Sáng kiến 'đất ở không hình thành đơn vị ở' của Khánh Hòa, bài học đắt giá về quản lí đất đai

Sai phạm trong thẩm định giá đất và sáng kiến 'đất ở không hình thành đơn vị ở' là hai trong số các nguyên nhân khiến 3 lãnh đạo Khánh Hòa bị cách hết các chức vụ trong Đảng.

Sáng kiến ngoài luật

Vừa qua, Ban bí thư đã quyết định kỉ luật cảnh cáo với Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa; cắt hết các chức vụ trong Đảng đối với các ông Lê Đức Vinh (chủ tịch UBND tỉnh), ông Đào Công Thiên (phó chủ tịch UBND tỉnh) và ông Nguyễn Chiến Thắng (nguyên chủ tịch UBND tỉnh).

71307031_506549663236166_1282796745792684032_n

Ông Đào Công Thiên, Lê Đức Vinh và Lê Thanh Quang (từ trái sang phải) để xảy ra nhiều sai phạm trong nhiệm kì của mình. (Ảnh: Khải An)

Vi phạm của các tổ chức Đảng và các cá nhân lãnh đạo ở tỉnh Khánh Hòa được kết luận là "rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, để lại nhiều hệ lụy khó khắc phục".

Theo một lãnh đạo Khánh Hòa, 10 năm qua cơ quan chức năng đã kiểm tra khoảng 1.000 dự án trong và ngoài ngân sách, có nhiều dự án được kiểm tra từ năm 2003, 2005 và 2007.

Từ 2009, cơ quan chức năng đã có kiểm tra một dự án tại khu vực phường Vĩnh Hòa và Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường khi đó đã bị bắt.

Theo vị này, trong số các sai phạm, việc sáng kiến cái gọi là "đất ở không hình thành đơn vị ở" là một sai phạm lớn đã được cơ quan chức năng kết luận.

"Đơn cử một dự án có đất thương mại dịch vụ, nhưng khi nhà đầu tư kêu gọi góp vốn để làm căn hộ, Khánh Hòa đã có sáng kiến "đất ở không hình thành đơn vị ở". Đây là một sai phạm lớn trong khi luật đất đai chưa qui định.

Tuy quốc tế đã có loại hình này và được gọi là condotel (condo-căn hộ và hotel-khách sạn) nhưng condotel khác với chung cư. Chung cư được sở hữu vĩnh viễn trong khi những dự án condotel này không ra được giấy tờ gì, nên người mua rất khó khăn", vị lãnh đạo Khánh Hòa cho biết.

bavico

Bavico là dự án condotel lùm xùm nhất tại Khánh Hòa. (Ảnh: Khải An)

Cũng theo vị này, hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Xây dựng bổ sung, sửa đổi luật Đất đai. Lúc đó mới có thể có hành lang pháp lí rõ ràng cho condotel.

"Việc này xảy ra làm phức tạp cho địa phương vì condotel là cho thuê đất để làm khách sạn chứ không phải cho thuê đất làm căn hộ để bán. Như Bavico đang đau đầu vì đơn vị này thuê đất quân đội nhưng lại xây căn hộ để bán nên giờ dân đến đòi nhưng không được", vị này dẫn chứng.

"Khánh Hòa có sáng kiến vì muốn kêu gọi được vốn đầu tư, nhưng lại nằm ngoài luật nên Khánh Hòa phải chấp nhận cái sai đó", vị lãnh đạo Khánh Hòa chia sẻ.

Sai phạm trong thẩm định giá

Ngoài ra, vị này cho biết, cái sai lớn nhất của Khánh Hòa là thẩm định giá đất đai. Có thời điểm tỉnh này chỉ định thầu và chỉ định luôn giá mà không tổ chức đấu thầu, đấu giá, dẫn đến thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước. Khánh Hòa có nhiều vi phạm trong một số dự án thực hiện theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

cao tang Nha Trang 3

UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt 47 dự án vượt thẩm quyền. (Ảnh: Khải An)

UBKTTW đã chỉ ra 47 dự án mà UBND tỉnh này phê duyệt chủ trương vượt thẩm quyền. Qua kiểm tra 23 dự án thì thấy UBND tỉnh đã ban hành 289 văn bản có nội dung vi phạm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa có vi phạm khi không xem xét cho chủ trương 29 dự án (vì không trình), để Bí thư Tỉnh ủy Lê Thanh Quang trực tiếp kí 1 văn bản cho chủ trương đối với một dự án theo đề nghị của doanh nghiệp, vượt thẩm quyền, trái với quy định, chưa thảo luận và bàn bạc trong tập thể…

Ngoài ra, Khánh Hòa còn có nhiều dự án vi phạm nghiêm trọng trong trật tự xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng tài sản nhân dân như dự án Hoàng Phú bị sạt lở khiến 4 người trong gia đình bị thiệt mạng.

Đoàn kiểm tra cũng khẳng định giai đoạn 2010, báo cáo qui hoạch sử dụng đất của tỉnh trong giai đoạn này thiếu thống nhất với qui hoạch sử dụng đất của TP Nha Trang.

"Vấn đề lớn nhất là khắc phục thiếu sót, đặc biệt là những dự án gây thất thoát tài sản của nhà nước. Những người còn lại và tiếp tục phải gánh vác phải câu chuyện này. "Hợp đồng góp vốn của tui là 2 tỉ giờ kêu đóng thêm 500 triệu nữa thì ai chịu", vị này chia sẻ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.