Các loại xe nhập khẩu từ ASEAN không dễ có đợt giảm giá mạnh đột ngột vào năm 2018. |
Chính sách liên quan đến lĩnh vực ô tô tại Việt Nam luôn là điều quan tâm của giới chuyên môn và cả người tiêu dùng. Điều này thể hiện qua những lần điều chỉnh giá bán, chiến lược kinh doanh và các chương trình khuyến mãi hay đưa về sản phẩm mới.
Những suy luận trên phần nào cũng dựa vào những lộ trình thuế quan trong các ký kết về kinh tế nói chung mà Việt Nam ký với các nước, các khu vực. Như biểu thuế với ASEAN, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ khối ASEAN sẽ giảm về 0% trong năm 2018, bao gồm cả ô tô.
Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường chứng kiến rất nhiều đợt khuyến mãi, giảm giá đối với hàng loạt dòng sản phẩm của hầu hết các thương hiệu có mặt tại Việt Nam, bất chấp giá trên thế giới có biến động hay không.
Thị trường ô tô chứng kiến rất nhiều những chương trình giảm giá, khuyến mãi của các hãng xe. Trong đó, ít thì những chương trình tặng gói dịch vụ, phụ kiện, nhiều thì giảm giá hàng trăm triệu đồng cho mỗi chiếc xe.
Có thể thấy, các hãng xe, các nhà lắp ráp và nhập khẩu như Trường Hải, Toyota, Honda, Ford, Hyundai, Nissan, Mitsubishi và kể cả các thương hiệu ôtô nhập khẩu như Volkswagen, Volvo, Peugeot… đều đã có những chương trình giảm giá trong nhiều tháng qua.
Cơn lốc khuyến mãi không chỉ đến từ các hãng xe lắp ráp trong nước mà còn kéo theo các thương hiệu xe nhập khẩu. Tiếp đó, ngay khi các hãng xe phổ biến trên thị trường tung các chương trình giảm giá trước áp lực thị trường thì những thương hiệu xe có mức độ tiêu thụ chưa được phổ biến cũng phải “xắn tay áo” để cạnh tranh.
Trên thực tế, hiện tại, các thương hiệu xe sang nhập khẩu gần như đều được sản xuất và nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản, châu Âu hoặc Mỹ, do đó sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%. Mức thuế nhập khẩu áp dụng cho các dòng xe này có thể được xem là tương đối ổn định trong vòng 5 năm tới, không có nhiều thay đổi. Do vậy, giá xe sẽ không giảm nhiều hoặc chí ít là không biến động theo suy nghĩ và đồn đoán kiểu như “giảm giá theo thuế”.
Như vậy, việc đã làm (khuyến mãi, giảm giá) thì các hãng đã làm nên chuyện giảm giá sâu hơn là điều gần như khó xảy ra trong thời gian tới vì những dòng xe chẳng mấy liên quan gì đến ASEAN ở góc độ chính sách thuế nhập khẩu.
Từ đầu năm đến nay, các đợt khuyến mãi đã diễn ra rất mạnh và sâu. Trong đó, có những đợt khuyến mãi trên thực tế có thể hiểu như “giải phóng hàng tồn”.
Đơn cử như một dòng SUV của một thương hiệu đến từ Nhật Bản được lắp ráp và phân phối bởi một tập đoàn lớn thì dòng xe này cơ bản là mode 2016 và hiện model 2017 của nó đã được ra mắt tại nước ngoài cách đây vài tháng. Nếu không “giải phóng hàng tồn” thì chuyện nhập về dòng 2017 để bán với mặt bằng giá tại Việt Nam là điều rất khó.
Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu điều này và vì thế mà nhiều người tin rằng, những cú giảm giá hàng trăm triệu đồng như vậy là mở màn cho những đợt giảm giá như “sóng thần” về sau.
Isuzu Mux nhập khẩu từ Thái Lan. |
Liên quan tới biểu thuế ASEAN theo lộ trình từ năm 2018, thuế suất 0% đối với ô tô sản xuất hoàn toàn ở nước ngoài (CBU) nhập khẩu từ các nước nội khối ASEAN kể từ ngày 1/1/2018 là một quy định rõ ràng.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ không phải cứ xe sản xuất tại khu vực ASEAN, cụ thể là Thái Lan và Indonesia là sẽ được hưởng mức thuế suất đó. Theo quy định tại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), để được hưởng thuế suất 0%, các mẫu xe bắt buộc phải đạt tỉ lệ nội địa hóa trong khối ASEAN từ 40%. Tuy nhiên, không nhiều mẫu xe sản xuất tại các nước thành viên ASEAN đáp ứng được quy định này.
Trong khi đó cũng không thể loại trừ khả năng một số sắc thuế và phí khác áp dụng lên mặt hàng ô tô cũng sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới. Chẳng hạn, theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ của Chính phủ, kể từ năm 2018, các địa phương có thể tăng mức thu lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi từ 10% như hiện tại lên mức15%. Đối với Hà Nội, mức lệ phí trước bạ 12% hiện hành cũng có thể được điều chỉnh lên 17-18%. Lúc này, một số địa phương cũng bắt đầu rục rịch tính đến phương án điều chỉnh.
Ngay cả với mặt hàng ô tô bán tải hiện đang hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 5% và lệ phí trước bạ 2% (tương đương xe tải) cũng đang được Bộ Công Thương đề xuất áp dụng chung mức lệ phí với các loại xe chở người dưới 10 chỗ ngồi. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với xe bán tải tương tự các loại xe chở người dưới 10 chỗ ngồi.
Ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho rằng, các hãng luôn có sự điều chỉnh phù hợp với thị trường, với người tiêu dùng và câu chuyện giảm giá theo lộ trình thuế cũng được các hãng tính toán cho phù hợp để mục đích cuối cùng là mang lại sự hài lòng cho người tiêu dùng.
Đồng quan điểm với ông Dũng, ông Sumito Ishii, Tổng giám đốc Chevrolet (GM Việt Nam) nhận định, chính sách Nhà nước đưa ra thì các hãng tuân theo và phải có chiến lược điều chỉnh cho phù hợp. Với lộ trình thuế quan, hãng này cũng có những chiến lược cho riêng mình nhưng hoàn toàn không có chuyện giảm giá đột ngột theo kiểu “biến động”.
Trong đầu tháng 8 tới, triển lãm Vietnam Motors Show 2017 sẽ được diễn ra tại quận 7, TP HCM. Giá của nhiều dòng xe sẽ được “chốt hạ” vì qua triển lãm này thì nhiều dòng xe thế hệ mới của năm 2017 cũng như các phiên bản 2018 sẽ được giới thiệu hoặc chính thức bán ra. Theo dòng chảy thị trường, giá xe sẽ còn giảm khi các hãng ngày càng ra nhiều xe mới, nhà máy nhiều hơn, thị trường các nước “gắn kết” hơn bởi các hiệp định kinh tế.
Tuy nhiên, để “một sớm một chiều” mà giá xe giảm đột biến là điều không tưởng. Các doanh nghiệp sẽ khó để tình trạng “xả kho” xảy ra đối với những món hàng chiến lược của mình.