Khi con nhà siêu giàu châu Á lo giữ tiền

Xu hướng thành lập các quỹ đầu tư từ tài sản gia đình, các quỹ gia đình, nhằm bảo vệ và phát triển tài sản của những gia tộc giàu có.
Khi con nhà siêu giàu châu Á lo giữ tiền - Ảnh 1.

Xu hướng thành lập các quỹ đầu tư từ tài sản gia đình, các quỹ gia đình, nhằm bảo vệ và phát triển tài sản của những gia tộc giàu có. (Ảnh: Minh họa - Nikkei).

Theo ông Sim S Lim, người đứng đầu mảng ngân hàng tiêu dùng/quản lí tài sản của DBS Bank, Chủ tịch Chứng khoán DBS Vickers Securities Holdings ở Singapore, khoảng 70% các gia đình siêu giàu đã mất đi sự giàu có vào thế hệ thứ 2, và 90% vào thế hệ thứ 3. Con số này làm liên tưởng đến một thống kê khác, chỉ ra 70% số startup thất bại trong 2 năm đầu, còn trong 5 năm đầu là 90%. 

Theo đó, giới nhà giàu châu Á đang có xu hướng cho thế hệ sau của mình theo đuổi một sự nghiệp khác, mà không còn như thông lệ kế thừa cơ ngơi. Đó là thành lập các quỹ đầu tư từ tài sản gia đình, văn phòng quản lí tài sản gia đình - Family Office (FO), nhằm kế thừa và bảo vệ tài sản của gia tộc.

Nhà giàu lo giữ tiền, văn phòng quản lí tài sản gia đình bùng nổ tại châu Á

20 gia đình giàu nhất châu Á hiện nắm khối tài sản ước tính hơn 450 tỉ USD. Tuy nhiên, trái ngược với các gia đình giàu có lâu đời ở Mỹ hoặc châu Âu, hầu hết các triều đại kinh doanh châu Á chỉ tồn tại tới thế hệ thứ 2 hoặc thứ 3. 

Báo cáo gần đây của UBS (Thụy Sĩ) cho biết tới 85% tỉ phú châu Á là thuộc “Thế hệ thứ nhất” - thế hệ sáng lập ra cơ ngơi tài sản khổng lồ. Do đó, đây là thời điểm nhạy cảm nhất, khi 85% chủ doanh nghiệp thế hệ này qua đời hoặc từ bỏ quyền kiểm soát công ty và quá trình chuyển giao hoặc kế thừa bắt đầu. 

Đây cũng là động lực cho xu hướng hình thành các công ty được gọi là FO, để quản lí tài sản cho một gia đình siêu giàu (từ 100 triệu USD trở lên). Các FO thường đầu tư vào các kênh như công ty tư nhân, bất động sản, chứng khoán, vàng, startup để giữ tài sản. Một số FO được thuê người ngoài để điều hành nhưng một số FO thì do chính thành viên con cháu trong gia đình điều hành, đầu tư.

Vậy các công ty FO này có thể xem như đại diện cho xu hướng chuyển sang đi đầu tư của thế hệ trẻ hay không?

Nghiên cứu của Jersey Finance năm 2019 về các công ty FO châu Á, chỉ ra có đến 61% số FO tại khu vực được lập bởi thế hệ sau - thế hệ con cháu của các gia đình siêu giàu, chứ không phải thế hệ thứ nhất. 

Các chuyên gia của Công ty Tư vấn Jersey Finance giải thích vì thế hệ đầu siêu giàu ở châu Á, sau khi trải qua những năm tháng làm việc cần cù và gian khổ, đã xây dựng được đế chế to lớn của mình. 

Có lẽ vì vậy, họ có xu hướng rất truyền thống, khá miễn cưỡng, ít nhạy cảm với hướng đi mới. Mặt khác, các thế hệ sau lại có xu hướng tiếp xúc nhiều hơn với công nghệ, sự phát triển thị trường, sự thay đổi của thế giới và đây chính là động lực thúc đẩy các thế hệ sau này thành lập các FO, kế thừa khối tài sản của gia đình.

Khi con nhà siêu giàu châu Á lo giữ tiền - Ảnh 2.

Theo Hiệp hội Family Office Group, ngày càng có nhiều FO được hình thành ở châu Á, đặc biệt là ở Hong Kong và Singapore. Trong số này có nhiều FO đến từ các quốc gia khác, nhưng lại đặt trụ sở ở 2 điểm đến này. Riêng Singapore, số lượng văn phòng gia đình tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2016-2018. 

Jersey Finance cũng chỉ ra 3 tiêu chí được giới siêu giàu cân nhắc khi lựa chọn nơi thành lập FO là: 1) Môi trường chính trị và pháp lí ổn định; 2) Vị trí gần; 3) Các công cụ tiện lợi để hỗ trợ về thuế, pháp lí và dịch vụ ủy thác. 

Hong K9ng đứng thứ 2 khi là nơi đóng đô của 22% các FO châu Á, nhưng do những bất ổn tại đây vừa qua, có lẽ trong tương lai vị thế của xứ cảng sẽ giảm đi ít nhiều. Đứng đầu là Singapore với 63% số FO toàn châu Á. Đảo quốc sư tử thu hút giới siêu giàu với các chính sách ưu đãi về thuế, thậm chí còn miễn thuế thu nhập từ các khoản đầu tư trong danh mục được chỉ định, điều mà Hồng Kông không có.

Điều này phần nào lí giải vì sao Singapore thu hút luồng nhập cư mạnh giới siêu giàu châu Á trong vài năm nay. 

Việt Nam cũng có môi trường chính trị ổn định, nếu cũng áp dụng một phần ưu đãi thu hút giới siêu giàu này thì có lẽ sẽ rất tốt khi trở thành một nơi ở của giới siêu giàu châu Á. Thực tế, Việt Nam đang nổi lên là một khu vực có nhiều người giàu tự thân, nhờ sự tăng trưởng của các ngành bán lẻ, công nghệ, bất động sản và tài chính. 

Theo báo cáo The Wealth Report 2019, Việt Nam có 12.327 triệu phú đô-la vào năm 2018, tăng 23% so với cách đây 5 năm. Dự báo đến năm 2023, con số này sẽ tăng lên tới 15.776 người. Tốc độ tăng trưởng số lượng triệu phú của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2023 chỉ xếp sau Trung Quốc, Philippines và Ấn Độ. 

Đáng chú ý, năm 2019 Việt Nam lần đầu tiên có 5 tỉ phú đô-la. Bên cạnh Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo và Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh lần đầu góp mặt trong danh sách tỉ phú thế giới.

Khi con nhà siêu giàu châu Á lo giữ tiền - Ảnh 3.

Kéo theo số lượng người giàu tăng trưởng mạnh, dịch vụ quản lí tài sản (Wealth Management) cũng phát triển khá mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây. Đồng thời, giới nhà giàu tại Việt Nam cũng có xu hướng thành lập các quỹ đầu tư tài sản gia đình, các FO, nhằm kế thừa và bảo vệ tài sản của gia tộc. 

Các FO không còn chỉ thuộc về một gia tộc nào đó, mà còn là những nhà quản lí tiền, những nhà đầu tư tư nhân, nhà quản lí quỹ đầu tư và những doanh nhân giàu có. Các FO này có xu hướng tìm kiếm các khoản đầu tư mới và trở thành đối trọng của các startup đang nổi lên.

Chẳng hạn, gần đây, ông Đặng Hồng Anh, kế nghiệp của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, ngồi ghế nóng Shark Tank với vai trò nhà đầu tư tìm kiếm và đầu tư vào những startup trẻ. 

Hay Lê Đăng Khoa, con trai ông chủ Công ty Ba Lá Xanh, cũng trở thành Shark và có tiếng trong giới đầu tư vào các startup. Nguyễn Duy, cháu của người sáng lập hãng Sơn Kova, cũng trở thành COO (Giám đốc Vận hành) của Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp SVF (Startup Vietnam Foundation)...

Có vẻ như đây cũng là một loại hình công việc, vai trò phù hợp cho các thế hệ kế thừa tại nhiều gia đình giàu có tại Việt Nam. Vì vậy, tại nhiều sự kiện của Saigon Innovation Hub, không ít lời đề nghị góp vốn cho các startup từ người nhà các tỉ phú tại Việt Nam... 

Điều này cũng phù hợp với nhận định của Giám đốc Điều hành Bank of Singapore, ông Sonjoy Phukan: “Nếu bạn nhìn vào thế hệ những đứa trẻ sinh năm 2000 cũng như thế hệ Z, cách họ nghĩ, môi trường họ lớn lên khác rất nhiều so với chúng ta trước đây”. Nhiều người trong số họ quan tâm đến những đề tài mà vốn được coi không hề quan trọng thậm chí chỉ cách đây 1 thập niên, từ trí tuệ nhân tạo cho đến xây dựng thương hiệu cá nhân.

Nguồn vốn quan trọng 

Những công ty quản lí tài sản gia đình lớn nhất châu Âu như của tỉ phú George Soros đang kiểm soát 10 tỉ USD - ngang ngửa những công ty ở Phố Wall, có thể cạnh tranh với nhiều ngân hàng và quỹ tư nhân để mua toàn bộ một vài công ty. 

Dữ liệu từ Preqin cho thấy các FO dần trở thành một nguồn tiền đầu tư vô cùng quan trọng tại châu Á. Các quỹ hưu trí là nguồn cung cấp tiền mặt lớn nhất cho các quỹ vốn tư nhân thành lập trong giai đoạn 2012-2014, chiếm tới 28% tổng lượng tiền bơm vào. Họ cũng là nhà cung cấp vốn hàng đầu trong giai đoạn 2015-2017, nhưng tỉ lệ đã giảm xuống chỉ còn 20%. Trái lại, số vốn từ các FO lại tăng gấp 3 lên 15%.

Khi con nhà siêu giàu châu Á lo giữ tiền - Ảnh 4.

Báo cáo năm 2019 do UBS và Campden Research cho thấy, trong năm tới, 46% gia đình siêu giàu thế giới có kế hoạch đổ nhiều tiền hơn vào đầu tư vốn cổ phần tư nhân trực tiếp. Với 42% dành nhiều hơn cho các quỹ đầu tư tư nhân và 34% chuyển thêm vào bất động sản. 

Bà Weiling Chua, CEO của Quỹ đầu tư One Hill Capital trụ sở tại Singapore, một FO trực thuộc Tập đoàn Ho Bee, cho rằng ngày càng nhiều gia đình ở Singapore, đặc biệt là thế hệ thứ 2, chuyển sang mô hình FO. Mô hình này không chỉ để đảm bảo quy trình đầu tư đúng đắn và có trách nhiệm, mà còn giúp họ về các khía cạnh khác như làm từ thiện.

Một báo cáo nghiên cứu gần đây về FO châu Á do Ngân hàng DBS và Công ty Ernst & Young (EY) thực hiện, chỉ ra 5 mục đích khi thành lập FO, là: 1) Quản lí và duy trì cơ ngơi kinh doanh cốt lõi của gia tộc; 2) Đầu tư tài sản của gia đình bằng một hệ thống, bộ máy đầu tư chuyên nghiệp; 3) Hình thành cơ chế quản trị trong gia tộc; 4) Có kế hoạch kế thừa gia sản rõ ràng giữa các thế hệ; 5) Rèn luyện cho các thế hệ tiếp theo để kế nghiệp quản trị gia sản thông qua học tập, rèn luyện ở các môi trường mà FO tham gia đầu tư.

Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm blue-chip trên thị trường chứng khoán, như Vingroup, Vietjet, Thành Thành Công, Kido... Tuy nhiên, theo ông David Tay, Giám đốc Phát triển kinh doanh, PwC Malaysia và Việt Nam, chỉ 30% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ 2, chỉ 12% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ 3 và chỉ 3% doanh nghiệp chuyển giao thành công ở thế hệ thứ 4.

Khi con nhà siêu giàu châu Á lo giữ tiền - Ảnh 5.

Hãy quay trở lại việc làm sao mô hình FO bảo vệ được tài sản của gia tộc giàu có. Có nhiều câu nói triết lí được truyền miệng, như “Người nghèo gửi tiền còn người giàu đi vay”, “Doanh nghiệp mà không vay thì không phải là doanh nghiệp”, “Người giàu nào cũng vay tiền”... 

Quả thực những bài học này đúng với giới siêu giàu, khi họ đã tích trữ được một khối tài sản ròng khá lớn thì mục tiêu tiếp theo là giữ tài sản và phát triển bền vững (DBS và EY chỉ ra các FO đặt mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp mà họ đầu tư là 6-10%/năm). Khi các FO đầu tư vào doanh nghiệp thì doanh nghiệp là đối tượng đi vay, còn bản thân FO không chịu áp lực vay. 

Do đó, với việc quản lí rủi ro các khoản đầu tư một cách chuyên nghiệp, các gia tộc siêu giàu có thể tránh được sự siết chặt tín dụng/khủng hoảng tài chính trong những chu kì kinh tế, giúp họ giàu hơn qua các đợt khủng hoảng.

Gia tộc siêu giàu Rothschild của châu Âu là một ví dụ. 

Gia tộc này có nguồn gốc Do Thái, sinh sống tại Frankfurt (Đức), khởi thủy của đế chế kinh doanh từ ông Mayer Amschel Rothschild vào thế kỷ XVIII. Ông Mayer được cho là đã gửi các con của mình đến nhiều nước và nắm giữ cổ phần của hàng loạt công ty, ngân hàng lớn trên thế giới. 

Qua suốt các chu kỳ kinh tế, tài sản gia tộc này tăng thêm chứ không hề giảm. Tờ Financial Times từng nhận định: “Cấu trúc quyền sở hữu không rõ ràng làm cho việc ước lượng độ giàu có của gia tộc này trở nên khó khăn, dù họ là một trong những gia đình giàu nhất trên thế giới”.

Với hiện trạng 85% tỉ phú châu Á là thuộc thế hệ thứ nhất, có lẽ đã sắp đến thời điểm có một sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu của các đế chế kinh doanh này khi thế hệ sáng lập doanh nghiệp chính thức lùi vào hậu trường và nhường lại cho lớp trẻ.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.