đang xuất khẩu sang EU.
Hiện nhóm này đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình 3 - 4% theo Qui chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), sau khi EVFTA hiệu lực, các mức thuế nhập khẩu đối với giày dép sẽ giảm dần đều xuống 0% tính từ mức MFN (khoảng 12,4%) trong lộ trình 3 -7 năm.
Như vậy, trong những năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn sản phẩm giày dép sẽ không được hưởng lợi ngay. Tuy nhiên về lâu dài, ngành giày dép sẽ được hưởng lợi.
Điều này nhờ vào các ưu đãi thuế quan theo EVFTA là ổn định (trong khi GSP thì biến động tùy vào quyết định mỗi năm của EU), không phụ thuộc vào tỉ trọng trong tổng nhập khẩu vào EU, và giảm dần xuống 0%; Phần lớn nước xuất khẩu giày dép vào EU hiện nay đều chưa có FTA với EU.
Việt Nam ít nhập khẩu các sản phẩm giày dép từ EU (trừ một số dòng sản phẩm cao cấp), vì vậy cơ bản các cam kết loại bỏ thuế đối với sản phẩm này sẽ ít có tác động tới cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, EVFTA sẽ giúp Việt Nam nhập khẩu công nghệ giày dép tốt từ Đức, Italy. Đồng thời, nhập khẩu được nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất sản phẩm giày dép ở phân khúc trung và cao cấp.