Khi luật sư phải tố giác thân chủ

Khi tội phạm được phát hiện từ sự tố giác thân chủ của luật sư, nhân dân hoàn toàn có lý do để buồn bởi vai trò của bộ máy hành pháp đã không phát huy hiệu quả tối đa.

Vụ xả súng tại thành phố San Bernardino (bang California, Mỹ) khiến 14 người chết và ít nhất 21 người bị thương hồi tháng 12/2016 do kẻ khủng bố Syed Rizwan Farook gây ra có lẽ cũng sẽ trôi đi theo thời gian như nhiều vụ khác nếu không liên quan đến chiếc iPhone 5C.

Sau khi vụ khủng bố xảy ra, việc Apple từ chối mở khóa chiếc iPhone đã bị mã hóa của phần tử này đã gây ra một cuộc tranh cãi giữa FBI và Apple.

khi luat su phai to giac than chu
Cuộc tranh cãi giữa FBI và Apple chỉ chấm dứt khi FBI cho biết đã mở khóa được chiếc iPhone 5C của tên khủng bố mà không cần sự trợ giúp của công ty này

Apple cho rằng nếu thực hiện theo yêu cầu của chính phủ để tạo nên một cửa hậu trên sản phẩm của hãng không chỉ là hành động trái pháp luật, mà còn khiến cho đại đa số người dùng của Apple, là những công dân tốt và tuân thủ pháp luật, gặp phải nguy hiểm khi bảo vệ những dữ liệu cá nhân và quan trọng của họ khi lưu trữ trên iPhone.

Điều này rõ ràng không đồng nghĩa với việc họ đi bảo vệ cho kẻ khủng bố (dù chính kẻ khủng bố là người sử dụng sản phẩm của Apple và cũng có thể là người đã bỏ tiền ra mua sản phẩm này).

Còn các cơ quan chức năng, chính trị gia tại Mỹ thì cực lực lên án hành động này của Apple. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang Arkansas, Tom Cotton, đã nói Apple xem nặng “vấn đề riêng tư của một tên khủng bố hơn cả sự an toàn của người dân nước Mỹ”.

Thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó với tư cách là ứng cử viên tranh cử vị trí đứng đầu Nhà Trắng cũng đã kêu gọi tẩy chay mọi sản phẩm của Apple như một cách để phản đối việc Apple không giúp chính phủ Mỹ bẻ khóa chiếc iPhone của khủng bố.

Sự việc chỉ kết thúc hồi tháng 3 năm nay khi FBI cho biết đã mở khóa được chiếc iPhone này mà không cần sự trợ giúp của Apple. Theo tiết lộ của Giám đốc FBI khi đó là James Comey, để mở khoá chiếc iPhone của kẻ khủng bố, FBI đã phải bỏ ra số tiền 1.314.000USD - một con số không hề nhỏ.

Như vậy dù bị chỉ trích nhưng Apple đã không tạo ra một tiền lệ mà nó có thể ảnh hưởng xấu đến trăm triệu khách hàng của mình - những người đã bỏ tiền ra để mua sản phẩm iPhone.

Rõ ràng với Apple, việc phá án là của FBI, còn trách nhiệm hỗ trợ phá án mà mọi thành viên trong trong xã hội, Apple cũng thực hiện.

Tuy nhiên công ty này đã không đi ngược lại lợi ích của những "thượng đế" - những người trả tiền để mua các sản phẩm mới nhất của Apple không chỉ với mong muốn có phần cứng tốt mà khả năng bảo mật ngày càng được nâng cao.

Và với việc FBI vẫn có thể mở khóa chiếc iPhone 5C của tên khủng bố và việc những sản phẩm của Apple đứng ngoài cuộc càn quét của mã độc tống tiền Wanna.Cry (WannaCrypt hay Wcry) trên phạm vi toàn cầu (75.000 trường hợp ở 99 quốc gia), cho đến thời điểm này, quan điểm của Apple là đúng.

Xét trên cách hành xử của người được trả tiền với người trả tiền, tại Quốc hội Việt Nam, một vấn đề cũng đang được thu hút được sự quan tâm của dư luận chính là trách nhiệm tố giác thân chủ trong trường hợp thân chủ đã thực hiện là tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác.

Cho đến thời điểm này, quy định này vẫn chỉ nằm trên giấy nhưng nó đã khiến cả trong và ngoài Nghị trường "nóng" hơn.

khi luat su phai to giac than chu
Vấn đề luật sư có nên tố giác thân chủ trong những trường hợp tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác làm "nóng" Nghị trường và Hội nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Đình Nam)

Với nhiều quan điểm đối với an ninh quốc gia, bất kỳ người dân nào cũng phải bảo vệ, không ít vị ĐBQH cho rằng: Nếu an ninh quốc gia bị lung lay, xâm phạm, đe dọa thì không một nghề nghiệp nào có thể ổn định để mà yên tâm, chứ chưa nói đến nghề bào chữa của luật sư.

Tuy nhiên, quan điểm này lại vấp phải sự phản đối của không ít các luật sư cả ở trong Quốc hội lẫn bên ngoài Quốc hội bởi nếu chấp nhận, họ sẽ phải phản bội lại thân chủ của mình, ít nhất ở góc độ niềm tin.

Có lẽ câu chuyện này cũng không khác nhiều so câu chuyện của Apple và FBI.

Bảo vệ an ninh quốc gia là nghĩa vụ của mọi người dân nhưng cũng cần hiểu rõ việc luật sư không tố giác thân chủ của mình, không có nghĩa là họ đặt lợi ích của thân chủ lên trên lợi ích của quốc gia.

Trong các vụ án, có hai giai đoạn tương đối rõ ràng: Trước khi hành động phạm tội xảy ra và sau khi hành động phạm tội xảy ra. Tại Việt Nam, luật sư chủ yếu tham gia vào quá trình tố tụng, tức là khi hành động phạm tội đã hình thành và tội phạm đã được khống chế.

Tuy nhiên, hãy thử tưởng tượng, một tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nào đó được phát hiện từ sự tố giác của chính luật sư của tội phạm, điều gì sẽ xảy ra?

Đó là sự mất lòng tin của chính những người phạm tội vào vị luật sư của mình - những người nhận tiền trực tiếp hoặc gián tiếp từ phía người phạm tội để bảo vệ quyền và lợi ích được pháp luật công nhận (chứ không phải bảo vệ cho hành động phạm tội) của thân chủ trong suốt quá trình tố tụng.

Liệu còn ai sẵn sàng chi tiền ra để mời một vị luật sư nếu vị này thay vì bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ lại đi tố giác thân chủ của mình?

Tuy nhiên, sự mất lòng tin đó sẽ chưa là gì đối với sự giảm lòng tin của những người dân đã nộp thuế để "nuôi" cả một bộ máy với chức năng bảo vệ nền tư pháp.

Trong trường hợp, một tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia được phát hiện từ sự tố giác của chính luật sư của tội phạm đó, nhân dân hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi về năng lực hành pháp.

Với những hậu quả nặng nề, chắc chắn mọi người đều mong muốn ngặn chặn tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia trước khi xảy ra. Tỷ lệ ngăn chặn thành công càng cao thì càng tốt.

Nhưng để làm được việc đó, liệu có cần thiết phải đưa vào luật một quy định đầy tính ngặt nghèo như thế thay vì phát huy hiệu quả từ những bộ luật đã có sẵn như Luật Công an Nhân dân, Luật Quốc phòng,...?

Câu hỏi này xin được dành cho các nhà làm luật, các ĐBQH đang trăn trở để hoàn thiện Bộ Luật Hình sự 2015.

khi luat su phai to giac than chu Chai Trà xanh Không độ của đại sứ Phạm Sanh Châu

Lần đầu tiên, một người Việt Nam được đề cử làm ứng viên Tổng Giám đốc UNESCO. Đại sứ Phạm Sanh Châu, ứng viên “lịch ...

chọn
Nhiều doanh nghiệp bất động sản vốn nhà nước đồng loạt báo lãi
Nửa đầu 2024, nhiều doanh nghiệp bất động sản có vốn nhà nước lần lượt báo lãi sau thuế. Một số trường hợp ghi nhận doanh thu trên nghìn tỷ như Sonadezi, Viglacera, Tổng công ty HUD, Hancorp hay Tổng công ty 319...