Khó khăn trong quản lý quỹ nhà chuyên dùng hiện nay là gì?

Khó khăn trong quản lý quỹ nhà chuyên dùng hiện nay là hệ thống các quy định pháp luật cần thiết của Nhà nước để điều chỉnh việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng chưa đầy đủ, nhiều bất cập, thiếu đồng bộ.

Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà kết luận buổi giám sát. (Ảnh: TTXVN).

Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh nêu rõ: Quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội rất đặc thù, được hình thành qua nhiều giai đoạn, từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng vô cùng phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ, nhiều biến động, thay đổi về cơ chế chính sách với nhiều dạng tồn tại, vướng mắc.

Sau khi rà soát, Liên ngành thống nhất, quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho các tổ chức cá nhân thuê sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, trụ sở làm việc và mục đích khác không phải để ở (quỹ nhà chuyên dùng) còn 838 địa điểm với diện tích nhà là 178.148 m2, diện tích đất là 155.156 m2, chủ yếu do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; UBND thị xã Sơn Tây; UBND quận Hà Đông và Công ty Cổ phần Kinh doanh và xây dựng nhà quản lý.

Theo ông Mạc Đình Minh, khó khăn nhất trong quản lý quỹ nhà chuyên dùng hiện nay là hệ thống các quy định pháp luật cần thiết của Nhà nước để điều chỉnh việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng còn chưa đầy đủ và nhiều bất cập, thiếu đồng bộ.

Hiện nay, Chính phủ chưa có quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước. Các đối tượng thuê nhà chuyên dùng trước đây bao gồm nhiều thành phần như: cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế quốc doanh, hợp tác xã … hoạt động trong nhiều lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, dịch vụ, du lịch.

Trải qua nhiều thời kỳ nên hồ sơ lưu trữ, quá trình quản lý không đầy đủ, nhiều điểm không có hồ sơ quản lý, chi theo dõi, thống kê trên sổ bộ và chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để giải quyết những tồn tại, vướng mắc nêu trên.

Cùng đó, cải tạo, sửa chữa quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố chậm và còn nhiều bất cập. Việc ký hợp đồng cho thuê nhà, thu tiền cho thuê nhà, đất của quỹ nhà chuyên dùng của thành phố đạt thấp, vẫn còn quỹ nhà chuyên dùng hiện đang để trống.

Để quản lý tốt quỹ nhà này, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng quy định về việc quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước giao cho các Công ty kinh doanh, quản lý nhà quản lý, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở cho công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng các địa điểm nhà chuyên dùng đang có vướng mắc, vi phạm. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng loại vướng mắc, vi phạm.

Trong khi UBND thành phố chưa ban hành cơ chế cho thuê nhà chuyên dùng theo quy định mới cũng như chưa giao vốn cho doanh nghiệp đối với các cơ sở nhà, đất để doanh nghiệp ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với nhà nước, Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố cho phép Sở tiếp tục thực hiện quy định hiện hành về quản lý, cho thuê nhà chuyên dùng.

Nêu thực trạng quản lý, sử dụng diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 nhà cao tầng tái định cư, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết, diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư tái định cư còn trống nhiều, do vướng mắc trong quá trình tổ chức đấu giá; vị trí không thuận tiện cho việc kinh doanh nên không thu hút được người tham gia đấu giá, một số diện tích lớn phải bố trí cho trụ sở các đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố.

Để đảm bảo sử dụng hiệu quả diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các nhà chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố giao Sở Tài chính xem xét phê duyệt điều chỉnh giá khởi điểm, giá sàn theo quy định, phù hợp với thực tế; thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt dự toán thu chi, phần thu chi diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 tại các nhà chung cư tái định cư để các đơn vị quản lý vận hành có cơ sở pháp lý thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ đấu giá theo quy định.

Đồng thời, giao Sở Xây dựng đôn đốc các đơn vị được giao quản lý, vận hành quỹ diện tích kinh doanh dịch vụ khẩn trương thực hiện việc xây dựng kế hoạch, tổ chức đấu giá quyền thuê quỹ diện tích kinh doanh dịch vụ theo quy định…

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1, đến nay, Sở Xây dựng đã tham mưu báo cáo UBND thành phố thu hồi 28/28 điểm vi phạm với diện tích 5.538,22 m2, kết quả đã thu hồi xong 28/28 điểm vi phạm. Công ty TNHH MTV hiện đang quản lý và triển khai công tác đầu giá theo quy định.

Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các quỹ nhà thuộc quản lý, khai thác, vận hành của Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Sở Xây dựng rà soát quy trình, thủ tục, rõ địa chỉ tham mưu UBND thành phố ban hành quy định tổ chức thực hiện đối với từng loại nhà từ khi đầu tư xây dựng đến khi vận hành khai thác; quy trình đẩy nhanh khâu bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, sở hữu nhà… không để tình trạng phát sinh thủ tục ngoài quy định.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cần tiếp tục tập trung rà soát, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức để xảy ra tình trạng vi phạm của các địa điểm, khu nhà quản lý; phân loại từng nhóm đối tượng vướng mắc, vi phạm cụ thể để có biện pháp, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Sở cũng tham mưu thành phố sớm có phương pháp, cách làm để chỉ đạo các công ty đang được thành phố giao khai thác, sử dụng các quỹ nhà tiến hành xong việc kiểm kê toàn bộ quỹ nhà, nhất là quỹ nhà chuyên dùng mà các công ty đang quản lý để phân loại các tồn tại, vướng mắc, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền và UBND thành phố xử lý dứt điểm.

Cùng đó, phối hợp Sở Tài chính đề xuất sớm các chế tài, biện pháp xử lý cứng rắn để giải quyết các trường hợp chây ỳ nợ tiền thuê nhà, sử dụng sai mục đích, vi phạm trong quá trình sử dụng quỹ nhà nhà nước.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.