Vừa qua, trong quá trình góp ý sửa đổi, bổ sung BLHS 2015, một số ý kiến đề nghị không quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm (của thân chủ - NV) đối với tội đặc biệt nghiêm trọng (trừ một số tội xâm phạm an ninh quốc gia) để bảo đảm phù hợp với hoạt động hành nghề của luật sư (LS).
Giữ nguyên quy định của BLHS 2015?
Trong báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy rằng Điều 22 BLHS hiện hành quy định người bào chữa phải chịu TNHS trong trường hợp không tố giác tội phạm (của thân chủ - NV) đối với các loại tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.
Trong khi đó, khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 đã thu hẹp đáng kể phạm vi chịu TNHS của người bào chữa, bảo đảm phù hợp với đặc thù của hoạt động bào chữa. Theo đó, họ chỉ phải chịu TNHS về hành vi không tố giác tội phạm (của thân chủ - NV) đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.
Theo Thường trực Ủy ban Tư pháp, ngay cả những người ruột thịt của người phạm tội như ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội cũng phải chịu TNHS về hành vi không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.
Mặt khác, về căn cứ pháp luật, Điều 9 Luật LS hiện hành quy định nghiêm cấm LS thực hiện hành vi “tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”. Điều 73 BLTTHS 2015 cũng quy định LS có nghĩa vụ “tôn trọng sự thật”.
Do đó, để bảo đảm mọi công dân đều phải có nghĩa vụ tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng việc giữ như quy định của BLHS 2015 là phù hợp.
Chỉ nên quy định trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội xâm phạm an ninh quốc gia? Ảnh minh họa: T.TÙNG
Không thân chủ nào dám kể?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) nhận xét quy định của BLHS 2015 và đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về TNHS của người bào chữa khi không tố giác tội phạm như trên là cần thiết.
Theo LS Quân, trước hết, người bào chữa (chủ yếu là LS) phải thực hiện nghĩa vụ của một công dân, có nghĩa vụ trong hoạt động phòng, chống tội phạm. Hơn nữa, LS còn có chức năng góp phần bảo vệ công lý. Công lý không chỉ là gỡ tội cho thân chủ mà còn giúp cho pháp luật được thi hành đúng đắn, nghiêm minh, công bằng và bình đẳng.
Về mặt pháp luật, điểm c khoản 1 Điều 9 Luật LS hiện hành quy định nghiêm cấm LS “tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, do đã có “quy định khác của pháp luật” (BLHS 2015) nên việc LS tố giác người mà mình bào chữa về những tội theo quy định không hề trái với quy định của Luật LS.
Tuy nhiên, LS Quân cho rằng chỉ nên truy cứu TNHS của LS trong trường hợp biết mà không tố giác thân chủ về hành vi phạm tội, tội danh khác ngoài hành vi phạm tội, tội danh mà LS đang bảo vệ.
Trong khi đó, LS Trần Văn Đạt (Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) lại ủng hộ quan điểm không quy định TNHS của người bào chữa về hành vi không tố giác tội đặc biệt nghiêm trọng của thân chủ (trừ một số tội xâm phạm an ninh quốc gia).
Theo LS Đạt, nếu giữ nguyên quy định tại khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 thì thân chủ sẽ không bao giờ cho LS biết về hành vi phạm tội của mình. Nếu LS được quyền giữ bí mật của họ thì họ có thể khai ra và tùy tình huống mà LS sẽ tư vấn cho họ tự thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật. Như vậy, mục đích phòng, chống tội phạm sẽ đạt hiệu quả cao hơn so với việc truy cứu TNHS của LS.
“Nhiều nước trên thế giới cũng không truy cứu TNHS của LS trong trường hợp không tố giác tội phạm. Đây là kinh nghiệm đúc kết từ phòng, chống tội phạm của các nước này và tôi nghĩ đó là điều hợp lý mà chúng ta cần học hỏi” - LS Đạt nhấn mạnh.
Vẫn hai luồng quan điểm
Theo LS Hoàng Kim Vinh (Đoàn LS tỉnh Bình Phước), người bào chữa mà không tố giác tội xâm phạm an ninh quốc gia thì rõ ràng là có vấn đề đối với an ninh quốc gia. Trường hợp này ảnh hưởng rất nghiêm trọng nên cần thiết phải truy cứu TNHS. Còn đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng khác, ông ủng hộ đề xuất loại trừ TNHS của người bào chữa. Còn LS Chu Văn Hưng (Đoàn LS TP.HCM) lại cho rằng việc buộc người bào chữa phải chịu TNHS về hành vi không tố giác tội phạm của thân chủ đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác như Điều 19 BLHS 2015 quy định là phù hợp. “Việc không tố giác tội xâm phạm an ninh quốc gia phải chịu TNHS là không cần bàn cãi. Đối với việc truy cứu TNHS người bào chữa trong trường hợp không tố giác tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 BLHS 2015 cũng là phù hợp và cần thiết. Vì tại Điều 18 BLHS 2015, ngay đến ông, bà, cha, mẹ, con cháu, anh chị em ruột cũng phải chịu TNHS trong trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 BLHS 2015. Vì vậy, không lý do gì mà LS được loại trừ TNHS cả. LS cũng là công dân, là người hiểu biết pháp luật, lại được loại trừ TNHS thì hoàn toàn không ổn” - LS Hưng nói. |