Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Liên quan đến vụ "gọi vong, thu trăm tỉ" ở chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh), Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ (quận 5, TP HCM) đã có một số chia sẻ với phóng viên báo Lao Động. .
Cụ thể, Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ với tư cách cá nhân là một nhà nghiên cứu và giảng dạy Phật học và không đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, trong kinh điển Phật giáo từ văn học Pali đến A-hàm và các kinh điển đại thường với khoảng 38.000 bài kinh đều không có bài kinh nào đề cập đến hiện tượng vong nhập từ một người chết vào trong cơ thể của một người đang sống.
"Do đó, bất kì ai hay Tăng ni, Phật tử, nhân danh Phật giao tổ chức các sự kiện trục vong ra khỏi cơ thể người, xét về bản chất Phật học, theo tôi là chưa phù hợp với những gì Đức Phật giảng dạy trong các kinh", Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.
Theo Thượng tọa, Phật giáo đại thừa hay nguyên thủy cũng không nói đến việc hương hồn tồn tại, nhập vào những người còn sống, mượn thân thể những người còn sống để yêu cầu làm việc hay truyền bá thông điệp cho người thân của họ.
"Cần phân định việc trục vong ra khỏi cơ thể của người còn sống mà một số người làm không phải chủ trương của Đức Phật, không phải quan điểm Phật học được Đức Phật truyền bá trong các bài kinh.
Đây là chủ trương riêng của những cá nhân. Có thể xem đây là việc làm không phù hợp với Phật giáo", Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.
Cũng theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, việc tiến hành trục vong vốn không phải của Phật giáo, không được Phật giáo chủ trương mà lại qui định giá cả và nếu có thật thì lại càng sai với "tinh thần phụng sự nhân sinh tức là thiết thực cúng dường".
Điều này cũng sai với chủ trương nhập thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bởi lẽ, Đạo Phật chủ trương "tùy hỉ công đức", ai có điều kiện thì phát tâm.
"Với việc ra giá cả, tôi chưa chứng kiến nhưng nếu phản ánh đúng sự thật thì vấn đề này không phù hợp với chủ trương Đạo Phật", Thượng tọa nói.
Cũng theo Thượng tọa Thích Nhật từ, về bản chất, Phật giáo không thừa nhận có hiện tượng vong nhập dưới bất kì hình thức nào.
"Việc lí giải tất cả các oan trái ở kiếp này do mắc nợ, do nhân số với vong linh trong quá khứ là hoàn toàn sai về phương diện Phật học.
Trong kinh Trường bộ, Đức phật có giảng dạy rằng bất kì ai có khuynh hướng cho rằng những gì chúng ta gặp phải ở hiện tại đều có gốc rễ quá khứ thì sẽ đánh mất cơ hội sống hạnh phúc và nỗ lực thay đổi cuộc sống ở hiện tại, tương lai.
Đạo Phật không bao giờ thừa nhận nhân quả là định mệnh, là số phận an bài. Chúng ta có thể làm mới và thay thế được.
Cho nên, việc lí giải rằng niềm đau của người này qua hiện tượng vong nhập báo phải làm việc thiện, việc phúc... để giải nợ của họ trong một kiếp quá khứ là hoàn toàn mê tín", Thượng tọa nói.
Theo nghiên cứu riêng của Thượng tọa Thích Nhật Từ, điều mà nhân gian gọi là vong nhập và từ đó có nhu cầu trục vong là hiện tượng rối loạn tâm thần đa nhân cách.
"Những người bị rối loạn tâm thần đa nhân đóng vai một người khác rơi vào một trong các nguyên nhân như dùng ma túy, chất kích thích (bia rượu), thức đêm, đau khổ trong chuyện tình cảm, công việc, hàm oan, sử dụng internet, mạng xã hội quá nhiều...
Những nỗi khổ, niềm đau này nếu không giải tỏa kịp thời sẽ làm cho người ta buồn chán, cô đơn, tuyệt vọng, mất ngủ dẫn đến tâm thần phân liệt, đa nhân cách, tâm thần hoang tưởng", Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.
Theo Thượng tọa, có nhiều loại hoang tưởng như hoang tưởng thị giác (nhìn thấy người, vật không thật); hoang tưởng ảo thanh (nghe thấy các âm thanh nguyền rủa, chửi bới...); hoang tưởng khi cảm giác có con vật bò lên người; hoang tưởng ý thức (nghĩ bản thân bị ám sát, bỏ thuốc độc...) trong khi thực tế không có.
"Mỗi một loại hoang tưởng dẫn đến các hậu quả về sức khỏe thể chất, sức khỏe cảm xúc, tâm trí. Những người không có nghiên cứu, thiếu hiểu biết về Phật học thường nghĩ rằng ma nhập", Thượng tọa nói.
Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng khuyên rằng người dân cần có cách hành xử đúng với sức khỏe thể chất, sức khỏe cảm xúc.
Đối với sức khỏe thể chất cần đến các bệnh viện chuyên khoa để khám, điều trị phục hồi.
"Nếu có nỗi khổ, niềm đau thì cần điều chỉnh nhận thức đúng, tâm lí đúng. Không cường điệu, quan trọng nỗi đau. Cần tương tác với gia đình, cộng đồng theo chiều hướng tích cức. Không ém các nỗi khổ niềm đau, cần tống khứ để tâm bình an.
Không có hiện tượng vong nhập mà chỉ là rối loạn tâm thần. Mọi phương pháp trục vong là mê tín dị đoan và đừng biến mình thành nạn nhân", Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết thêm.