Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 16/11. |
Con số tăng trưởng tín dụng 21% trong năm nay khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại. Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Quảng Trị Đỗ Văn Sinh dẫn ra thực tế, chứng khoán đang lên đến đỉnh điểm, bất động sản từ đầu năm đến nay ấm dần lên. Đây là những tín hiệu tốt của nền kinh tế, nhưng mặt khác cũng phải xem xét về vấn đề tín dụng. Liệu có phải tín dụng đang đổ vào chứng khoán, bất động sản và có thể dẫn đến bong bóng bất động sản, chứng khoán. Đồng thời có thể dẫn đến phát sinh nợ xấu mới, khi mà nợ xấu cũ còn chưa xử lý xong. Đại biểu Sinh đề nghị Chính phủ theo dõi sát tăng trưởng tín dụng và có biện pháp kiểm soát kịp thời.
Trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng ngày 16/11, con số tăng trưởng tín dụng 21% và hệ lụy đối với nền kinh tế tiếp tục là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Thống đốc.
Giải tỏa lo lắng này, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, tăng trưởng tín dụng 21% không phải là chỉ đạo của Chính phủ. Ngay từ đầu năm, dựa theo diễn biến kinh tế, Chính phủ đã đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 18%, có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Trong thực tế điều hành, đến tháng 6, tốc độ tăng GDP vẫn thấp, các nguồn vốn đầu tư vào nền kinh tế chưa đạt yêu cầu, Chính phủ có đề nghị hệ thống ngân hàng xem xét về việc nâng mức tăng trưởng tín dụng lên cao hơn so với định hướng đầu năm.
“Đây không phải chỉ đạo bắt buộc các ngân hàng phải làm, mà chỉ đạo xuyên suốt là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với chất lượng tín dụng và hiệu quả. Các tổ chức tín dụng nào có thể tăng tín dụng và lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên thì có thể cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn, không yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng trưởng bằng mọi giá”, Thống đốc làm rõ.
Theo Thống đốc, năm nay, theo đánh giá của NHNN có cơ sở để đạt mức tăng trưởng kinh tế như kế hoạch hoặc cao hơn nhưng đã được điều hành chặt chẽ. Đồng thời, đảm bảo tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, sẽ không gây bất ổn cho nền kinh tế trong trung và dài hạn, đặc biệt là lạm phát.