Thông này được Bộ GTVT chính thức đưa ra khi trả lời kiến nghị của Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM mới đây.
Phương án đầu tư BOT tốt nhất?
Bộ GTVT cho biết, về chủ trương đầu tư, năm 2009, khi nghiên cứu mở rộng quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe, các đơn vị liên quan thấy kinh phí đầu tư quá lớn khi phải giải phóng mặt bằng dân cư đông đúc hai bên. Nếu mở rộng quốc lộ 1 qua khu đông dân cư thì tốc độ khai thác cũng chỉ được 60 km/h, còn tuyến tránh có tốc độ 80 km/h.
Trong khi đó, nếu chỉ mở rộng quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy thì tất cả phương tiện đi trên quốc lộ 1 sẽ phải mất phí, tổng chi phí người dân phải trả lớn hơn. Do vậy, chỉ còn phương án đầu tư tuyến tránh và phương án đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo tăng cường mặt đường quốc lộ 1, đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1.
Phương án đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính dự án; mặt đường quốc lộ 1 được cải tạo, tăng cường; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy do lượng xe được phân bổ cho cả tuyến tránh và quốc lộ 1.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang
Với phương án chỉ đầu tư tuyến tránh và đặt trạm thu phí trên tuyến tránh, ưu điểm là chỉ thu phí xe đi trên tuyến tránh, không thu phí xe đi vào nội đô thị trấn Cai Lậy. Tuy nhiên phương án này có nhược điểm là không hạn chế được lượng xe đi qua thị trấn Cai Lậy trên quốc lộ 1 do không mất phí.
Theo phương án này, đoạn quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy không được cải tạo và tăng cường mặt đường sẽ gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Phương án cũng không đảm bảo được hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính rất thấp, không thu hút được nhà đầu tư.
Năm 2012, trên cơ sở kiến nghị của tỉnh Tiền Giang về hình thức đầu tư BOT, cơ sở thống nhất giữa Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hợp đồng BOT.
Mặt khác, Chính phủ quy định, Qũy bảo trì đường bộ không được sử dụng để đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, chỉ được sử dụng quỹ bảo trì đường bộ để thực hiện công tác bảo trì. Vì vậy, Qũy bảo trì đường bộ không được sử dụng để cải tạo và tăng cường mặt đường quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang.
Bộ GTVT cho hay, Dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang, đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km với tổng mức đầu tư 1.398 tỷ đồng.
Không di dời trạm thu phí
Về phương án đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1, phương án này đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính dự án; mặt quốc lộ 1 được cải tạo, tăng cường; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy do lượng xe được phân bổ cho cả tuyến tránh và quốc lộ 1.
Thời gian qua, trước phản ứng của người dân về mức phí và vị trí đặt trạm, Bộ GTVT cho biết nguyên nhân chính là do chính sách phí quy định tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính chưa thực sự đảm bảo công bằng. Để hạn chế những ảnh hưởng đối với người dân, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã có chính sách giảm phí nói chung và miễn phí dịch vụ cho người dân lân cận trạm thu phí.
Về kiến nghị di dời trạm thu giá đường bộ vào tuyến tránh, Bộ GTVT cho rằng trạm BOT Cai Lậy nằm trong phạm vi dự án bao gồm nâng cấp mặt đường quốc lộ 1 dài 26,4 km và xây dựng tuyến tránh dài 12,1 km đã được các cơ quan liên quan và cơ quan đại diện cho nhân dân khu vực xem xét, chấp thuận trên cơ sở so sánh các phương án đặt trạm.
“Nếu di dời trạm thì Nhà nước sẽ phải mua lại dự án, trong điều kiện hiện nay thì không thể thực hiện được việc mua lại dự án do ngân sách nhà nước hạn hẹp, không bố trí được” – Bộ GTVT nêu rõ.
Theo Bộ GTVT, khi hoàn thành quyết toán dự án, Bộ GTVT và nhà đầu tư sẽ tính toán điều chỉnh giá theo phương án giảm giá hoặc rút ngắn thời gian thu giá dịch vụ. Nhưng về nguyên tắc, khi giảm giá dịch vụ thì thời gian thu sẽ dài hơn và tổng chi phí người dân phải trả sẽ lớn hơn giảm thời gian thu. Bộ GTVT sẽ tính toán đàm phán với nhà đầu tư để lựa chọn phương án tối ưu, có lợi cho người dân, cho Nhà nước.