Tại buổi giao ban công tác tư pháp quý IV-2017 do Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức mới đây, nhiều vướng mắc liên quan đến ghi chú ly hôn, chứng thực bản sao, chữ ký, hộ tịch… đã được giải đáp. Hướng dẫn sẽ giúp các phòng tư pháp quận/huyện thống nhất cách hiểu và áp dụng quy định trong công việc hằng ngày.
Khó về thẩm quyền ghi chú ly hôn
Đại diện Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh, TP.HCM đề nghị Sở Tư pháp TP kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quy định pháp luật về thủ tục ghi chú ly hôn.
Cụ thể, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn quy định nhiều nơi có thẩm quyền thực hiện ghi chú như: Nơi người yêu cầu, nơi cư trú trước khi xuất cảnh của người yêu cầu, nơi đã đăng ký kết hôn trước đây… Nhưng trong thành phần hồ sơ nộp không quy định, nên nếu cơ quan đăng ký hộ tịch yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ chứng minh để xác định thẩm quyền thì không được pháp luật bảo vệ. Còn nếu chỉ căn cứ thông tin do người dân cung cấp thì không thể kiểm tra được là đúng hay sai. Hậu quả là có nhiều việc ghi chú sai về thẩm quyền phải thu hồi, hủy bỏ.
Lúc này phải xác định trách nhiệm của công chức tham mưu giải quyết hồ sơ, rất mất thời gian, trong khi đó người dân không bị xử lý vì đa số do hết thời hiệu xử phạt.
Do đó, đề nghị có quy định cho phép công chức có quyền và có điều kiện để kiểm tra, xác minh, nếu không thì bỏ quy định vì không cần thiết. Nếu không thì phải có chế tài khả thi để xử lý những trường hợp cố tình kê khai không đúng làm cho cơ quan đăng ký hộ tịch giải quyết sai.
Theo ông Nguyễn Triều Lưu (Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch, Sở Tư pháp TP), căn cứ quy định về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), công chức tiếp nhận phải tuân thủ quy định về thành phần hồ sơ phải nộp, phải xuất trình đúng theo TTHC. Nếu trong TTHC không quy định phải nộp giấy tờ chứng minh điều kiện thì không được yêu cầu người dân cung cấp thêm. Cơ quan giải quyết hồ sơ nếu có nghi vấn có thể kiểm tra, xác minh.
Người dân làm thủ tục hộ tịch tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: KP |
Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh cũng thắc mắc: Thủ tục đăng ký kết hôn đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thì phải có văn bản xác định của đơn vị về việc không vi phạm quy định của ngành. Nhưng luật không quy định biện pháp ràng buộc mà chỉ do người dân tự ghi trong tờ khai.
Ông Lưu giải thích: Nếu có căn cứ cho rằng người đó không khai báo thông tin về việc mình thuộc đối tượng phải có xác nhận thì nơi giải quyết hồ sơ có thể kiểm tra, xác minh. Mặt khác, nếu khai báo gian dối để đăng ký hộ tịch thì việc đăng ký này có thể bị hủy bỏ theo Điều 12 Luật Hộ tịch. Khi đăng ký hộ tịch, công chức hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ cho họ biết.
Chỉ sửa khi công chức hộ tịch làm sai
Phòng Tư pháp huyện Cần Giờ đề nghị hướng dẫn việc cải chính thông tin về cha mẹ trong giấy khai sinh của con khi cha mẹ đã chết và không có giấy khai sinh, không còn giấy tờ gì khác ngoài giấy khai sinh của anh/chị/em có ghi thông tin về cha mẹ. Hiện nay có nhiều trường hợp nhà có nhiều anh, chị, em nhưng thông tin về cha mẹ lại khác nhau nên họ có yêu cầu cải chính cho thống nhất.
Theo ông Nguyễn Triều Lưu, căn cứ Điều 7 Luật Hộ tịch, việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch chỉ được làm khi có sai sót do lỗi của công chức hộ tịch. Do đó không thể chỉ căn cứ vào giấy khai sinh của anh/chị/em để cải sửa.
Ngoài ra, Điều 2 Công văn số 1337 ngày 29-9-2016 của Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực (Bộ Tư pháp) quy định thẩm quyền của cơ quan đăng ký hộ tịch đối với yêu cầu cải chính hộ tịch. Theo đó, ngoài các giấy tờ do người có yêu cầu cải chính nộp thì tùy theo tính chất của vụ việc, cơ quan đăng ký hộ tịch cần chủ động xác minh trên thực tế (tại gia đình, thôn/xóm/tổ dân phố…). Cạnh đó, cơ quan đăng ký hộ tịch phải phối hợp với các cơ quan có liên quan để xác minh như qua tàng thư, hộ khẩu, CMND tại công an, qua học bạ, sổ theo dõi quản lý học sinh của cơ quan quản lý giáo dục, trường học. Từ đó, cơ quan đăng ký hộ tịch mới có cơ sở đề xuất UBND cùng cấp quyết định việc cải chính hộ tịch hay không.
Thay đổi quê quán là thay đổi hộ tịch? Phòng Tư pháp quận 12 kiến nghị Sở Tư pháp TP.HCM hướng dẫn trường hợp người dân có nhu cầu đăng ký CMND/căn cước công dân hoặc hộ khẩu có sự không thống nhất về quê quán, giữa giấy khai sinh và giấy tờ tùy thân. Lúc này công an yêu cầu người dân phải thay đổi quê quán trong giấy khai sinh trước trong khi BLDS và Luật Hộ tịch không có quy định về thay đổi quê quán trong loại giấy này. Ông Nguyễn Triều Lưu ( Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch, sở Tư pháp TP) giải thích: Theo Điều 26 Luật Hộ tịch thì thông tin về quê quán không thuộc phạm vi thay đổi hộ tịch. Ngoài ra, theo Công văn số 283/2017 của Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực thì việc xác định quê quán được áp dụng theo Quyết định 1203 của bộ trưởng Bộ Tư pháp. Theo đó quê quán là nơi sinh trưởng của cha đẻ, mẹ đẻ, nếu không rõ cha đẻ là ai thì ghi nơi sinh trưởng của mẹ đẻ là phù hợp với pháp luật hộ tịch tại thời điểm đăng ký. Vì vậy, yêu cầu của người dân là cải chính quê quán của con theo quê quán của người cha (hoặc mẹ) cho phù hợp với Luật Hộ tịch là không có cơ sở giải quyết. |