Trường dự bị đại học dân tộc Trung ương Nha Trang là một trong 4 cơ sở đào tạo dự bị Đại học trên cả nước (một số trường đại học cũng có khoa đào tạo dự bị).
Trường dự bị đại học dân tộc Trung ương Nha Trang hiện dành hơn 3 tầng lầu để làm ký túc xá. (Ảnh: Khải An)
Hiện cơ sở đào tạo dự bị đại học cho hơn 400 sinh viên thuộc 30 dân tộc thiểu số khu vực miền Trung - Tây nguyên. Trước đây, trường có 2 khuôn viên là nơi giảng dạy và ký túc xá nằm đối diện nhau, ngay ngã tư Nguyễn Thiện Thuật – Biệt Thự, TP Nha Trang.
Khu ký túc xá có diện tích hơn 1.700m2, rộng hơn khuôn viên giảng đường (khoảng 1.600m2) có 5 tầng, khoảng 88 phòng. Các phòng được thiết kế để 6 sinh viên ngủ nghỉ, sinh hoạt và học tập cách thoải mái nhất.
Nhiều người gọi sinh viên trường dự bị đại học dân tộc Trung ương Nha Trang đang ăn học trên khu đất vàng vô cùng đắt đỏ vì nằm ngay phố Tây sầm uất nhất Nha Trang.
Năm 2015, ký túc xá được bán đấu giá với khoảng 120 tỷ đồng. Thầy Hoàng Trọng Ngô, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường dự bị đại học dân tộc Trung ương cho biết, việc bán đấu giá ký túc xá đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép và xảy ra vào nhiệm kỳ Hiệu trưởng trước.
Theo thầy Ngô, để xây trường mới rộng rãi và phù hợp với điều kiện giảng dạy thì bản thân nhà trường phải có kinh phí đối ứng, không có một phần kinh phí của trường thì Bộ không duyệt dự án.
Phòng học trước đây đã thành ký túc xá tạm của sinh viên. (Ảnh: Khải An)
Dự án trường mới nằm trên khu đất rộng khoảng 6,7ha do tỉnh Khánh Hòa cấp, thuộc xã Phước Đồng cách vị trí trường cũ khoảng 10km. Đầu năm 2017, trường đã khởi công xây dựng cơ sở giai đoạn 1 gồm nhà trường, 2 ký túc xá cho nam và nữ, nhà ăn, câu lạc bộ… dự kiến 165 tỷ đồng, kinh phí do ngân sách hỗ trợ là 45 tỷ, 120 tỷ từ bán ký túc xá.
Dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 4/2018, tuy nhiên đến nay công trình chỉ mới ép cọc.
"Tôi chỉ thực hiện nhiệm vụ bàn giao. Bây giờ, chỗ dự án chưa triển khai được thì xin phép Bộ cải tạo bên này cho các em ở tạm nhà trường đã thay đổi công năng một số phòng học thành nơi nội trú. Hiện nay, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên chưa biết đến khi nào ký túc xá tại cơ sở mới đi vào hoạt động", thầy Hoàng Trọng Ngô cho biết.
Theo đó, cơ sở 7 tầng lầu của trường, thì tầng 1 đến tầng 4 bố trí làm phòng học. Một phần tầng 4 trở lên trên được bố trí thành nơi ở, sinh hoạt cho hơn 400 sinh viên.
Khu đất ký túc xá cũ đã thành chợ đêm. (Ảnh: Khải An)
Để làm ký túc xá tạm, phòng học được nối thêm ổ điện, bắt thêm đèn quạt, bàn ghế cất đi thay vào đó là tủ áo quần, giường tầng kê sát vào nhau… nhưng mỗi dãy chỉ một khu vệ sinh nên gây nhiều khó khăn, nhất là cho các sinh viên nữ.
Điều dễ thấy nhất và có chút phản cảm, dù là các sinh viên và nhà trường đã cố gắng kín đáo trong việc phơi quần áo nhưng quần áo, giầy dép vẫn được phơi khắp các hành lang. Dù đứng bất cứ đâu trong cơ sở giảng dạy vẫn thấy quần áo sinh viên phơi từ tầng 4 trở lên.
"Bạn nào nằm giường tầng dưới thì nóng lắm dù đêm hay ngày. T ngày chuyển trường ở tụi em vất cả lắm, ngoài chuyện vệ sinh cá nhân là việc leo thang. Trưa học xong muốn mua gì ăn là leo lên leo xuống bở hơi tai", một sinh viên cho biết.
Ngoài chuyện khó khăn trong sinh hoạt, không gian giảng dạy bị thu hẹp cũng đã khép lại con đường đến giảng đường của hàng trăm sinh viên người dân tộc.
Nếu trước đây, để vào trường, điểm thi 3 môn của sinh viên người dân tộc khoảng 6-7 điểm (chưa kể điểm cộng) thì nay phải là 12 điểm. Từ hơn 800 sinh viên, nay nhà trường buộc áp dụng Thông tư 26 để tăng điểm đầu vào nên hiện chỉ có hơn 400 em đang học tại trường.
Khu chợ đêm đã sầm uất nhưng ký túc xá mãi chưa xong. (Ảnh: Khải An)
Đó là chưa kể giáo viên ở đây luôn thiếu tiết đứng lớp vì sinh viên giảm khoảng một nửa nhưng giáo viên vẫn như cũ.
"Tôi mong tỉnh sớm khẩn trương giao nốt mặt bằng và Bộ cấp nốt kinh phí để xây dựng dứt điểm", thầy Ngô tâm sự.
Đối diện với trường dự bị đại học dân tộc Trung ương Nha Trang là Khu chợ đêm có tên là "Phố Mua Sắm" trước đây là ký túc xá của trường. Hiện có khoảng gần 50 ki ốt, diện tích từ 15-30 m2, đang được rao cho thuê với giá từ 15 đến 30 triệu đồng/tháng.
Một nhân viên quản lý khu chợ Đêm cho biết khu chợ Đêm có đầy đủ cơ sở pháp lý, là đất doanh nghiệp tư nhân sở hữu. "Đất đây là đất tư nhân người ta đấu thầu lại rồi. Chắc chắn ký 5 năm luôn cũng được, giấy phép kinh doanh đầy đủ, cho nên mới dám xây gạch chắc chắn vậy chứ", nam nhân viên khẳng định.
Hiện khu vực chợ đêm đã buôn bán khá sầm uất trong khi các sinh viên vẫn chen chúc nhau trong không gian chật hẹp và ký túc xá chưa biết ngày nào xong.