Năm 1987, Xí nghiệp Liên hợp trục vớt cứu hộ TP HCM được UBND tỉnh Phú Khánh cấp hơn 10ha đất ở khu vực ven biển xã Đại Lãnh để xây dựng Trạm lặn - hợp tác với Cộng hòa Nhân dân Hungary.
Dự án của cố nhạc sĩ Thanh Tùng và nhạc sĩ Hà Dũng bỏ hoang hàng chục năm qua. (Ảnh: Khải An)
Đến năm 1988, đơn vị này đã liên kết với UBND huyện Vạn Ninh xây dựng khách sạn mang tên Vavisal tại thôn Đông, xã Đại Lãnh và được UBND tỉnh Phú Khánh chấp thuận.
Khách sạn được xây dựng trên diện tích 7.800m2, qui mô 4 tầng với tổng vốn đầu tư hơn 2,8 tỉ đồng, do UBND huyện Vạn Ninh làm chủ đầu tư và đóng góp 1/4 kinh phí xây dựng.
Đến năm 1994, dự án đã xây dựng 3 tầng thô thì được chuyển nhượng cho nhóm nhà đầu tư gồm ông Nguyễn Thanh Tùng (nhạc sĩ Thanh Tùng, đã mất) góp 50%, ông Hà Hùng Dũng (nhạc sĩ Hà Dũng) góp 25%; bà Phùng Trịnh Thi Vinh góp 25%.
Núi Đại Lãnh từng được vua Minh Mạng cho khắc lên Tuyên Đỉnh - 1 trong 9 chiếc đỉnh đặt ở sân Thế Miếu trong Kinh thành Huế "để làm báu nước muôn đời" (Quốc sử quán triều Nguyễn). Còn biển Đại Lãnh được coi là bãi biển đẹp của cả nước, từng được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là một trong những thắng cảnh đẹp nhất ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, sau khi được chuyển giao, nhóm nhà đầu tư đã không tiếp tục triển khai xây dựng để hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đây là dự án đầu tư kéo dài rất nhiều năm, qua nhiều thời kì nên việc xem xét, đánh giá hồ sơ để xử lí dự án theo qui định pháp luật đầu tư hiện hành gặp khó khăn do thời gian kéo dài và các qui định pháp luật trong hoạt động đầu tư đã có nhiều thay đổi.
Dự án bỏ hoang xuống cấp trầm trọng. (Ảnh: Khải An)
Tuy nhiên, việc xử lí các vi phạm của dự án này cần tiến hành theo các bước phù hợp vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tự nguyện khắc phục nhưng đồng thời cũng xem xét, xử lí nghiêm theo qui định pháp luật trong trường hợp nhà đầu tư thiếu hợp tác và không thực hiện cam kết.
Năm 2016, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lí Khu kinh tế Vân Phong chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan làm việc với chủ đầu tư trong tháng 10/2016 và đã tiến hành đánh giá việc triển khai, nhắc nhở, đồng thời đưa ra phương án giải quyết đối với dự án này.
Sau đó UBND tỉnh Khánh Hòa cho chủ đầu tư gia hạn thêm 6 tháng (đến 30/6/2017) theo đề nghị của nhà đầu tư để nhà đầu tư tổ chức khảo sát thực địa, đánh giá lại khả năng thực hiện dự án, thu xếp nguồn vốn để thực hiện 1 trong 2 phương án là tu sửa để tiếp tục khai thác công trình hoặc tháo dỡ và thiết kế cảnh quan tạo mỹ quan cho khu vực bãi biển Đại Lãnh.
Các đối tượng hút chích thường xuyên vào dự án gây mất an ninh trật tự xã hội. (Ảnh: Khải An)
Ngoài ra, theo đề nghị của nhà đầu tư vào năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý để Ban Quản lí KKT Vân Phong phối hợp với Sở KHĐT, Sở Du lịch hỗ trợ nhà đầu tư, giới thiệu, xúc tiến các đối tác đầu tư khác có quan tâm để tham gia hợp tác đầu tư dự án. Tuy nhiên đến nay phía chủ đầu tư vẫn không triển khai dự án.
Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của dự án này theo qui định của pháp luật về đất đai tại dự án Khách sạn Vavisal Đại Lãnh (do việc Đoàn Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường chưa xác định đúng đối tượng thanh tra và nguồn gốc sử dụng đất).
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị cho tổ chức mời họp nhưng nếu đại điện nhóm đầu tư không đến dự họp để làm việc thì sẽ báo cáo UBND tỉnh xử lí theo qui định. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đang rất khó khăn trong việc liên hệ đại diện nhóm nhà đầu tư để mời làm việc (có dấu hiệu bất hợp tác từ phía nhóm nhà đầu tư).
Do những vướng mắc về nguồn gốc sử dụng đất để thực hiện dự án và việc không có sự hợp tác của phía nhà đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường không có đủ thông tin, khó khăn trong việc đề xuất xử lí (Sở đã mời đại diện nhóm đầu tư dự án đến làm việc nhưng không đến).
Hiện dự án bị đập phá để lấy sắt. (Ảnh: Khải An)
Theo đề nghị của Sở TNMT thực hiện thủ tục đăng báo xử lí tài sản vắng chủ theo qui định và được UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất với đề xuất trên.
Do bỏ hoang nhiều năm nên, dự án khách sạn của nhóm nhạc sĩ trở thành điểm tụ tập các đối tượng bất hảo tại địa phương. Những người nghiện ngập, hút chích thường xuyên lui tới khu vực này gây mất an toàn, an ninh trật tự.
Chính quyền địa phương nhiều lần truy quét, cắt người canh giữ nhưng sau đó các đối tượng nghiện ngập lại tụ tập trở lại. Mới đây, các đối tượng nghiện ngập đã tiến hành đập phá công trình để lấy sắt.
Lãnh đạo xã Đại Lãnh cho biết, tình trạng các đối tượng đập phá công trình lấy sắt xuất hiện hơn tháng qua.
"Dự án bỏ hoang nhiều năm do chủ đầu tư không triển khai nên nơi đây thường xuất hiện các đối tượng nghiện ngập gây mất trật tự. Nhiều thời kì lãnh đạo đã truy quét nhưng sau đó mọi chuyện lại trở lại như cũ. Chính quyền muốn thu hồi dự án nhưng không liên hệ được với chủ đầu tư để giải quyết. Hiện cơ quan chức năng sẽ tiến hành đăng báo xử lí tài sản vắng chủ theo qui định để xử lý dứt điểm", lãnh đạo xã Đại Lãnh thông tin.
Theo văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi ban quản lí KKT Vân Phong vào năm 2017, hồ sơ dự án không có quyết định - chủ trường đầu tư, hoặc giấy chứng nhận đầu tư (dự án đã triển khai trước khi có Luật Đầu tư) và chưa đủ cơ sở pháp lí để xử phạt vi phạm hành chính. Dự án cũng không có đủ cơ sở để thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành.