Bố trí các trụ xăng sinh học E5 tại nhiều trạm xăng vẫn chưa tạo thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận. (Ảnh: M.Q) |
Đã có tiến triển, tại sao lại ép?
Số liệu từ Bộ Công thương, 2 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1.429.905m3, trong đó xăng E5 RON 92 đạt khoảng 593.609m3, chiếm tỉ trọng khoảng 42%.
Tỉ lệ này, nếu so với cùng kì năm trước là một bước tiến rõ rệt nhờ có sự thúc đẩy quan trọng là từ đầu năm 2018 xăng khoáng RON92 chính thức không còn bán trên thị trường.
Mức tăng khoảng 8-9% lượng tiêu thụ xăng E5 bị cho rằng còn chậm, chưa được như kì vọng, vì thế các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đề xuất “khai tử” xăng khoáng RON95 để người dùng chỉ còn sử dụng thuần xăng sinh học mà thôi.
Tư duy xử lí vấn đề này mang tính ép buộc người dùng, thị trường sẽ dành vị trí độc quyền cho xăng sinh học và người tiêu dùng không còn có lựa chọn khác. Tuy nhiên cần nhớ rằng, xăng RON92 mới bị “khai tử” hơn 4 tháng.
Đồng ý rằng xăng sinh học (thị trường Việt Nam đang là E5, tức pha trộn 5% ethanol) sẽ giúp hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, lượng tiêu thụ xăng sinh học tăng trưởng chậm đâu phải lỗi do người dùng, mà chủ yếu đến từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, và một phần quan trọng nữa là chính sách khuyến khích.
Vì vậy, trước khi nghĩ đến và thực thi việc “khai tử” thì phải thúc đẩy sự kích cầu cho xăng E5, nếu làm tốt việc này thì không cần ép người dùng vẫn sử dụng.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, xăng sinh học không chỉ dừng lại ở loại E5 mà còn tăng lên mức E10, E15, E20. Thậm chí ở Thụy Điển, xăng sinh học pha ethanol còn ở mức cao hơn.
Các khuyến cáo về mặt khoa học cho rằng, ở những tỉ lệ pha trộn như trên không cần thiết phải sử dụng phương tiện có loại động cơ riêng.
Tuy nhiên, độ tinh chế tạo ra chất lượng ethanol là một vấn đề mà tại các thị trường mới áp dụng pha trộn cần phải lưu tâm, bởi đây chính là nguồn cơn dẫn đến các ý kiến từ người tiêu dùng cho rằng dùng xăng sinh học động cơ hay gặp những trục trặc và từ đó họ không chuộng loại xăng này.
Vấn đề: Từ doanh nghiệp cung ứng đến chính sách
Bộ Công thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã hơn một lần họp về vấn đề tiêu thụ xăng E5 và các doanh nghiệp cũng nhiều lần đưa ra kiến nghị, đề xuất hợp lí, nhưng dường như chưa được giải quyết.
Trước hết là kiến nghị tạo chênh lệch giá bán trên thị trường giữa xăng E5 với RON95 khoảng từ 1.800-2.000 đồng/lít để tạo sự kích thích người dùng.
Đây là một kiến nghị hợp lí, song lại phụ thuộc vào thẩm quyền “cởi trói” của các cơ quan quản lí. Vấn đề này đã đề cập nhiều, đến lúc phải quyết chứ không nên cứ bàn mà không chốt được cách giải quyết.
Thứ hai, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải tạo sự thuận lợi tiếp cận xăng E5 cho người tiêu dùng, từ vị trí đặt trụ xăng, bảng biển dễ nhìn dễ thấy, và quan trọng nhất là nhân viên bán luôn sẵn sàng giới thiệu xăng E5 cho khách hàng, cho đến công tác truyền thông, quảng bá nhằm nâng cao ý thức người dùng.
Vấn đề thứ hai này, chính các Cty đầu mối hay kêu khó về xăng E5 lại chính là doanh nghiệp còn lơ là, triển khai chưa đều và tốt. Thứ ba là cơ sở hạ tầng để phối trộn và việc kiểm soát chất lượng xăng E5 phải được bảo đảm.
Tấn công bằng dao ở Paris: Hé lộ về hung thủ khiến 5 người thương vong |
Phanh gấp, coi chừng lợi bất cập hại
Việc loại bỏ dần xăng khoáng và thay thế dần bằng xăng sinh học là xu thế bảo vệ môi trường trên thế giới. Xăng khoáng RON95, có thể trong tương lại rồi cũng sẽ bị thay thế như trường hợp xăng khoáng RON92 nhưng phải có lộ trình tính theo năm chứ không thể gấp gáp trong vài tháng.
Bởi một khi chưa chuẩn bị tốt hạ tầng để phối trộn, cung ứng, kiểm soát chất lượng xăng sinh học mà đã “khai tử” xăng khoáng RON95 thì sẽ ảnh hưởng tới thị trường và quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong đó, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là nguyên liệu tạo ra cồn E100 để pha trộn xăng sinh học. Theo Cty Tùng Lâm – doanh nghiệp duy nhất cung cấp cồn E100 hiện nay, trong khoảng 10 tháng qua giá nguyên liệu chính sản xuất E100 là sắn đã tăng khá mạnh từ 3.600 đồng lên 5.600 đồng, đẩy giá cồn tăng sẽ tác động đến giá xăng sinh học.
Việc chuyển đổi sang xăng sinh học cũng phải tính đến qui hoạch vùng nguyên liệu về lâu dài.
Nếu nguồn cung nguyên liệu sắn; các cơ sở phối trộn, điều chế xăng sinh học chưa đủ đáp ứng trong khi thị trường chỉ duy bán có loại xăng này, trong trường hợp giá những thứ trên biến động tăng thì người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu chứ không phải các Cty đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường song quyền lợi của người tiêu dùng nói chung phải được đặt lên hàng đầu, sự đánh đổi nếu có, cần phải hài hòa giữa các lợi ích: Quyền lợi người tiêu dùng – Quyền lợi doanh nghiệp – Bảo vệ môi trường.
Cần biết rằng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng chỉ đặt mục tiêu đến năm 2050 xăng sinh học chiếm tỉ trọng 25% sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên thế giới. Đó là một tầm nhìn dài hạn. Tại mỗi quốc gia, lộ trình sử dụng xăng sinh học có thể tùy tình hình áp dụng nhanh, chậm khác nhau, song không thể quá nóng vội được.
Kiểm tra 188 mẫu xăng E5, bao nhiêu mẫu đạt chất lượng?
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mới có báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng xăng sinh học E5. |