Vốn cho bảo trì đường bộ địa phương: Thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế

Ngoại trừ Hà Nội và TP HCM, các địa phương khác được bố trí vốn cho công tác bảo trì đường bộ còn rất hạn chế....
Vốn cho bảo trì đường bộ địa phương: Thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế - Ảnh 1.

Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết, nguồn ngân sách BTĐB Trung ương và địa phương chỉ mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế

Đã khó lại còn eo hẹp

Trước khi thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB), trong giai đoạn 2010 - 2012, hàng năm Tổng cục ĐBVN được phân bổ trung bình khoảng 2.000 tỉ đồng/năm cho toàn bộ công tác bảo trì quốc lộ (bao gồm cả bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, phòng chống bão lũ thiên tai, ATGT và các công tác khác...).  So với định mức và qui trình bảo trì đường bộ do Bộ GTVT ban hành thì nguồn vốn đó mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu bảo trì tối thiểu.

Ngoài các tuyến đường tỉnh, đối với các tuyến đường từ cấp huyện trở xuống (đường huyện, đường xã...) do UBND các huyện thị tự cân đối trong ngân sách địa phương hằng năm và chủ yếu cũng chỉ dặm vá “ổ gà” và sửa chữa nhỏ. Tổng nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ của các địa phương cũng chỉ đáp ứng 20 - 30% nhu cầu bảo trì tối thiểu.

Bên cạnh đó, với việc lưu lượng xe tăng cao hơn nhiều so với mức dự báo đã dẫn đến tình trạng cầu, đường bộ xuống cấp, không phát huy hiệu quả vốn đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, do đó nếu không có giải pháp hữu hiệu thì không những không thúc đẩy mà còn kìm hãm phát triển kinh tế. Ngoài thiếu nguồn vốn cho công tác bảo trì thì một số nguyên nhân khác đã tác động không nhỏ làm cho hệ thống đường bộ không được sửa chữa kịp thời và xuống cấp.

Ông Trịnh Xuân Hùng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La cho biết, mức vốn cho quản lý, bảo trì 1km đường bộ chưa đáp ứng được nhiệm vụ quản lý, bảo trì theo định mức, qui chuẩn kỹ thuật. 

Nhiều tuyến đường đã hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí sửa chữa định kỳ; việc bố trí kinh phí vốn bảo dưỡng thường xuyên chưa xét đến yếu tố đặc thù của vùng miền, chất lượng của từng tuyến và việc cấp nguồn về Quỹ BTĐB địa phương (35%) thông qua ngân sách tỉnh làm phát sinh thủ tục, nguy cơ giảm nguồn của Quỹ, đặc biệt đối với các tỉnh khó khăn về ngân sách. 

Chất lượng công tác quản lý bảo trì các công trình kết cấu hạ tầng đường bộ tuy đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do vốn dành cho công tác quản lý, bảo trì thiếu, nhất là kinh phí cho công tác sửa chữa định kỳ theo qui định, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ và giảm năng lực khai thác.

Ông Nguyễn Đình Giang - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên cho rằng nhu cầu thì nhiều nhưng thực tế tiền cho bảo trì còn thiếu rất nhiều, trong khi đó tiền lại về rất chậm do thủ tục rườm rà dẫn đến hiệu quả chưa cao. Đơn cử, khi khảo sát thực tế hư hỏng như “ổ gà”, sau khi được cấp tiền thì diện tích, qui mô của những “ổ gà” đó đã thay đổi nhiều.

Đây cũng là thực trạng tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên do nguồn kinh phí hạn chế. Như tại Gia Lai năm 2018, Sở GTVT được UBND tỉnh giao 24,2 tỉ đồng để thực hiện công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và đột xuất các tuyến đường tỉnh như: Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 10 tuyến đường tỉnh (15,2 tỉ đồng); sửa chữa đường tỉnh 668 đoạn km2 - km5 (7 tỉ đồng); sửa chữa đường tỉnh 665 (02 tỉ đồng). 

Nguồn kinh phí của Quỹ BTĐB từ Trung ương cấp có những thời điểm về chậm (khoảng tháng 6, tháng 7, khi đó đã bước vào mùa mưa), vì vậy việc triển khai thi công không thuận lợi, ảnh hưởng đến tiến độ thi công chung. Theo lãnh đạo Sở, hiện tại đơn vị ưu tiên tập trung sửa chữa các đoạn hư hỏng nặng trên các tuyến đường tỉnh, đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi và an toàn.

Xem xét đặc thù 

Vốn cho bảo trì đường bộ địa phương: Thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế - Ảnh 2.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang bị hư hỏng nặng trong mùa mưa

Ông Nguyễn Ngọc Vệ - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết: “Những năm qua việc phân bổ kinh phí từ Quỹ BTĐB Trung ương về địa phương là rất quan trọng, góp phần hỗ trợ cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Nhiều công trình đường bộ được sửa chữa cơ bản, chất lượng hạ tầng giao thông được đảm bảo, góp phần tích cực trong công tác đảm bảo TTATGT, tạo thuận lợi cho người dân và phương tiện lưu thông an toàn. 

Tuy nhiên, năm 2018 Quỹ BTĐB Trung ương phê duyệt cấp cho tỉnh An Giang 28 tỉ đồng, số tiền đó chưa đáp ứng được mục tiêu ngăn chặn sự xuống cấp của các công trình giao thông. Về sửa chữa định kỳ, do nguồn vốn còn hạn hẹp nên chúng tôi sẽ lựa chọn các tuyến đường hư hỏng nặng để ưu tiên”.

Theo ông Vệ, năm 2018 nguồn ngân sách bảo trì Trung ương và địa phương chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thực tế. Sở GTVT tỉnh An Giang mong muốn Trung ương quan tâm đến địa phương bởi đây là tỉnh đầu nguồn sông Mê Kông, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở, đe dọa nghiêm trọng đến hạ tầng giao thông.

 Để sử dụng nguồn vốn Quỹ BTĐB hiệu quả, Sở GTVT tỉnh An Giang đã áp dụng thực hiện theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, được lãnh đạo UBND tỉnh rất quan tâm và nhận được sự đồng thuận từ người dân.

 “Đối với những tuyến đường dặm vá qui mô nhỏ ở những địa phương, khi có đơn vị duy tu chúng tôi sẽ chuyển vật liệu xuống và người dân sẵn sàng bỏ ngày công để thực hiện. Đây là hình thức xã hội hóa trong quản lý, đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông”, ông Vệ nhấn mạnh.

TP HCM là địa phương phát triển kinh tế bậc nhất cả nước nhưng hạ tầng giao thông lại chưa tương xứng để thúc đẩy kinh tế liên kết vùng. Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, kể từ năm 2014, TP HCM được cấp bổ sung từ nguồn Quỹ BTĐB Trung ương để phục vụ cho công tác BTĐB trên địa bàn. 

Nhiều công trình đường bộ được sửa chữa cơ bản, chất lượng hạ tầng giao thông được đảm bảo, góp phần tích cực trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn TP, tạo thuận lợi cho người dân và phương tiện lưu thông an toàn.

Vốn cho bảo trì đường bộ địa phương: Thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế - Ảnh 3.

Sở GTVT TP HCM cho rằng, Quỹ BTĐB Trung ương phân bổ chưa tương xứng với qui mô hệ thống hạ tầng giao thông

Tuy nhiên theo ông Hưng, Quỹ BTĐB Trung ương phân bổ nguồn kinh phí bảo trì từ nguồn thu phí xe ô tô cho TP vẫn chưa tương xứng với qui mô hệ thống hạ tầng. Số lượng xe hoạt động trên địa bàn cũng như nguồn thu phí BTĐB từ ô tô của TP dẫn đến công tác bảo dưỡng thường xuyên thực sự gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng mục tiêu ngăn chặn sự xuống cấp công trình. 

Về sửa chữa định kỳ, do nguồn vốn còn hạn hẹp nên trong giai đoạn vừa qua, công tác này mới chỉ lựa chọn các vị trí hư hỏng nặng để ưu tiên (mang tính chất cục bộ, không xử lý triệt để), chưa thực hiện đủ khối lượng công việc sửa chữa theo định kỳ.

Với khối lượng quản lý hạ tầng như hiện nay, ngân sách TP chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu thực tế, chỉ tập trung giải quiết một số công việc cấp bách mà không thể thực hiện đầy đủ khối lượng công việc bảo dưỡng thường xuyên nên tiến hành sửa chữa định kỳ theo đúng qui định còn chậm, dẫn đến hệ thống hạ tầng giao thông TP ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng đến bảo đảm TTATGT cũng như hình ảnh văn minh, sạch đẹp của TP. Do đó, việc phân chia kinh phí từ Quỹ BTĐB Trung ương về TP là rất quan trọng, góp phần hỗ trợ cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.