Sớm hoàn chỉnh hệ thống giám sát dữ liệu thu phí BOT để tạo niềm tin cho người dân

"Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần sớm hoàn chỉnh hệ thống quản lí, giám sát khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tạo niềm tin cho người dân và xã hội", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật yêu cầu.
Sớm hoàn chỉnh hệ thống giám sát dữ liệu thu phí BOT để tạo niềm tin cho người dân - Ảnh 1.

Trạm BOT Mỹ Lộc, Nam Định. (Ảnh minh họa: Nam Định).

Xây dựng hệ thống giám sát thu phí BOT

Theo thông tin chúng tôi nhận được, mới đây, Bộ GTVT đã có cuộc họp về việc rà soát công tác quản lí vận hành, thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và kiểm tra giám sát thu phí tại các trạm BOT.

Về công tác theo dõi, kiểm tra doanh thu hoàn vốn dự án, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị này đã yêu cầu chủ đầu tư BOT báo cáo số thu phí, lưu lượng xe định kì hàng tháng, quí, năm.

Các số liệu này được dùng để cập nhật, theo dõi, tổng hợp số liệu báo cáo Bộ GTVT theo định kì hàng quí, năm.

"Hàng năm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế địa phương rà soát, xác nhận chỉ tiêu tài chính giai đoạn kinh doanh khai thác đối với các dự án có thời gian thu phí trên 2 năm.

Bên cạnh đó cũng xác nhận chỉ tiêu tài chính theo quý đối với các dự án có thời gian thu phí còn dưới 2 năm", ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Đối với vấn đề chống thất thoát doanh thu, theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ năm 2017, đơn vị này đã thực hiện việc giám sát 10 ngày liên tục, 24/24 giờ đối với tất cả các khâu trong công tác thu phí.

"Đến hết năm 2018, Tổng cục đã trực tiếp giám sát và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện giám sát đối với 51/63 trạm thu phí của 47/59 dự án", ông Cường cho hay.

Ngoài ra, phía Tổng cục cũng đã yêu cầu các trạm thu phí định kì sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định tại Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm.

Đáng chú ý, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí đường bộ.

Được biết, đây là hệ thống tiếp nhận dữ liệu theo thời gian thực từ trạm BOT gửi lên. Hệ thống sẽ tự động thực hiện phân tích kiểm tra dữ liệu nhằm phát hiện ra các trường hợp nghi vấn, từ đó thông báo tới các bộ phận liên quan cũng như tới nhà đầu tư BOT.

"Đây là hệ thống nhằm đảm bảo tính khách quan trong việc giám sát thu phí. Và cũng là công cụ khách quan để nhà đầu tư BOT giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí khi triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng", ông Cường cho biết.

Trong một diễn biến liên quan, ông Cường cũng cho biết Tổng cục hiện đã cập nhật, kiểm soát các thông số liên quan đến phương án tài chính cho các dự án cụ thể kịp thời báo cáo Bộ cập nhật điều chỉnh hợp đồng dự án.

Sớm hoàn chỉnh hệ thống giám sát dữ liệu thu phí BOT để tạo niềm tin cho người dân - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng túc trực tại trạm BOT Mỹ Lộc trong ngày thu phí trở lại để đảm bảo ANTT, ATGT. (Ảnh: Nam Định).

Nhà đầu tư "lo" về ANTT, ATGT tại trạm BOT?

Tại cuộc họp nêu trên, đại diện một số nhà đầu tư BOT đã nêu một số vướng mắc trong việc triển khai thu phí tự động không dừng, việc tăng giá thu phí theo lộ trình để đảm bảo phương án tài chính.

Đáng chú ý, một số nhà đầu tư cũng nêu vấn đề về đảm bảo ANTT, ATGT tại các trạm BOT trước tình hình nhiều người dân phản đối thu phí tại một số trạm như đã diễn ra trong thời gian qua.

Trả lời các nhà đầu tư BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết về bản chất, hợp đồng BOT là trách nhiệm dân sự giữa Bộ GTVT và doanh nghiệp dự án. Theo đó, Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm suốt quá trình thực hiện hợp đồng.

Đối với những vấn đề vướng mắc trong hợp đồng BOT, ông Nhật yêu cầu Vụ Đối tác công tư (PPP) rà soát và phối hợp đưa ra phương án xử lí.

Về vấn đề tăng phí, ông Nhật yêu cầu Vụ Tài chính rà soát xem trạm nào đến thời điểm tăng giá để Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét.

Đối với vấn đề công khai minh bạch doanh thu phí BOT, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ đẩy nhanh thu phí không dừng giai đoạn 2.

Đối với việc nhà đầu tư đề cập đến ANTT, ATGT tại các trạm BOT, ông Nhật cho biết nhà đầu tư cần phối hợp với địa phương để xử lí vấn đề này.

"Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần sớm hoàn chỉnh hệ thống quản lý, giám sát khai thác dữ liệu thu phí BOT để tạo niềm tin cho người dân và xã hội", Thứ trưởng Nhật yêu cầu.

Sớm hoàn chỉnh hệ thống giám sát dữ liệu thu phí BOT để tạo niềm tin cho người dân - Ảnh 3.

Thu phí tự động không dừng được kì vọng nhằm làm minh bạch vấn đề thu phí BOT. (Ảnh: Nam Định).

Hệ thống quản lí, giám sát khai thác dữ liệu thu phí BOT hoạt động thế nào?

Theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) dữ liệu tại trạm thu phí được truyền về Trung tâm giám sát thông qua đường truyền riêng biệt do Tổng cục đầu tư tại các trạm thu phí, đảm bảo tính độc lập, đồng thời dữ liệu được mã hóa và đảm bảo an toàn dữ liệu.

Tại trạm thu phí khi nhân viên thực hiện giao dịch thu phí đối với phương tiện (quẹt vé giấy/thẻ cứng đối với thu phí một dừng kín/hở, gửi lệnh trừ tiền đối với thu phí không dừng), thông tin về giao dịch thu phí gồm biển số, loại xe, mệnh giá… sẽ được gửi về Trung tâm giám sát. Tại thời điểm này dữ liệu đã đầy đủ thông tin và chưa thể can thiệp thay đổi từ bên ngoài.

Hệ thống tại Trung tâm giám sát sẽ tiếp nhận dữ liệu thời gian thực do Trạm thu phí gửi lên và tự đông thực hiện phân tích kiểm tra dữ liệu để phát hiện ra các trường hợp nghi vấn (bán sai loại xe, sai mệnh giá, quay vòng vé, các loại xe ưu tiên…), sau đó thông báo tới cán bộ vận hành tại Trung tâm cũng như tới nhà đầu tư BOT trên giao diện phần mềm và email.

Dựa trên những số liệu đã được phân tích và cảnh báo này, nhà đầu tư BOT thông qua tài khoản được cấp sẽ tiến hành giải trình các trường hợp nghi vấn, cán bộ tại trung tâm sẽ kiểm tra và xác nhận phê duyệt các giải trình này.

Dựa trên dữ liệu đã được giải trình và thống nhất từ nhà đầu tư BOT với Trung tâm giám sát, hệ thống sẽ tổng hợp lại báo cáo thống kê về lưu lượng và doanh thu thu phí của Trạm thu phí theo thời gian, cung cấp tới cán bộ tại Trung tâm số liệu thu phí của các nhà đầu tư, các trạm thu phí một cách nhanh chóng và chính xác.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.