Sau hồi một cho loạt phim "Tử chiến thành Đa Bang" với tựa đề "Giấy", nhóm Đuốc Mồi - thực hiện dự án dài hơi "Việt sử kiêu hùng", ra mắt phần ngoại truyện có tên "Huyết mạch Trần gia" trong tháng 5 này. Đây là dự án dã sử dùng lối diễn họa tái hiện những trang sử kiêu hùng của dân tộc với mục tiêu truyền cảm hứng sử Việt cho các bạn trẻ. Ngoài Đuốc Mồi, Hạc Thần Studio cũng dự kiến ra mắt tập đầu tiên của loạt phim hoạt hình lịch sử "Loa Thành rực lửa" vào tháng 7.
Dự án "Việt sử kiêu hùng" hình thành từ tình yêu lịch sử và tinh thần thiện nguyện của diễn viên lồng tiếng Đạt Phi cùng chàng trai trẻ Trần Minh Tuấn. "Tôi vốn có một kênh tên "Hùng ca sử Việt" chuyên đăng các video chú trọng phần âm thanh với kịch bản do bạn Phạm Vĩnh Lộc, nổi tiếng với những bài kể lịch sử trên Facebook, viết. Tình cờ, Mạnh Tuấn đến nhờ tôi đọc lời bình cho dự án tình nguyện của cậu ấy. Tôi thấy đây là người trẻ nhiệt tâm nên gợi ý cậu ấy làm dự án hoạt hình lịch sử" - diễn viên Đạt Phi chia sẻ. Theo Mạnh Tuấn, ban đầu, nhóm chỉ có anh là trưởng dự án, Kỷ Thế Vinh là đạo diễn kiêm dựng phim, diễn họa và họa sĩ Diệp Xương Vỹ, Lê Vũ Quang. Thông qua hình thức gây quỹ cộng đồng ngay trên trang web của nhóm, dự án này thu hút gần 300 triệu đồng với dự kiến thực hiện phần một có tên gọi "Tử chiến thành Đa Bang" gồm 3 tập tái hiện bối cảnh đất nước những năm 1400 và trận chiến lịch sử giữa vua tôi nhà Hồ với giặc Minh xâm lược.
Các thành viên dự án "Việt sử kiêu hùng" sáng tác tập ngoại truyện "Huyết mạch Trần gia". (Ảnh do nhóm sản xuất cung cấp) |
Đầu năm 2018, tập đầu tiên của phần 1 đã ra mắt, nhận được nhiều khen ngợi từ công luận. "Rất cuốn hút, lời thoại rất chất, cảnh phim tạo hiệu ứng. Người trẻ còn mong gì hơn thế cho những khô khan đã chịu đựng thời gian qua!" - Dũng Phan, tác giả cuốn sách "Sử Việt 12 khúc tráng ca", nhận xét. Đến nay, người mê sử lại chờ tiếp phần ngoại truyện được hứa hẹn ra mắt trong tháng 5 này. Cũng với tư tưởng truyền cảm hứng về lịch sử nhưng tập trung vào đối tượng thiếu nhi, dự án hoạt hình "Loa Thành rực lửa" là sự pha trộn giữa lịch sử cùng yếu tố kỳ ảo. Phim gồm 5 tập, là phần đầu của loạt phim "Hạt thóc và những chuyến du hành xuyên thời gian". Sau loạt phim này, nhóm tiếp tục thực hiện "Bạch Đằng dậy sóng".
Trước những dự án này, mạng xã hội từng xôn xao vì phim hoạt hình "Con rồng cháu tiên" được đầu tư bài bản về hình ảnh, âm thanh. Phim thu hút hàng triệu lượt xem khi chiếu trên YouTube và một loạt trường học. Sáu năm trước, một nhóm sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TP HCM, khiến khán giả ngạc nhiên và thích thú với phim hoạt hình "Đại chiến Bạch Đằng" và còn nhiều phim hoạt hình lịch sử khác được chiếu trên VTV như: "Cờ lau tập trận", "Người anh hùng áo vải", "Hào khí Thăng Long"...
Qua từng thời điểm, nhiều người trong giới nhận định phim hoạt hình sử Việt có đổi mới, thú vị. Những người thực hiện không bó buộc nhắm vào đối tượng thiếu nhi mà mở rộng sang đối tượng trẻ khác với những chủ đề táo bạo hơn. Tuy nhiên, câu chuyện làm phim hoạt hình lịch sử vẫn chưa có được định hướng sản xuất quy mô, hệ thống mà manh mún, nhỏ lẻ với những khó khăn riêng. "Để có 15 phút trên phim, chúng tôi mất cả tháng tìm đọc và nghiên cứu sử liệu. Tài liệu tiếng Việt không đủ, nhóm còn phải tìm đọc thêm các tài liệu tiếng nước ngoài... Khi có thông tin nhiều rồi phải quyết định lựa chọn cái nào sẽ kể, cái nào không và kể như thế nào cho hấp dẫn trước khi nhờ tư vấn trang phục, hoàn tất kịch bản và tiến hành vẽ" - Mạnh Tuấn thổ lộ. Ban đầu, nhóm dự tính 100 triệu đồng đủ để sản xuất một tập nhưng thực tế lại khác, thiết bị hư liên tục, thời gian làm việc kéo dài làm đội chi phí. Để có kinh phí cho các phần tiếp, nhóm nâng mức gây quỹ lên 600 triệu đồng, nghĩ các hướng như bán áo thun, xuất bản truyện tranh để góp thêm kinh phí.
Dù khán giả quan tâm, nhiệt huyết của người thực hiện lớn nhưng nếu không tìm được đầu ra, giải được bài toán kinh phí cũng khó đi đường dài. Đó là nhận định chung của nhiều người trong giới. Thực tế cũng minh chứng điều này khi nhiều dự án công bố như chỉ để cho thấy Việt Nam đủ năng lực làm được phim hoạt hình lịch sử, chỉ ra đời một tập, một phần hoặc hai phần rồi biến mất.
"Đại chiến Bạch Đằng" là một ví dụ, phim hoạt hình do nhóm sinh viên thực hiện này cũng dừng lại 6 năm trước dù tạo được hiệu ứng trong công chúng. Phim "Con rồng cháu tiên" lại là dự án do một nhãn hàng bỏ vốn sản xuất với mục đích quảng bá thương hiệu. Vì vậy, khi mục đích quảng bá này kết thúc những người thực hiện cũng khó có vốn đầu tư tiếp theo để thực hiện dự án dài hơi. Riêng những phim hoạt hình phát sóng trên VTV như "Hào khí Thăng Long" dài 2.000 tập, chủ yếu tập trung đối tượng thiếu nhi hơn là những câu chuyện tầm cao, hấp dẫn hơn dành cho người trẻ. Loạt phim này cũng không tạo được sức nóng trên mạng đủ để thu hút khán giả. Vấn đề trọng yếu của phim hoạt hình lịch sử hiện nay là đang cần bàn tay bảo hộ, tạo đầu ra tốt chứ không phải tay nghề hay tâm huyết của người trong giới.
Liên kết ngành giáo dục, sao không? Nhiều khán giả trẻ bình luận trên YouTube nếu các học sinh được xem phim này trong những giờ học có liên quan sẽ làm tăng thêm hứng thú. Tuy nhiên, việc mang những sản phẩm này vào trường học không dễ dàng theo những người trong giới. "Chúng tôi luôn sẵn sàng liên kết phía các trường nhưng việc đưa nội dung ngoài sách giáo khoa vào trường học phải có chủ trương của lãnh đạo cấp bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo. Nếu có mạnh thường quân nhiệt tâm với sử Việt đứng ra đầu tư sẽ có khả năng hơn là chờ đợi cơ quan chức năng" - diễn viên Đạt Phi chia sẻ. |
XEM THÊM
'Vượt mặt' Messi, Ronaldo cùng Ibrahimovic hóa 'siêu anh hùng' trong phim hoạt hình
Striker Force 7 là tên bộ phim hoạt hình với sự xuất hiện của siêu anh hùng Ronaldo. Tiền đạo của Real Madrid cũng chính ... |
Bật mí động trời về các bộ phim hoạt hình kinh điển
“Snow White and the Seven Dwarfs”, “Mulan”, “Up”… đều đã quá đỗi quen thuộc với khán giả nhưng không phải ai cũng biết tất-tần-tật về ... |
Đồng tính, đề tài cấm kỵ với phim hoạt hình?
Trên 15 triệu dân nghiền internet đã xem phim hoạt hình ngắn về tình yêu giữa hai chàng trai tuổi vị thành niên. |