Bộ GD&ĐT công bố hệ thống thông tin hỗ trợ thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2018 | |
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 Học viện Kỹ thuật Quân sự | |
Bộ 10 đề 8 điểm môn Vật lý THPT năm 2018: Đề số 2 |
Một giờ học lý thuyết của sinh viên khối ngành liên quan đến nhà hàng - khách sạn - du lịch ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH |
Mấy ngày gần đây, nhiều người học các chuyên ngành hướng dẫn viên (HDV) trong ngành Việt Nam học, quản trị lữ hành… đã ra trường đi làm cho biết khi lên Sở Du lịch TP.HCM đổi thẻ hành nghề HDV thì không được cấp.
Lý do được sở này giải thích là làm theo quy định của Tổng cục Du lịch. Muốn được cấp thẻ, phải học khóa nghiệp vụ hướng dẫn du lịch trong thời gian 3 tháng.
N., một sinh viên (SV) học ngành Việt Nam học, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho biết chuyên ngành mình học là hướng dẫn du lịch. Trên bảng điểm thể hiện rất rõ việc này.
Tuy nhiên, khi đi đổi thẻ thì Sở Du lịch TP.HCM đề nghị N. làm hồ sơ xin cấp thẻ HDV lần đầu. Lý do là bằng tốt nghiệp của N. chỉ ghi ngành Việt Nam học chứ không thể hiện thông tin về nghiệp vụ hướng dẫn.
Như vậy, học HDV ở ĐH không được cấp thẻ trong khi học nghiệp vụ du lịch ở trường TCCN lại được cấp thẻ như bình thường.
Cựu SV của nhiều trường ĐH khác cũng đang lâm vào tình trạng này.
Bối rối ngành và chuyên ngành
Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn có 3 ngành đang bị ảnh hưởng là quản trị lữ hành, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Việt Nam học.
SV học các ngành này đều được đào tạo nghiệp vụ HDV và thể hiện rất rõ trong bảng điểm. Tuy nhiên, vì bằng tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT quy định chỉ ghi tên ngành mà không ghi tên chuyên ngành nên SV tốt nghiệp cũng không được cấp thẻ hành nghề HDV.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc cấp thẻ hành nghề như trên liên quan đến Công văn số 120/TCDL-LH ban hành ngày 8.2.2018 Tổng cục Du lịch.
Ở phần “Hồ sơ đề nghị cấp thẻ HDV”, công văn quy định “Luật Du lịch quy định việc thẩm định hồ sơ phải dựa vào văn bằng mà người đề nghị cấp thẻ nộp hồ sơ, không thẩm định bảng điểm của người nộp”. Mặc dù từ trước đó, việc cấp thẻ hành nghề HDV vẫn xét cả bảng điểm của người học.
Quy định này lại mâu thuẫn với quy chế quản lý bằng tốt nghiệp tại Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Theo đó, trên bằng tốt nghiệp chỉ thể hiện tên ngành theo mã ngành cấp 4, không thể hiện tên chuyên ngành.
Có nghĩa là, mặc dù học chuyên ngành hướng dẫn du lịch nhưng SV các ngành Việt Nam học, quản trị du lịch và lữ hành… không thể chứng minh được chuyên ngành mình học để xin cấp thẻ.
Bất hợp lý
Tiến sĩ Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, khẳng định quy định này không hợp lý, ảnh hưởng đến hàng loạt SV đang học chuyên ngành hướng dẫn du lịch tại các trường ĐH, CĐ. Ông Chương cho biết trường sẽ có công văn gửi Tổng cục Du lịch để ý kiến nhằm sửa đổi quy định này.
Lãnh đạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho rằng Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH xây dựng chương trình đào tạo ngành Việt Nam học theo các chuyên ngành khác, trong đó có du lịch.
Trong tất cả các thông tư ban hành Danh mục mã ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ (cấp 4) từ năm 2010 - 2017 (đến năm 2017 ngành du lịch chính thức có mã ngành riêng) cũng không có ngành hướng dẫn du lịch.
Trên bằng tốt nghiệp từ bậc trung cấp đến ĐH chỉ ghi tên ngành đào tạo chứ không ghi tên chuyên ngành. Các trường ĐH ghi tên ngành và chuyên ngành đào tạo tương ứng trên giấy chứng nhận tốt nghiệp và bảng kết quả học tập toàn khóa. Trong khi đó điều 59 và điều 60 của luật Du lịch 2017 lại quy định điều kiện cấp thẻ HDV là “Tốt nghiệp chuyên ngành hướng dẫn du lịch”.
Lãnh đạo trường này cho biết đã xây dựng và ban hành chương trình đào tạo ngành Việt Nam học - chuyên ngành hướng dẫn du lịch. SV của các khóa đào tạo ngành này của trường sau khi tốt nghiệp, cho đến nay đều đủ điều kiện về chuyên môn để cấp thẻ HDV theo quy định hiện hành.
Vì vậy, lãnh đạo nhà trường cho rằng việc Tổng cục Du lịch ban hành Công văn số 120 đã trực tiếp tác động đến hoạt động đào tạo các khóa SV theo chuyên ngành hướng dẫn du lịch từ năm học 2017 - 2018 trở về trước.
Trường đề nghị Tổng cục Du lịch làm rõ việc hướng dẫn như vậy có phù hợp với tinh thần của luật Du lịch và các văn bản pháp quy có liên quan đến danh mục ngành đào tạo, chức năng và quyền hạn của các trường ĐH về việc xây dựng và ban hành các chuyên ngành đào tạo (trong các ngành).
Nếu việc hướng dẫn của Tổng cục Du lịch là hợp lý thì việc giải quyết quyền lợi cho SV chuyên ngành hướng dẫn du lịch hiện nay như thế nào vì việc tuyển sinh đúng với quy chế đào tạo hiện hành của Bộ GD-ĐT?
TS Nguyễn Quyết Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch VN, Trưởng khoa Quản trị du lịch - nhà hàng - khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết việc SV học 3 - 4 năm về nghiệp vụ HDV tại các trường ĐH, CĐ, nay muốn lấy thẻ hành nghề lại phải học khóa nghiệp vụ 3 tháng với những môn đã học qua trước đó là rất bất hợp lý.
Bộ GD&ĐT công bố hệ thống thông tin hỗ trợ thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2018
Thông qua thư điện tử và đường dây nóng sẽ cung cấp thông tin và giải đáp các thắc mắc của thí sinh về Kì ... |
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 Học viện Kỹ thuật Quân sự
Ban Tuyển sinh Bộ Quốc phòng cho biết, năm 2018, Học viện Kỹ thuật Quân sự tuyển 500 chỉ tiêu, trong đo dành 400 chỉ ... |
Bộ 10 đề 8 điểm môn Vật lý THPT năm 2018: Đề số 2
Sau đây là đề thi số 2 trong bộ 10 đề 8 điểm môn Vật lý do TS Lê Tiến Hà - Giảng viên môn ... |