Tăng phí và quản lý lòng, hè đường là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau - Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam khẳng định. Ảnh minh họa, nguồn: Otofun. |
Một trong những căn cứ để Hà Nội tăng vé giữ xe lên gấp ít nhất 50% là “đa số nhân dân ủng hộ” - phát ngôn của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện. Nhưng như thế, lại nhất thiết phải đặt ra câu hỏi: Dân ấy là dân nào?
Các mức tăng cụ thể như sau: Xe máy sẽ tăng lên mức 3.000 - 5.000 đồng/xe/lượt, ôtô tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/xe/lượt. Tại một số khu vực, mức giá trông xe tháng sẽ tăng từ 1,7 triệu đồng lên 2,6 triệu đồng/ôtô/tháng.
Có thể, giá trị tuyệt đối “một vài ngàn” trong bối cảnh “ba ngàn một cốc trà đá” là không lớn, nhưng tỷ lệ % tăng lên, với ít nhất 50%, lại cực lớn. Việc tăng giá trông giữ xe còn tệ ở chỗ không thể xác định được người hưởng lợi từ các quyết định tăng giá này.
Lưu ý, trong thảo luận nghị trường, ĐB HĐND Hoàng Huy Được đặt một câu hỏi khó: “Không rõ mức phí thuê vỉa hè, giá trông giữ phương tiện tại các vị trí chiếm dụng và điểm trông xe có phí tăng cao như vậy ai sẽ là người hưởng lợi?”.
Còn chính Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam thì khẳng định ngay, rằng: Tăng phí và quản lý lòng, hè đường là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, không thể lấy tăng phí để giảm quản lý và ngược lại.
Và, thật kỳ lạ, ông Nam cũng lại đặt câu hỏi: “Vậy ai sẽ thụ hưởng các mức phí này”.
Xét ra, trừ “nhân dân trông giữ xe”, nhân dân chẳng thấy lợi ở đâu trong cái chủ trương tăng giá kia.
Trở lại với việc “đa số nhân dân ủng hộ”, Hà Nội cũng từng bị chính nhân dân phản đối khi công bố “lấy ý kiến nhân dân” cho ra một kết quả như đùa: 90% người Hà Nội đồng ý cấm xe máy.
Giữa con số 90% người dân đồng ý cấm và đa số ủng hộ tăng giá giữ xe dường như có một điểm chung: Ấy là ý kiến nhân dân trùng hợp, nếu như không nói là phục vụ cho mục đích quản lý. Trong khi đa số dư luận, sau khi hay tin, đều đặt ra câu hỏi: Dân đồng ý nhưng là dân nào? Bởi bản chất những sự đồng thuận, ủng hộ ấy hoàn toàn khác với ý nghĩ, với mong muốn của chính họ.
Có ai lại muốn giá tăng, trong khi không rõ vì sao, để làm gì và vì ai trong đó?!
Khảo sát, lấy ý kiến nhân dân là việc đáng trân trọng, nhưng nếu ngay chính người dân cũng hoài nghi về “ý kiến nhân dân” thì khó để nói những quyết định, những công bố kia là được lòng dân.