Cuối tháng 4/2019, toà tháp Landmark 81 nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP HCM chính thức đưa vào vận hành toàn bộ hạng mục, trong đó có khách sạn 5 sao cùng đài quan sát ở độ cao gần 400 m. Landmark 81 hoàn thiện chính thức giữ ngôi công trình cao nhất Việt Nam đến hiện tại, với 81 tầng, cao 461,2 m.
Tuy nhiên, danh hiệu "cao nhất Việt Nam" của Landmark 81 đang bị "đe dọa" bởi một dự án khác nằm bên kia sông Sài Gòn. Sau nhiều năm triển khai thủ tục đầu tư, dự án này đang khởi động tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.
Đứng tại Đài quan sát cao gần 400 m so với mặt đất của Landmark 81, thấy rõ Khu đô thị mới Thủ Thiêm bên kia sông Sài Gòn. Bên cạnh Khu đô thị Sala và một số toà nhà đang dần hình thành, Thủ Thiêm vẫn còn ngổn ngang nhiều công trình trong giai đoạn đầu thi công.
Toà tháp Empire 88 Tower phá kỉ lục chiều cao của Landmark 81 nằm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bên cạnh Sala. (Ảnh: Phúc Huy).
Một trong những dự án đang thi công đáng chú ý tại Thủ Thiêm hiện nay là toà tháp Empire 88 Tower. Chủ đầu tư cho biết tòa tháp sẽ gồm 88 tầng, vượt chiều cao của Landmark 81. Tuy nhiên, chiều cao chính xác hiện vẫn chưa được công bố.
Đây là một trong những công trình sẽ trở thành điểm nhấn của Thủ Thiêm trong tương lai, khi giữ vị trí đắt địa tại khu vực lõi trung tâm của đô thị mới Thủ Thiêm. Ngoài ra, vị trí của Empire 88 Tower còn nằm đối diện trục đường Hàm Nghi thuộc khu vực quận 1, bên kia sông Sài Gòn.
Empire 88 Tower cao 88 tầng dự kiến hoàn thành và phá kỉ lục cao nhất Việt Nam của Landmark 81 vào năm 2022. (Ảnh: Empire City).
Nếu như Landmark 81 được lấy cảm hứng từ hình tượng cây tre Việt Nam thì Empire 88 Tower mô phỏng ruộng bậc thang, cùng núi đồi giữa đô thị.
Theo giới thiệu, dự án gồm 3 tòa nhà chọc trời với tòa tháp trung tâm gồm 88 tầng, đạt chiều cao cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Công trình này gồm khu nhà ở, căn hộ, khách sạn và đài quan sát.
Empire mô phỏng ruộng bậc thang và núi đồi giữa đô thị. (Ảnh: Empire City).
Điểm nhấn của tòa tháp được dự kiến cao nhất Việt Nam trong tương lai là những mảng xanh mô phỏng ruộng bậc thang.
Khu vực khối đế, điểm gắn kết của 3 toà nhà, cũng được thiết kế theo hình dáng thửa ruộng bậc thang và những ngọn đồi, phản ánh vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam trong lòng khu đô thị mới.
Dự án này được phát triển bởi Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương, một liên doanh đa quốc gia tại Việt Nam, Singapore và Hong Kong. Đồng thời, công trình được thiết kế bởi công ty kiến trúc Buro Ole Scheeren, từng góp công vào các dự án đô thị tại Singapore, Thái Lan, Trung Quốc.
Một mảng xanh dôi ra bên ngoài giữa lưng chừng Empire 88. (Ảnh: Empire City).
Theo chủ đầu tư, tổ hợp có vốn đầu tư 1,2 tỉ USD và sẽ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2022.
Như vậy, nếu đúng lộ trình như chủ đầu tư công bố, thì chỉ 3 năm nữa, Empire 88 Tower sẽ trở thành toà nhà cao nhất Việt Nam, soán ngôi của Landmark 81 hiện nay. Như vậy, tòa tháp của Vingroup chỉ giữ được "danh hiệu" cao nhất Việt Nam vài năm đi vào hoạt động.
Ngoài Empire 88 Tower, một dự án khác tại Hà Nội cũng đang "nhăm nhe" soán ngôi cao nhất Việt Nam của Landmark 81. Dự án này được chủ đầu tư công bố gồm tổng cộng 108 tầng, vượt xa chiều cao của Landmark 81 và cả công trình chưa hình thành Emprie 88 Tower.
Toà tháp này có tên tháp tài chính Phương Trạch, nằm trong dự án thành phố thông minh trên trục đường Nhật Tân - Nội Bài, ngay sau khu đô thị bên sông tại xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội.
Tháp tài chính Phương Trạch tại Hà Nội gồm 108 tầng dự kiến hoàn thành năm 2028, sẽ phá mọi kỉ lục về chiều cao của các toà nhà. (Ảnh: BRG).
Tháp Phương Trạch lấy cảm hứng từ biểu tượng hoa sen, quốc hoa của Việt Nam.Toàn bộ dự án sẽ tái hiện hình ảnh Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, với ý tưởng chính là "Rồng đuổi ngọc".
Trước đó, thông tin về đồ án quy hoạch dọc tuyến Nhật Tân - Nội Bài đã được công bố với quy mô 2.080 ha, chiều dài toàn tuyến 11,7 km, với điểm đầu là sân bay Nội Bài, điểm cuối là cầu Nhật Tân.
Dự án do liên doanh Sumimoto của Nhật Bản và Tập đoàn BRG của đại gia Nguyễn Thị Nga đầu tư. Trong đó, tập đoàn BRG là chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho toàn bộ diện tích 2.080 ha hai bên trục tuyến đường Võ Nguyên Giáp, từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài.
Theo chủ đầu tư, dự án có tổng vốn hơn 4 tỉ USD.
Toà Landmark 81 tại TP HCM có thể chỉ giữ được ngôi vị cao nhất Việt Nam chỉ trong vài năm. (Ảnh: Phúc Huy).
Giữa năm ngoái, UBND Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thành phố thông minh gồm Tháp tài chính Phương Trạch này.
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, từng cho biết dự án gồm 5 giai đoạn với 5 mô hình liên doanh phát triển cho các giai đoạn, tổng vốn đầu tư 4,138 tỉ USD.
Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích hơn 73 ha và tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD, do liên doanh BRG - Sumitomo phát triển. Sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư, liên doanh hai tập đoàn này sẽ tiến hành công tác giải phóng mặt bằng.
Toàn bộ dự án được kì vọng sẽ hoàn thành vào năm 2028.
Như vậy, theo kế hoạch, năm 2028, tháp tài chính cao 108 tầng này sẽ vận hành, xác lập kỉ lục mới về tòa nhà cao nhất Việt Nam, bỏ xa vị trí hiện tại của toà Landmark 81 tại TP HCM.