Trụ sở Thiên Ngọc Minh Uy tại Hà Nội. Ảnh minh họa |
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, cử tri thành phố Hà Nội cho biết trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng, một số vụ việc kéo dài, phạm vi rộng, gây thiệt hại lớn cho người dân nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, siết chặt việc cấp phép kinh doanh và giám sát chặt chẽ việc bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Liên quan đến nội dung trên, Bộ Công thương cho biết, từ đầu năm 2016, Bộ này đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 09 tháng 3 năm 2016 yêu cầu các cơ quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp.
Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác này, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 02/CT-BCT và Chỉ thị số 30/CT-TTg nêu trên, trong năm 2016, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các Sở Công Thương tích cực triển khai công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn, kiểm tra và xử lý kịp thời khi có các phản ánh của cơ quan báo chí, truyền thông về các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được Bộ Công thương thực hiện theo quy trình chặt chẽ như quy định tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Thông tư số 24/2014/TT-BCT ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP.
"Trên thực tế, từ tháng 3 năm 2016 đến nay, Bộ Công thương không cấp thêm giấy chứng nhận mới cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp nào", Bộ này nhấn mạnh. Về mặt pháp lý, Bộ Công thương cũng đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP nêu trên về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó bổ sung thêm nhiều điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để có cơ sở sàng lọc kỹ càng và loại bỏ các doanh nghiệp có ý định kinh doanh đa cấp bất chính ngay từ thời điểm nộp hồ sơ đăng ký. Dự thảo hiện đang được Chính phủ lấy ý kiến các Thành viên Chính phủ để xem xét thông qua.
Được biết, trong năm 2016, Bộ Công thương đã kết thúc điều tra và xử phạt 36 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp (35 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận và 01 doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận) với tổng số tiền phạt 8 tỷ 149 triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Công Thương tiếp tục kết thúc điều tra, xử phạt 4 doanh nghiệp với số tiền 565 triệu đồng (trong đó có Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy)
Theo số liệu báo cáo, tổng số tiền phạt hành chính đối với hoạt động bán hàng đa cấp tại các địa phương năm 2016 ước đạt 6 tỷ 550 triệu đồng, gấp hai lần so với năm 2015.
Địa phương có số tiền phạt lớn nhất là Hà Nội với mức tiền phạt khoảng 1,5 tỷ đồng; tiếp theo là Đà Nẵng, Hải Phòng, Điện Biên và Thành phố Hồ Chí Minh.
"Số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 67 doanh nghiệp vào cuối năm 2015 đến nay đã giảm xuống còn 36 doanh nghiệp, trong đó có 15 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 16 doanh nghiệp chủ động chấm dứt hoạt động).
Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đã giảm xuống còn khoảng 472.000 người (giảm 45% so với cuối năm 2015)", Bộ Công thương cho biết.
Bộ Công Thương: Đa cấp không làm giàu cho tất cả mọi người!
Bộ Công Thương cho rằng, bán hàng đa cấp chưa thực sự trở thành một kênh phân phối hiệu quả ở Việt Nam, và cũng ... |