Khẩn trương đề xuất, báo cáo Thủ tướng phương án thu phí sử dụng đường bộ

Thủ tướng giao Bộ Tài chính đề xuất, báo cáo phương án thu phí sử dụng đường bộ cũng như phương án phân bổ ngân sách với nguồn kinh phí này.
Khẩn trương đề xuất, báo cáo Thủ tướng phương án thu phí sử dụng đường bộ - Ảnh 1.

Bảo trì đường bộ trên QL1 qua tỉnh Nghệ An. (Ảnh Trần Duy)

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012 về Quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, xét đề nghị của Bộ GTVT và ý kiến của các Bộ Tư pháp, Tài chính, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

Đồng ý Bộ GTVT dừng trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012 về Quỹ bảo trì đường bộ. Yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tài chính, tiếp tục chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định theo hướng bãi bỏ Nghị định 18/2012 (giải thể Quỹ Bảo trì đường bộ và Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trung ương…), trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/10/2019.

Giao Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thu phí sử dụng đường bộ (về phương thức thu phí; thẩm quyền ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ trên cả nước, bao gồm cả hệ thống đường bộ do trung ương quản lý và hệ thống đường bộ do địa phương quản lý) cũng như phương án phân bổ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đối với nguồn kinh phí này, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Trước đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất cơ quan có thẩm quyền bỏ 6 quỹ, trong đó có Quỹ Bảo trì đường bộ. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư cho biết, đây mới chỉ là đề xuất của đoàn giám sát. Tuy nhiên, trong trường hợp quỹ dừng hoạt động, chủ phương tiện vẫn phải nộp phí theo Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành năm 2015.

“Đây mới chỉ là đề xuất, Thường vụ Quốc hội chưa có kết luận về việc này. Sau khi Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết giám sát thì các cơ quan liên quan sẽ căn cứ vào Nghị quyết để thực hiện các bước tiếp theo”, ông Minh cho hay.

Cũng theo ông Minh, thời điểm trước năm 2013 khi chưa có Quỹ Bảo trì đường bộ, hàng năm nguồn vốn dành cho công tác này được cấp từ ngân sách Nhà nước với số tiền mỗi năm khoảng trên 2.000 tỉ đồng. Số tiền quá ít ỏi này không đáp ứng được nhu cầu bảo trì đường bộ (đáp ứng khoảng 17-20% nhu cầu bảo trì đường bộ), đảm bảo ATGT nên mới thành lập ra Quỹ Bảo trì đường bộ với tiêu chí là huy động từ xã hội nguồn vốn dành cho công tác này một cách ổn định, lâu dài, phục vụ tốt bảo trì đường bộ, chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước.

Thay vì trước kia mỗi năm ngân sách cấp vài nghìn tỉ đồng cho công tác bảo trì đường bộ, từ sau khi có quỹ tới nay, nguồn thu của Quỹ cộng với ngân sách cấp bù đã đạt trên dưới 10.000 tỉ đồng.

“Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ đã được quy định theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015 của Quốc hội. Như vậy, việc bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ không có nghĩa là không phải đóng phí sử dụng đường bộ. Việc bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ mang tính chất sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động, phù hợp với các quy định mới của pháp luật hiện hành. 

Việc đóng phí sử dụng đường bộ của người dân và doanh nghiệp vẫn thực hiện theo luật và tiếp diễn bình thường tại các trung tâm đăng kiểm. Phí sử dụng đường bộ sẽ được Cục Đăng kiểm tổng hợp nộp vào ngân sách Nhà nước theo đúng quy định tại Luật Phí và lệ phí”, ông Minh cho hay.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.