*Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Bộ phim Khi con là nhà của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng vừa có buổi ra mắt vào tối ngày 27/12. Trong quá trình giới thiệu phim, diễn viên chính Lương Mạnh Hải chia sẻ rằng Khi con là nhà chỉ được chế tác trong vòng 10 tháng, với vỏn vẹn 30 ngày quay phim. Thậm chí, đoàn làm phim còn sử dụng cả chủ cho thuê căn nhà trong phim đóng một vai quần chúng. Thế nhưng, những thành quả mà cả ekip đạt được là vô cùng ấn tượng.
Một kịch bản giàu cảm xúc, liên tục gây bất ngờ
Điều đáng nhắc tới đầu tiên của Khi con là nhà chính là phần kịch bản tưởng chừng đơn giản nhưng lại thể hiện ra phim rất tinh tế và xuất sắc. Bộ phim có khả năng đặc biệt trong việc lấy nước mắt người xem, nhưng cũng khiến họ chỉ một phút sau là bật cười khoái chí. Điều này giúp cho toàn bộ câu chuyện phim diễn ra liên tục, hấp dẫn không ngừng nghỉ, khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình.
Lấy đề tài về gia đình nên những chi tiết xúc động về tình cha con là điểm mạnh của phim. Lương Mạnh Hải và bé Duy Anh tung hứng, kết hợp với nhau rất tài tình, cả hai đã khiến khán giả nhận thấy cảm xúc thực sự giữa cha và con chứ không phải là diễn. Hình ảnh cậu bé Duy Anh bước đi tập tễnh trong cơn mưa xối xả của Sài Gòn, rồi cất tiếng gọi "Ba ơi!" , đã khiến cảm xúc của người xem được đẩy lên cao trào, thậm chí là khiến người xem phải rơi nước mắt vì xúc động và thương cảm.
Khán giả có thể nhiều lần rơi nước mắt trước những biến cố của hai cha con Lương Mạnh Hải.
Khóc đó rồi lại cười đó, cảm xúc thay đổi rất nhanh, nhưng lại không khiên cưỡng. Tiếng cười bật ra có tình có lý trong vô thức, bởi có ai mà nhịn được cười khi chứng kiến cảnh cha con họ "khổ lắm", thảm thiết tìm nhau nhưng cũng lại phối hợp nhịp nhàng để ăn trộm một con gà cúng thản nhiên như không.
Khi coi cảnh này, những khán giả đầu tiên của buổi giới thiệu phim đã phải vỗ tay rần rần, dù rằng thực chất chi tiết này không quá mới mẻ. Hay như khi Tú Vi tức giận La Quốc Hùng mà vặn cổ con lợn chết, khiến khán giả đâu đó rùng mình nhưng vẫn phải phì cười.
Tú Vi và con lợn chết gây cười trong phim.
Những câu chuyện trong Khi con là nhà thực chất rất nhỏ nhặt, không có vụ án nào ly kỳ, chẳng có nhân vật phản diện ghê gớm, hay những câu thoại giáo điều. Toàn bộ nhân vật trong phim đều bình dị, quen thuộc, đúng với "chất Vũ Ngọc Đãng" mà người ta đã quá quen. Chưa kể, bằng sự tinh tế, hợp lý, kịch bản của phim giải quyết hết những vấn đề được đưa ra một cách rất nhân văn.
Ví dụ chi tiết bé Bi không biết đọc, đầu phim chỉ giới thiệu nhẹ nhàng là cậu bé không biết chữ. Sau đó là chi tiết ba Quang chỉ cho bé Bi xem tờ giấy truy nã và nói rằng không được cho ai biết thông tin này. Hậu quả là sau đó, dù nhìn thấy tờ rơi tìm trẻ mất tích, Bi lo sợ xé đi chứ không biết rằng đó là cọng rơm cứu mạng. Và cái kết có hậu là việc ba Quang sau khi trở về nhà, cậu bé đã chịu đi học vì nhận ra tầm quan trọng của việc học chữ. Hay như chi tiết ba Quang trả lại chiếc xe đạp vì anh chỉ muốn có phương tiện để nhanh chóng tìm con chứ không chủ tâm ăn cắp.
Một cái tài tình nữa của Vũ Ngọc Đãng chính là anh liên tục giới thiệu nhân vật mới, nhưng lại rất vô tình, đó là những người xuất hiện chớp nhoáng trong hành trình của hai cha con, nhưng lại không làm loãng câu chuyện. Mỗi nhân vật chỉ xuất hiện vài ba câu, nhưng lại khắc họa rõ ràng số phận và tính cách của họ. Đó là cái tài nêm nếm rất đầy đủ, không thừa cũng chẳng thiếu của đạo diễn.
Bộ phim được xây dựng hợp lý, chặt chẽ, chỉn chu.
Chiến thắng dành cho người dám thử thách chính mình
Phải nói ngay rằng, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã tìm cho mình được một "bộ sậu" quá tuyệt vời. Những diễn viên trẻ tài năng và hết lòng với vai diễn trong Khi con là nhà.
Đầu tiên phải kể đến sự lột xác của Lương Mạnh Hải. Từ tài tử vóc dáng thư sinh, da trắng môi hồng, một anh chàng từng chuyên trị vai công tử, quay ngoắt một cái trở thành ông bố đơn thân đen bẩn, lầy lội, phơi nắng cho da đen sạm, làm vàng ố cả bộ răng. Nhưng tình thương con thì sáng lóa đến mức xóa nhòa những điểm yếu khác.
Lương Mạnh Hải vai Quang ngay từ đầu phim đã được xây dựng rất "thô bỉ" từ dáng đi đứng, cách nói chuyện, đến thậm chí cả màn cúng khấn hài hước. Nhưng anh đồng thời cũng là người cha rất thương con, nên đó là lý do khiến khán giả không thể ghét anh, vẫn tin rằng anh sẽ cải tà quy chính.
Lương Mạnh Hải là ông bố tính tình vô tâm, trẻ con.
Lương Mạnh Hải lột xác hoàn toàn không chỉ trong ngoại hình, mà còn cả trong cách diễn truyền tải tâm lý nhân vật. Sự hi sinh, sẵn sàng làm tất cả mọi điều vì con của anh được khán giả cảm nhận trọn vẹn. Thậm chí, khi hai cha con giận dỗi, khi hai cha con ăn cơm, hay khi anh ăn trộm, nuốt gián cũng đều vì con trai... Lương Mạnh Hải đều diễn ngon ơ, và chân thật.
Nhưng tình yêu thương con vô bờ của anh thì ai cũng phải xúc động.
Một vai diễn khác cũng có sự lột xác mạnh mẽ đó chính là La Quốc Hùng vai Bủm. Chàng diễn viên trẻ cũng lột bỏ sự sáng láng, đẹp đẽ của mình để thể hiện rõ sự lưu manh, gian xảo trong từng thước phim. Bủm lưu manh nhưng lại không ác độc, mánh lới nhưng lại rất đời thực, nhân vật anh thể hiện không xấu đến tận cùng, bởi đạo diễn muốn thông qua Bủm để phản ánh một mặt khác song song cùng tồn tại bên cạnh những tốt đẹp của cuộc sống. Điều này, vốn dĩ là quy luật rồi.
La Quốc Hùng vào vai Bủm - Một kẻ lưu manh nhưng không phải hoàn toàn ác độc.
Hay Tú Vi vai vợ Bủm, dù không xuất hiện nhiều nhưng cũng là một vai diễn đáng nhớ. "Nữ hoàng bãi rác" là cô gái có phần lạnh lùng, vì chịu nhiều vất vả của cuộc sống mưu sinh, nhưng lại có trái tim nhân hậu, ấm áp. Tú Vi, bà chủ quán hủ tiếu, người phát cơm từ thiện,... những nhân vật chứa đựng sự tốt đẹp của cuộc sống này cứ thế lần lượt được Vũ Ngọc Đãng gửi gắm đan cài tinh tế vào phim.
Tú Vi hiện lên lam lũ nhưng tỏa sáng ở trái tim lương thiện.
Cuối cùng, ngôi sao chính của phim chính là cậu bé Duy Anh vai Bi. Cậu bé có đôi mắt biết nói, cùng tài diễn xuất hết sức tự nhiên, lém lỉnh nhưng cũng rất chuyên nghiệp. Cu Bi đã thể hiện sự trưởng thành từ sớm do phải sống chung với người cha vô tâm, nhưng vẫn rất ngoan ngoãn, chăm chỉ, biết phân biệt điều hay lẽ phải và đặc biệt yêu thương cha vô điều kiện, dẫu bằng Bi luôn miệng nói "Ba xạo" đó nhưng lại luôn tin nghe theo lời ba. Diễn xuất của Duy Anh không ít lần lấy nước mắt của khán giả, và cũng là nhân vật khiến khán giả bật cười vì những câu nói ngô nghê đậm chất trẻ thơ.
Bé Duy Anh có một vai diễn ấn tượng.
Về hình ảnh và âm thanh, theo như đạo diễn Vũ Ngọc Đãng giới thiệu, phim do cháu của anh quay với mong muốn thu được những cảnh tự nhiên, gần gũi nhất. Đạo diễn từng lo lắng phim sẽ không đẹp như những tác phẩm trước đó của anh, nhưng thành quả của bộ phim lại rất đáng ghi nhận. Khung cảnh thanh bình trong căn nhà của cha con Lương Mạnh Hải là một hình ảnh đẹp bởi sự dung dị và chân thật, được coi là thành công của nhà quay phim trẻ này.
Hay bài hát Khi con là nhà của Khắc Việt cũng khiến khán giả ngẩn ngơ và tâm trạng, nhất là trong trường đoạn hai cha con mải miết đi tìm nhau. Âm nhạc là chất xúc tác khiến khán giả nôn nao và đồng cảm hơn.
Khi con là nhà là một bộ phim về đề tài gia đình rất giản dị nhưng tuyệt đẹp. Những nỗ lực của đoàn làm phim được trả giá xứng đáng bởi những tràng vỗ tay liên tục không dứt từ phía khán giả không chỉ một lần.
Họ đã ghi nhận, những điểm yếu về kịch bản, lời thoại, diễn xuất vốn có trong phim Việt và trong Khi con là nhà được giảm xuống đến mức thấp nhất. Và bộ phim được những khán giả đầu tiên ưu ái khi cho rằng, nó chính là cái kết đẹp của phim Việt trong năm 2017.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng giúp La Quốc Hùng, Tú Vi 'thay da đổi thịt' trong 'Khi con là nhà'