Con trai tôi 10 tuổi, từ nhỏ đến giờ có lẽ vì chứng viêm mũi dị ứng mà bé cứ bị bệnh đường hô hấp hoài, nhiều lần bị chẩn đoán viêm họng, sưng amidan, viêm VA… Vừa qua, bác sĩ khuyên tôi nên đưa cháu đi cắt amidan nhưng tôi còn phân vân, vì nghe đâu amidan cũng có vai trò tốt trong hệ miễn dịch của bé ? Không cắt thì cũng lo, vì bé phải uống kháng sinh trị bệnh hoài. Tôi nên làm sao? (Trần Thị Nữ, 40 tuổi, Đồng Nai)
Cháu nhà tôi được 18 tháng, bị viêm VA quá phát, biến chứng viêm tai giữa. Tôi có nghĩ đến việc nạo VA cho cháu nhưng bác sĩ khám cho cháu thì khuyên nên để đến 3 tuổi rồi hãy nạo. Thế nhưng, thấy cháu sốt đi sốt lại, uống nhiều thuốc tôi thương quá… Tôi có nên đem cháu đến nơi khác hay nói thêm với bác sĩ để yêu cầu nạo sớm không ?
(Phạm Chung Dũng, chungd…@gmail.com)
(Ảnh minh họa: Báo mới) |
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM):
Trước hết tôi giải thích về amidan và VA: Bạn hãy tưởng tượng hệ miễn dịch của chúng ta có nhiều chiến binh (bạch cầu) thường trú ở trung tâm huấn luyện là lá lách. Khi có nhiễm trùng xảy ra, các chiến binh này sẽ đi tiêu diệt các kẻ xâm nhập – vi khuẩn, virus gây bệnh. Để việc chiến đấu được thuận tiện, các chiến binh của hệ miễn dịch sẽ tạo nên các hạch – vốn là những nơi đồn trú tạm, gần với nơi vi khuẩn, virus đang tấn công.
Đó là lý do nếu một người bị thương, nhiễm trùng ở đùi chẳng hạn, sẽ thấy vùng bẹn nổi hạch. Tương tự, để tiện chống lại các vi khuẩn, virus xâm nhập vào đường hô hấp, hệ miễn dịch sẽ tạo ra các hạch ở khu vực miệng – họng. Đó là hai hạch bạch huyết lớn ở họng (amidan) và các hạch nhỏ ở vùng vòm họng (VA).
Đúng như bạn đọc thứ nhất nghĩ amidan và VA có vai trò nhất định trong hệ miễn dịch. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chứng minh được rõ ràng rằng việc cắt amidan, nạo VA làm khả năng miễn dịch suy giảm. Nhưng nhìn chung, điều trị bảo tồn vẫn là ưu tiên. Thông thường, các bé sẽ được cho uống thuốc để giảm tình trạng sưng, viêm.
Cắt amidan, nạo VA chỉ được bác sĩ chỉ định những khi phát sinh các vấn đề mà thuốc không còn giải quyết nổi, ví dụ như các hạch này sưng to nhiều lần, gây cản trở việc hô hấp, việc ăn hoặc bú sữa (bú khó, bú kém), gây các biến chứng (viêm tai giữa, viêm phổi)…
Chỉ định này luôn được cân nhắc ở mức tối đa. Ngoài ra, để tiến hành thủ thuật còn cần cân nhắc nhiều yếu tố (tuổi, cân nặng, tình trạng sức khỏe của bé, các bệnh lý đang mắc, các yếu tố bất lợi cho việc nạo, cắt hạch…). Vì vậy, khi nào cắt amidan, nạo VA, tốt nhất hãy để bác sĩ đang trực tiếp khám và điều trị cho con các bạn quyết định.
Sau khi cắt amidan, nạo VA, đương nhiên các vấn đề phát sinh do sưng hạch (bú kém, ăn uống khó, khó thở, viêm tai, viêm phổi…) cũng sẽ hết theo.