Làn thu phí tự động không dừng tại trạm BOT Mỹ Lộc. (Ảnh: Nam Định).
Thời gian gần đây, vấn đề minh bạch thu phí BOT giao thông được nhiều người dân quan tâm sau vụ cướp tiền tỉ ở trạm thu phí Dầu Giây trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Được biết, trong bối cảnh trên, thu phí tự động không dừng đang được đánh giá là công cụ là công cụ để minh bạch việc thu phí này.
Nhằm làm rõ hơn về việc triển khai thu phí tự động không dừng, chúng tôi đã có trao đổi với ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam).
Ông Toàn cho biết, đối với dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 (BOO1), đến nay, đã lắp đặt được 29 trạm/109 làn.
Trong đó đã vận hành được 27 trạm/101 làn và đang vận hành thử nghiệm8 làn.
"Các trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cơ bản đã đưa vào vận hành 2-6 làn ETC trước 31/12/2018.
Số lượng các làn còn lại chủ yếu tập trung ở các tuyến cao tốc (có số lượng làn thu phí lớn) và các tuyến quốc lộ khác mới bổ sung vào dự án sẽ được triển khai xong trước 31/12/2019 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg", ông Toàn cho hay.
Theo ông Toàn, đối với dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 (BOO2), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang tiến hành triển khai tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến đầu tháng 4/2019 sẽ có kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
"Có thể nói trong thời gian vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng như Bộ GTVT đã rất cố gắng để triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng và bước đầu đã đưa được các trạm thu phí trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh thuộc dự án BOO giai đoạn 1 vào vận hành 2-6 làn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ", ông Toàn nói.
Triển khai thu phí tự động không dừng, nhân viên thu phí sẽ dôi dư. (Ảnh: Nam Định).
Liên quan đến vấn đề minh bạch thu phí, ông Tô Nam Toàn cho biết, việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng trên tất các trạm, các làn thu phí như mong muốn của người dân thì chưa đạt được.
Cụ thể, theo ông Toàn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Thứ nhất dự án này thực hiện theo hình thức mới đối với Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
"Đây là dự án đầu tiên do Bộ GTVT ký kết thực hiện theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh). Dự án có nhiều bên tham gia, ràng buộc qua nhiều hình thức hợp đồng", ông Toàn cho biết.
Theo đó, Bộ GTVT kí hợp đồng BOO với Nhà cung cấp dịch vụ ETC; Bộ GTVT ký hợp đồng BOT với Nhà đầu tư BOT; Nhà cung cấp dịch vụ ETC ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với Nhà đầu tư BOT.
"Đồng thời, đây là hình thức thu phí tự động không dừng ETC mới được thực hiện ở Việt Nam, nên các văn bản quy phạm pháp luật chưa được quy định đầy đủ để giải quyết kịp thời các vướng mắc trong qua trình thực hiện", ông Toàn cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông Tô Nam Toàn, dự án thu phí tự động không dừng gặp khó khăn về phương án tài chính.
Ông Toàn cho biết, trong giai đoạn đầu thực hiện dự án, nguồn thu của dự án không đảm bảo so với phương án tài chính dự kiến của dự án.
"Nguồn thu hàng tháng của dự án chỉ đạt 3-3,5 tỉ đồng trong khi chi phí là 11-12 tỉ đồng.
Hàng tháng TASCO (Nhà đầu tư) phải bù lỗ cho Công ty VETC (Doanh nghiệp dự án) khoảng 8-9 tỉ đồng (tính đến hết tháng 01/2019, TASCO đã phải cấp bù cho VETC 160 tỷ đồng để duy trì vận hành dự án).
Do phương án tài chính của dự án không đảm bảo, nên tháng 6/2018 ngân hàng BIDV đã tạm dừng giải ngân cho dự án dẫn đến Công ty VETC không có đủ tài chính để tiếp tục thực hiện dự án", Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế nói.
Cũng theo ông Toàn, tháng 7/2018, Bộ GTVT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất điều chỉnh chi phí tổ chức thu cho dự án thu phí tự động không dừng để đảm bảo tính hiệu quả của dự án.
Ngày 27/9/2018, Thủ tướng Chính phủ có văn bản 1317/TTg-CN đã chấp thuận điều chỉnh cơ chế tổ chức thu.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT phê duyệt điểu chỉnh phương án tài chính của dự án và ký phụ lục hợp đồng theo phương án tài chính mới để cho Nhà đầu tư tiếp tục vay vốn của Ngân hàng để triển khai thực hiện dự án.
Một vướng mắc khác là theo yêu cầu của Quyết định 07/2017/QĐ-TTg, Nhà đầu tư BOT phải bàn giao toàn bộ trạm cho Công ty VETC để vận hành thu phí tự động không dừng.
"Công tác bàn giao phải đàm phán để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên do liên quan đến tài sản và nhân sự, đặc biệt là giải quyết chế độ cho số lượng nhân viên thu phí dôi dư do chuyển sang thu phí tự động.
Hiện nay, Tổng cục ĐBVN đang tích cực chủ trì cùng các Nhà đầu tư BOT phối hợp giải quyết vấn đề này", ông Toàn thông tin.
"Theo chỉ đạo, cuối năm 2019, tất cả các trạm thu phí BOT phải thực hiện thu phí tự động không dừng, toàn bộ xe đi qua phải dùng thẻ.
Tuy nhiên, hiện việc thu phí tự động không dừng không đồng bộ, nhiều vùng rất chậm đăng kí thẻ.
Chúng tôi hi vọng cuối năm nay tất cả các trạm sẽ có làn thu phí tự động và có một vài làn thu phí tay do việc chậm đăng kí thẻ", Bộ trưởng GTVT cho biết.
Thu phí bằng tay tại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài. (Ảnh: Nam Định).
Ngoài những vấn đề nêu trên, người dân cũng rất quan tâm việc nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Toàn cho biết các qui định trong lĩnh vực ngân hàng chưa đầy đủ, các dịch vụ thanh toán chưa thuận tiện.
"Cách tính lãi suất đối với số dư trong tài khoản trả trước của chủ phương tiện chưa được hướng dẫn cụ thể, các dịch vụ thanh toán mặc dù đã có nhiều hình thức thực hiện, tuy nhiên chưa đầy đủ và chưa thực sự thuận tiện cho nhiều đối tượng cũng như nhu cầu sử dụng khác nhau.
Ở các nước, khi triển khai thu phí tự động không dừng người dân dễ dàng nộp tiền miễn phí hoặc được khuyến mãi khi sử dụng dịch vụ (ở Thái Lan là 1-3%, ở Nga lên đến 30%).
Ở Việt Nam, khi nạp tiền khác hệ thống Ngân hàng (BIDV), người dân phải trả phí giao dịch nộp tiền, không có hình thức khuyến mãi để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ETC dẫn đến chỉ khoảng 24% số lượng xe dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC", ông Toàn nói.
Theo ông Toàn, ở một số nước không thực hiện việc trả lãi trong tài khoản giao thông và việc nạp tiền không mất phí.
Tuy nhiên, ở Việt Nam không thực hiện được các giải pháp này do không thể bắt buộc nhà cung cấp dịch vụ phải khuyến mại.
"Bên cạnh đó, việc giảm giá vé cũng sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án BOT nên cần có hành lang pháp lí rõ ràng để thực hiện", ông Toàn cho biết thêm.